Theo hồ sơ dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam (thay thế Nghị định 118/2017) đang được Bộ Tư pháp thẩm định, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là cơ quan thông tấn quốc gia (quy định mới), thực hiện chức năng đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác trong và ngoài nước; hoạt động theo mô hình cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện (quy định mới).
Dự thảo nghị định cũng đề xuất sửa đổi nhiệm vụ xây dựng cơ chế tài chính: "Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế tài chính, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách của Thông tấn xã Việt Nam trong lĩnh vực được giao".
Trụ sở Thông tấn xã Việt Nam ở Hà Nội (Ảnh: TTXVN). |
Đáng chú ý, Thông tấn xã Việt Nam dự kiến sẽ sáp nhập Trung tâm Tin học vào Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn. Với việc sáp nhập này, số đầu mối đơn vị cấp ban (vụ) của Thông tấn xã Việt Nam sẽ giảm từ 28 xuống 27.
Thông tấn xã Việt Nam dự kiến bỏ tổ chức cấp phòng tại Ban Tổ chức - Cán bộ và Ban Thư ký biên tập và Quan hệ đối ngoại (giải thể 2 phòng tại Ban Tổ chức - Cán bộ và 3 phòng tại Ban Thư ký biên tập và Quan hệ đối ngoại). Đồng thời sẽ giảm số lượng phòng tại Văn phòng từ 8 phòng còn 6 phòng, giảm số lượng phòng tại Ban Kế hoạch - Tài chính từ 5 phòng còn 4 phòng.
Theo dự thảo nghị định, Thông tấn xã Việt Nam có Tổng giám đốc và không quá 4 Phó tổng giám đốc. Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.
Tổng giám đốc bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của các đơn vị trực thuộc.
Báo cáo về sắp xếp cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam gửi tới Bộ Tư pháp cho thấy, từ năm 2016 đến nay, cơ quan này đã giảm 20 đầu mối cấp phòng. Nếu trừ 2 phòng thành lập mới theo yêu cầu công tác (thành lập Phòng tin tiếng Nga tại Ban biên tập tin Đối ngoại và Phòng thông tin đa phương tiện tại Trung tâm Truyền hình Thông tấn), thì toàn ngành đã giảm tuyệt đối 18 phòng (từ 155 xuống 137 phòng).
Về quản lý biên chế, từ năm 2015 đến tháng 6/2021, Thông tấn xã Việt Nam đã giảm 11,2% tổng số người làm việc và hợp đồng lao động (không bao gồm các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên - là những đơn vị không thuộc phạm vi quản lý biên chế của Bộ Nội vụ - và các cơ quan thường trú ngoài nước), cụ thể là giảm từ 1.734 người xuống còn 1.540.
"Đạt được kết quả trên là do Thông tấn xã Việt Nam thực hiện nghiêm việc không tuyển quá 50% số người nghỉ hưu đúng tuổi và số người thôi việc, sắp xếp lại nhân sự theo vị trí việc làm và điều động nội bộ để hạn chế tuyển mới"- báo cáo cho hay.
Thông tấn xã Việt Nam khẳng định thực hiện nghiêm quy định khi bổ nhiệm cấp phó. Thời gian qua việc bổ nhiệm cấp phó được thực hiện căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và số lượng người làm việc thực tế tại ban, phòng, cũng như tiêu chuẩn, điều kiện của nhân sự đề nghị bổ nhiệm. Hiện tại, bình quân mỗi ban tại Thông tấn xã Việt Nam có 1,8 phó trưởng ban và mỗi phòng có 1,17 phó trưởng phòng.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí