Ông Dương Đình Hòe bên chiếc chuông mà gia đình đang cất giữ 10 năm qua
Tưởng đào được bom
Mùa đông năm 2006, sau khi đi học về, cậu bé Dương Quốc Hợp (SN 1993, Đồng Đức, Bình Định Nam, Thăng Bình, Quảng Nam) lấy dụng cụ đi rà sắt phế liệu ở cánh đồng phía trước nhà.
Tại đây, em Hợp phát hiện có một vật bằng kim loại nên lấy dụng cụ để đào. Sau khi hì hục đào khoảng hơn 1,5 mét, Hợp phát hiện một vật giống quả bom nên bỏ chạy về nhà gọi cha mình.
“Nghe con nói, tôi phát hoảng nhưng cũng chạy ra để xem đó là vật gì. Sau khi xem kỹ, tôi thấy trên thân “quả bom” có khắc chữ Hán nên mới nghĩ đó là chiếc chuông và tiếp tục đào.
Khi đào xong, do chiếc chuông quá to và nặng nên tôi phải gọi thêm mấy thanh niên trong làng phụ giúp đưa lên khỏi mặt đất. Nghe gia đình tôi đào được chuông cổ, hàng trăm người dân trong và ngoài địa phương kéo đến xem chật nhà”- ông Dương Đình Hòe (cha em Hợp) kể lại.
Thời gian đó, chính quyền địa phương cũng đến nhà ông Hòe để kiểm tra thông tin. “Huyện bảo đó là tài sản của nhà nước và nói cha con tôi nên giao nộp nhưng gia đình tôi không đồng ý. Do vậy, họ có lập biên bản với nội dung gia đình tôi được phép sở hữu nhưng phải giữ gìn cẩn thận, không được chuyển nhượng, buôn bán. Gia đình tôi đồng ý và cất giữ chiếc chuông trên cho đến bây giờ”- ông Hòe chia sẻ.
Được sự cho phép của ông Hòe, chúng tôi đã theo ông đến nơi cất giữ báu vật và chiêm ngưỡng chiếc chuông cổ “khủng” này. Theo quan sát của chúng tôi, quả chuông này được đúc bằng đồng, cao khoảng 1m, đường kính khoảng 40cm, nặng hơn 100kg, đỉnh chuông chạm hình 2 con rồng đối xứng nhau, phần thân chuông có khắc chữ Hán và có 7 hình tròn mặt trời cùng một số họa tiết hoa văn được trang trí rất đẹp mắt.
Theo lời ông Hòe, kể từ khi gia đình ông đào được chuông, chưa có ngành chức năng nào về nghiên cứu nên gia đình ông không biết chiếc chuông đó niên đại nào, xuất xứ từ đâu. “Một số người già trong làng biết tiếng Nho đến xem thì nói rằng chuông có từ thời nhà Lê, nhưng đó cũng chỉ là nhận định cá nhân”- ông Hòe nói.
Ông Dương Đình Hòe bên chiếc chuông mà gia đình đang cất giữ 10 năm qua
Điều khá thú vị là cũng tại làng Đồng Đức, ngoài gia đình ông Hòe, còn có một gia đình khác cũng sở hữu một chiếc chuông cổ. Ông Đặng Đình Thành (SN 1969, thôn Đồng Đức) cho biết, chiếc chuông cổ của nhà ông đã được lưu giữ từ nhiều đời qua.
Điều đặc biệt, chiếc chuông này có kích thước, hình dáng giống hệt chiếc chuông của gia đình ông Hòe. Tuy nhiên, nếu chuông của ông Hòe có 7 biểu tượng mặt trời thì chuông nhà ông Thành chỉ có 5 cái. Do vậy, nhiều người đùa vui rằng, chiếc chuông của ông Thành là “chuông trống”, chiếc của ông Hòe là “chuông mái”.
Bà Nguyễn Thị Tuần (75 tuổi, mẹ của ông Thành) kể, lúc bà về làm dâu nhà họ Đặng thì đã thấy chiếc chuông kia rồi. Bà hỏi cha chồng thì ông nói không biết chiếc chuông có từ khi nào, vì khi ông còn nhỏ đã thấy chiếc chuông để trong nhà. Theo bà Tuần, đây là chiếc chuông gia truyền của dòng tộc, mà gia đình ông Thành là trưởng tộc nên được giao nhiệm vụ giữ gìn.
Những chuyện lạ xung quanh chuông cổ
Ông Hòe kể, có một điều rất lạ là khi đưa chiếc chuông từ dưới bùn sâu lên nhưng ông và mọi người không thấy bên trong chiếc chuông có tí bùn nào, bên ngoài cũng sạch bóng. “Cũng từ khi đào được chuông cổ trên, gia đình tôi có những thay đổi”, ông Hòe tiết lộ.
