Theo hồ sơ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 98/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương đang được Bộ Tư pháp thẩm định, Cục Công tác phía Nam được đề xuất giải thể và sắp xếp lại mô hình hoạt động theo hướng là đại diện của Văn phòng Bộ Công Thương tại khu vực phía Nam.
Đồng thời, Bộ Công Thương đề xuất thay thế Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng bằng Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia theo đúng quy định của Luật Cạnh tranh.
Trụ sở Bộ Công Thương (Ảnh: Chinhphu.vn). |
Mô hình tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tương đương tổng cục (trên cơ sở hợp nhất 3 cơ quan là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Hội đồng cạnh tranh và Văn phòng Hội đồng cạnh tranh).
Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết 18/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, việc xây dựng mô hình tương đương tổng cục của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải được báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị.
Được sự nhất trí của Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã 2 lần trình, báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện mô hình tổ chức tương đương tổng cục của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Vào tháng 6/2021, Bộ Công Thương đã tham dự họp và báo cáo Bộ Chính trị về vấn đề mô hình tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Theo đó, vấn đề mô hình tổ chức của Ủy ban được sẽ được báo cáo trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 98/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.
Dự thảo nghị định đề xuất Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định pháp luật hiện hành cho đến khi Thủ tướng Chính phủ quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Về việc sắp xếp, sửa đổi, bổ sung các đơn vị bên trong Tổng cục Quản lý thị trường do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường khẩn trương hoàn thiện đề án thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh trên cơ sở tổ chức lại 38 Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh để giảm 19 Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Sau khi nghị định mới thay thế Nghị định 98/2017 được ban hành, Bộ Công Thương sẽ tiến hành đánh giá 5 năm hoạt động của Tổng cục Quản lý thị trường để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 34/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan này.
Đề nghị giữ nguyên số lượng phòng tại 3 Vụ
Bộ Công Thương khẳng định đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc không tổ chức phòng trong Vụ. Tuy nhiên, do đặc thù liên quan hoạt động đối ngoại, Bộ Công Thương đề nghị giữ nguyên số lượng phòng tại 3 Vụ là: Vụ Chính sách thương mại đa biên có 3 phòng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi 3 phòng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ 3 phòng.
"Hàng năm, đại diện các Vụ nêu trên phải tham dự rất nhiều các sự kiện đối ngoại, các cuộc họp cấp kỹ thuật, họp SOM cả song phương và đa phương, lãnh đạo Vụ không thể tham dự hết, nhiều cuộc họp và tiếp xúc phải cử lãnh đạo phòng. Việc đi họp, đi đàm phán và tiếp xúc đối ngoại với các đối tác nước ngoài yêu cầu cán bộ tham gia phải có hàm cấp, để thuận tiện cho việc đối ngoại và giữ vị thế của đoàn Việt Nam"- Bộ Công Thương đưa ra lý do cho đề xuất trên.
Bên cạnh đó, Bộ này khẳng định đây là một nguồn chính cung cấp cán bộ cho các thương vụ, đặc biệt là người đứng đầu bộ phận kinh tế, thương mại của nhiều cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Đa số cán bộ trong các Vụ tuổi còn trẻ, hệ số lương thấp, không đủ điều kiện để được cử đi làm Tham tán hoặc Bí thư thứ nhất. Trong khi các Đại sứ quán các nước khác đều cử người đứng đầu bộ phận thương vụ là Tham tán Thương mại, thậm chí Tham tán công sứ.
"Nếu không có chức danh cấp Phòng, các chuyên viên được cử đi thương vụ được Bộ Ngoại giao bố trí làm tùy viên thương mại, có hàm cấp ngoại giao thấp, không có vị thế và không được tôn trọng khi làm việc với các cơ quan, bộ ngành và doanh nghiệp của nước sở tại, ảnh hưởng đến công tác phát triển thị trường và việc bảo vệ lợi ích của Việt Nam"- tờ trình của Bộ Công Thương cho hay.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương Cơ cấu của Bộ Công Thương được đề xuất gồm có 29 tổ chức: Vụ Kế hoạch; Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp; Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ; Vụ Chính sách thương mại đa biên; Vụ Thị trường trong nước; Vụ Dầu khí và Than; Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Pháp chế; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ; Tổng cục Quản lý thị trường; Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; Cục Điều tiết điện lực; Cục Công nghiệp; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Phòng vệ thương mại; Cục Xúc tiến thương mại; Cục Công Thương địa phương; Cục Xuất nhập khẩu; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục Hóa chất; Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương; Báo Công Thương; Tạp chí Công Thương; Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương. |
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí