Ngày 22/4, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, liên quan đến tố giác của một số cá nhân đối với bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam.
Được biết cách đây khoảng một tháng, bà Hằng bị Công an TP. HCM khởi tố, bắt tạm giam cùng tội danh nêu trên. Nhiều độc giả đã thắc mắc, không hiểu việc điều tra theo thẩm quyền được quy định như thế nào khi bà này bị cơ quan tố tụng của hai tỉnh khởi tố, điều tra cùng một tội?
Bà Nguyễn Phương Hằng. |
Trả lời câu hỏi, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp giải thích, mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần. Nếu một người thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật đã bị cơ quan tố tụng khởi tố, điều tra, các cơ quan khác sẽ không xử lý, trừ trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, mỗi hành vi đều thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Theo luật sư Cường, nguyên tắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự là hành vi phạm tội xảy ra ở địa phương nào, cơ quan tố tụng ở địa phương đó có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp vi phạm pháp luật xảy ra ở nhiều địa phương, nơi nào phát hiện đầu tiên, nơi đó sẽ giải quyết.
Đối với trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Công an TP HCM và Bình Dương khởi tố cùng một tội danh, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, nếu bà Hằng không có dấu hiệu vi phạm nào khác, cơ quan tiến hành tố tụng có thể nhập vụ án hình sự để điều tra theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự.
“Trừ trường hợp bị can phạm nhiều tội, việc nhập vụ án hình sự sẽ gây khó khăn cho cơ quan điều tra hoặc cho những người bị hại. Còn nếu một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm ở nhiều địa phương, có thể sẽ bị khởi tố ở nhiều địa phương nhưng sau đó cơ quan tố tụng cũng có thể nhập vụ án hình sự để một cơ quan điều tra xử lý”, luật sư Đặng Văn Cường phân tích,
Cùng quan điểm nêu trên, luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng, nên nhập vụ án lại, giao cho một đơn vị điều tra xử lý nếu không làm rõ được bà Nguyễn Phương Hằng có thêm hành vi vi phạm khác.
Về quy trình nhập vụ án, luật sư Bình cho biết, cơ quan điều tra phải gửi quyết định cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định. Trường hợp không nhất trí nhập vụ án thì Viện kiểm sát sẽ ra quyết định hủy bỏ, nêu rõ lý do…
Công an tỉnh Bình Dương cho biết, việc khởi tố vụ án với bà Nguyễn Phương Hằng nhằm làm rõ nội dung tố cáo của một số cá nhân cho rằng bà này có hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trước đó, Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã thụ lý xác minh đơn tố giác tội phạm của 6 cá nhân đối với bà Phương Hằng gồm: ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên, Công Vinh, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, nhà báo Nguyễn Đức Hiển và bà Đinh Thị Lan. Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương cho hay, hiện mới khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can. "Cùng một vụ án có tính chất giống nhau nhưng hai địa phương sẽ làm độc lập. Sau này, có thể hai đơn vị sẽ thống nhất đưa về một mối xử lý", đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương cho hay. |
Tác giả: Hoàng An
Nguồn tin: Báo Tiền Phong