Theo lời ông Hòe, trước khi đào được chuông, Hợp học rất yếu. Nhưng sau khi đưa chuông cổ về, Hợp bỗng nhiên siêng năng lạ thường. Từ học sinh yếu nhưng đến cuối năm lớp 12 thì Hợp lại thi đậu vào trường Đại học bách khoa Đà Nẵng. Tính tình của Hợp rất dễ thương, vui vẻ, hoạt bát. Công việc làm ăn của gia đình tôi cũng có phần thuận lợi hơn trước.
Sau khi vào trường Đại học, vì cần tiền để trang trải học hành và cải thiện kinh tế gia đình, Hợp gợi ý bảo ông Hòe bán chiếc chuông đi. “Tôi luôn giữ lập trường dù khó khăn đến mấy cũng nhất quyết không bán chiếc chuông. Còn thằng Hợp, sau khi có ý định bán chuông đó, tính tình nó trở nên khác thường, học hành sa sút hẳn. Đáng lẽ nó đã ra trường và đi làm rồi chứ, thế mà bây giờ nó vẫn còn ngồi học lại 1 năm nữa…”, ông Hòe bộc bạch.
Còn với chiếc chuông của nhà mình, bà Tuần kể, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, có lần chiếc chuông bị kẻ gian lấy trộm và giấu xuống đáy giếng. Sau đó vài ngày, gia đình bà tìm thấy và đem về nhà thờ lại. Được ít hôm, kẻ gian lại vào trộm, nhưng khi mang ra khỏi nhà thì chiếc chuông phát ra tiếng kêu nên bọn chúng hoảng sợ bỏ chuông mà chạy.
Đến năm 1966, khi nhà bị cháy, không có chỗ để thờ nên gia đình bà treo chiếc chuông trên nền nhà cháy, còn gia đình ở nhờ nơi khác. Không có người trông coi, kẻ trộm vào ngôi nhà cháy lấy tất cả các vật dụng như chén bát, xoong nồi… Tuy nhiên, chiếc chuông cổ thì chúng không dám đụng đến.
Bà Nguyễn Thị Tuần bên chiếc chuông mà tộc Đặng lưu giữ nhiều đời qua.
Giữ gìn báu vật của làng
Khi chúng tôi hỏi: “Giờ có người trả giá cao gia đình mình có bán chuông không?”, cả bà Tuần và bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1972, vợ ông Thành) khẳng định: “Dù gia đình còn khó khăn nhưng lâu nay chưa ai có ý định sẽ bán quả chuông này”.
“Tôi không dám nói là báu vật nhưng đây là vật gia truyền của dòng tộc nên không bao giờ bán và sẽ luôn giữ gìn cẩn thận. Tôi có nguyện vọng sau này gia đình làm ăn khấm khá sẽ xây một phòng riêng để thờ chiếc chuông trên”- bà Hạnh tâm sự.
Còn với ông Hòe, 10 năm qua, ông coi chiếc chuông là báu vật nên giữ gìn rất cẩn thận. Để đề phòng kẻ gian, ông đã mua một sợt dây cáp về buột chặt vào trần nhà rồi khóa lại. “Đối với gia đình tôi, đây là một báu vật và chúng tôi sẽ ra sức giữ gìn báu vật này...”- ông Hòe chia sẻ.
Theo chúng tôi được biết, thôn Đồng Đức nằm cách Phật viện Đông Dương có từ thời Chămpa khoảng 4 km. Tương truyền xưa kia, trên khu vực đồi cao của thôn có một ngôi chùa cổ nên người dân gọi nơi đây là Núi Chùa.
Đến nay, di tích ngôi chùa không còn nhưng nơi đây vẫn còn một tảng đá bằng phẳng rất to, người dân nơi đây gọi đó là nền móng của ngôi chùa xưa. Vì vậy, nhiều người cho rằng, 2 chiếc chuông trong làng Đồng Đức có mối liên hệ với ngôi chùa cổ trên.
Còn ông Lê Văn Kết - cán bộ văn hóa xã Bình Định Nam cho rằng hai chiếc chuông trên có niên đại từ rất lâu đời, là niềm tự hào của người dân Đồng Đức nói riêng và của xã Bình Định Nam nói chung.
“Người dân nơi đây gọi hai quả chuông trên là Đại Hồng Chung. Đối với chuông nhà ông Hòe, khi mới được phát hiện các ngành chức năng của huyện lên lập biên bản rồi bàn giao cho gia đình ông Hòe giữ cho đến ngày nay. Còn chuông nhà ông Thành là vật gia truyền nên gia đình ông tự bảo quản.
Nhân đây, tôi cũng mong các nhà nghiên cứu về tìm hiểu để làm rõ niên đại, xuất xứ của hai quả chuông trên, qua đó có nhận định, đánh giá đúng giá trị của những cổ vật trên để có cách gìn giữ, bảo quản tương xứng”- ông Kết đề nghị.
Tác giả bài viết: Văn Hoàng - Phạm Trường
Nguồn tin: