Xã hội

Chuyện tình thời chiến: Tướng Hy và hơn 500 bức thư từ lửa đạn

Tướng Hy đi chiến trường biền biệt, hết chống Pháp rồi đến chống Mỹ, hơn 500 lá thư đi và về giữa bom đạn chiến tranh là tình yêu của ông dành cho người vợ ở hậu phương.

Chiến tranh không chỉ có bom đạn, máu đổ và hy sinh, vẫn có những tình yêu được ươm mầm trong xa cách, chia ly. Những người lính đi chiến trận không hẹn ngày về và cả người con gái ở hậu phương cũng ngã xuống vì bom đạn.

Chỉ còn những bức thư, những dòng nhật ký lưu lại những chuyện tình đẹp như cổ tích nhưng đầy day dứt trong khói lửa chiến tranh. Zing.vn xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc loạt bài "Những chuyện tình thời chiến", nhân 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7/1947 - 27/7-2017.

Hơn 500 bức thư đi về giữa đạn bom chính là sợi dây nối dài tình yêu của thiếu tướng Phan Khắc Hy và vợ Nguyễn Thị Ngọc Lan trong suốt 24 năm xa cách đằng đẵng. Hết chống Pháp rồi đến chống Mỹ, ông đi chiến trường, bà ở hậu phương, chỉ nhờ những cánh thư nói hộ lòng mình.

Những lá thư vượt bom đạn

Đó là những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Thị Ngọc Lan xếp bút nghiên xung phong vào mặt trận Bình Trị Thiên. Phan Khắc Hy là Phó bí thư Tỉnh uỷ, Tỉnh đội trưởng Quảng Bình, được điều vào xây dựng lực lượng chủ lực. Họ gặp nhau giữa chiến trường.

“Đó là tiếng sét ái tình đấy. Thanh niên tham gia cách mạng, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng nhưng lòng vẫn thầm mong có tình yêu làm chỗ dựa”, tướng Phan Khắc Hy nhớ lại.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy và người vợ nổi tiếng với hơn 500 bức thư tình xuyên suốt hai cuộc kháng chiến. Ảnh tư liệu.

Nhưng chuyện tình cảm của chàng trai Quảng Bình không được suôn sẻ như ông mong muốn. Suốt thời gian dài, cô gái Ngọc Lan cứ tránh mặt. Cuối cùng ông mới biết lý do rằng bà là cháu ngoại của một nhà nho xứ Nghệ, bà sợ ông ngoại mắng vì vừa ra chiến trường, chưa đóng góp được gì đã vội yêu đương. “Đó là lý do tôi cứ tấn công, còn bà ấy cứ phòng thủ”, ông cười.

Phan Khắc Hy phải nhờ đến Tư lệnh mặt trận Bình Trị Thiên viết thư cho ông ngoại người yêu, xin phép cho hai người tìm hiểu. Phải chờ tới bức thư đồng ý của ông ngoại gửi từ Hà Tĩnh vào, bà Ngọc Lan mới thôi tránh mặt.

Yêu nhau một năm, tháng 9/1952, đám cưới được tổ chức tại chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị). Sau đó là những tháng ngày biền biệt. Ông đi từ chiến dịch này sang chiến dịch khác.

Những ngày ở Việt Bắc, ông viết thư cho bà trên mọi loại giấy có thể tận dụng được. Có những bức thư chữ nhỏ chi chít trong diện tích bằng bao thuốc lá. “Em ơi, thương em nhiều lắm, nói và viết khó khi nào hết. Tìm ở đây tất cả tha thiết của lòng anh... Lan vẫn luôn gần anh, đôi mắt hiền và bàn tay mềm mại. Hôn em nhiều”.

Thư "cho phép" của ông ngoại bà Ngọc Lan gửi Tư lệnh mặt trận Bình Trị Thiên. Ảnh: Hà Hương.

Thi thoảng dưới thư ông ký tên Khắc Ngọc, ghép tên đệm của ông và bà với nhau. Ông nói những bức thư như sợi dây tình cảm đậm đà nhất vượt qua bom đạn và thử thách. Ông đi chiến trường, thi thoảng ghé thăm nhà gửi thư nhờ mẹ cất giùm. Cứ thế, thư của ông và bà được mẹ gói lại trong mo cau, treo trên gác bếp, chờ ngày con về.

Như nghe cả hơi thở của em

Hết chống Pháp, ông lại biền biệt trên những nẻo đường Trường Sơn chống Mỹ. Ông viết thư cho bà dọc đường hành quân, rồi tranh thủ gửi khi qua các binh trạm hoặc đồng đội đi ngang. Thư chỉ nhớ thương người vợ ở hậu phương nhưng chẳng bao giờ hẹn ngày về.

Năm 1966, trong một quyển nhật ký, ông viết: “13 năm rồi, nếu tính từ ngày mình gặp gỡ thì đúng 14 năm 8 ngày. Ngoài trời gió mưa đang thổi, anh như nghe cả hơi thở của em và nhìn thấu đáo tâm tư tình cảm của em lúc này...

Ừ, tình cảm cộc sống của ta đã qua hai kỳ kháng chiến, từ những phút hồi hộp, bồng bột buổi đầu đến những giờ phút hạnh phúc bên nhau rất ít ỏi mà nói với nhau nhiều, yêu nhau nhiều qua những lá thư và hăng say trong công tác, chiến đấu...”.

Những bức thư tình được tướng Hy và vợ giữ gìn cần thận, chờ ngày hoà bình. Ảnh: Hà Hương.

Khi ông được điều về miền Bắc phụ trách không quân, bà lại đi sơ tán. Có những hôm về nhà, ông viết thư cho vợ: “Hôm nay về nhà lần thứ 3 kể từ hôm em đi, tờ lịch vẫn nguyên, có cả tờ báo chủ nhật. Rất nhiều việc đã làm, nhiều máy bay Mỹ rơi và cũng rất nhiều thương nhớ”.

“Có lần nhớ vợ quá tôi đánh liều nhắn lên làng sơ tán trên Thái Nguyên nói con ốm nặng. Thế là bà đạp xe trong đêm lên ga Thái Nguyên rồi mua vé tàu về Hà Nội. Về đến nơi thì hoá ra bị chồng lừa”, ông nhớ lại.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy (sinh năm 1927 tại Quảng Bình), nguyên Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không Không Quân.

Vì việc này, bà sau đó viết thư “kiểm điểm nhẹ” chồng. “Em thấy anh thương con nhưng lại chưa thương em phải đạp xe gần 60 cây số và thức gần trắng hai đêm trên tàu... Em có thể phê phán nhẹ là anh hơi 'cá nhân' đấy vì ít thấy anh nghĩ đến chuyện em phải đi vất vả, cả những hôm em phải đi suốt đêm. Nếu có sự gì bất trắc thì sao nhỉ?”.

Sau ngày thống nhất đất nước, trong bức thư gửi từ Sài Gòn sang Tiệp Khắc, ông viết: “Em yêu! Chắc em không ngờ ngày 7/5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn đã giải phóng... Nhiều cảm xúc đặc biệt. Anh sẽ ghi lại nhật ký 2 tháng qua để sau này em cùng được sống lại với anh những ngày bằng hàng chục năm đó.

Anh đến Sài Gòn ngày 1/5. Sài Gòn rất đông, suốt các ngả đường, dòng người, dòng xe cứ như nước... Vấn đề lớn bây giờ và sắp tới là xây dựng đất nước thống nhất, phồn vinh, em sẽ về cùng tham gia vào sự nghiệp đó. Viết vội chừng này... Gửi em tất cả niềm vui, xúc động, nhớ thương và tự hào...”.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy và bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan chụp ảnh cùng 1 trong ba người con. Ảnh tư liệu.

Hơn 1 tháng sau, từ Praha (thủ đô Tiệp Khắc lúc đó), bà viết: “...Từ khi được tin giải phóng Sài Gòn thì đã sung sướng và mừng vui vô hạn, tuy nhiên niềm vui chưa hoàn toàn trọn vẹn vì vẫn còn chờ thư anh. Từ nay, em bớt đi phần lo lắng, cái lo lắng thường xuyên như cơm bữa... Giá trị của độc lập, hoà bình cảm thấy thiết thân và cụ thể như sờ thấy được anh ạ”.

Năm 1976, bà học xong về nước, gia đình đoàn tụ sau 24 năm ròng rã chia cách bởi chiến tranh. Thư ông để trong chiếc túi xanh bà thêu, ông giữ trọn vẹn từng bức đến ngày hoà bình.

Bức thư của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm gửi một người yêu bí mật có tên là M. Người con trai đó tên là Khương Thế Hưng, tác giả điệu múa Chàm Rông nổi tiếng trên chiến trường đánh Mỹ.

Đặng Thuỳ Trâm đã hy sinh, Khương Thế Hưng cũng đã qua đời vì di chứng chất độc da cam. Chỉ có những dòng thư, nhật ký hé lộ câu chuyện tình đầy day dứt và tiếc nuối của họ.

Kính mời quý bạn đọc đón xem trong kỳ tiếp theo.

Tác giả: Hà Hương - Ngọc Hoa

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP