Theo nghiên cứu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, cây si bản Suối Cốc, xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn có tuổi thọ là 800 năm đến 1.000 tuổi. Cây si này không chỉ vô địch về tuổi thọ mà về độ lớn của nó cũng nhất cả nước. Chẳng thế mà các đại gia cây cảnh luôn coi cây si này là món hàng trị giá vài chục tỷ đồng. Họ luôn tìm mọi cách để đào tận gốc tróc tận rễ cây si này nhằm biến chúng thành món hàng. Bà con bản Suối Cốc giờ đây coi cây si này là báu vật không thể bán.
Báu vật vô giá
Đứng từ xa nhìn lại cây si bản Suối Cốc tựa như một cái ô khổng lồ che chở đất trời xứ Mường. Cây si tỏa ra nhiều nhánh chiếm trọn cả 1 góc trời. Các nhánh cây to bằng cả 1 người ôm, có nhánh vài người ôm mới hết. Hai nhánh ngoài cùng của cây si còn tạo thành cái cổng làng tựa như 2 người lễ tân đứng đón tiếp khách quý. Những rễ nhỏ mọc ra từ thân cây tựa như những tấm mành mỏng manh đung đưa trước gió.
Mỗi nhánh cây mỗi vẻ nhưng chúng liên kết chặt chẽ với nhau, mặc cho mưa nguồn chớp bế, cây si bản Suối Cốc vẫn đứng sừng sững như thách thức sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Dưới tán cây, hàng chục người dân bản Suối Cốc đang ngồi tránh nắng.
Báu vật vô giá
Đứng từ xa nhìn lại cây si bản Suối Cốc tựa như một cái ô khổng lồ che chở đất trời xứ Mường. Cây si tỏa ra nhiều nhánh chiếm trọn cả 1 góc trời. Các nhánh cây to bằng cả 1 người ôm, có nhánh vài người ôm mới hết. Hai nhánh ngoài cùng của cây si còn tạo thành cái cổng làng tựa như 2 người lễ tân đứng đón tiếp khách quý. Những rễ nhỏ mọc ra từ thân cây tựa như những tấm mành mỏng manh đung đưa trước gió.
Mỗi nhánh cây mỗi vẻ nhưng chúng liên kết chặt chẽ với nhau, mặc cho mưa nguồn chớp bế, cây si bản Suối Cốc vẫn đứng sừng sững như thách thức sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Dưới tán cây, hàng chục người dân bản Suối Cốc đang ngồi tránh nắng.
Một phần cây si khổng lồ
Cụ Kiệm đang phe phẩy cái quạt nan, ung dung chòm râu bạc, mời chúng tôi ngồi uống nước. Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng nom cụ Kiệm còn khỏe lắm. Cụ kể: “Từ đời các cụ nhà tôi sinh ra đã có cây si này rồi. Ai cũng coi cây si như “người mẹ” chở che cho dân bản. Trước đây cây si này còn hơn 100 nhánh nối liền với nhau tạo nên một bức tường cây vững chắc. Những năm chiến tranh, bom Mỹ thả xuống đây nhiều lắm. Chẳng hiểu sao riêng nơi cây si mọc lại không hề bị dính bom Mỹ. Cứ mỗi khi nghe thấy tiếng máy bay Mỹ, cả bản lại dắt díu nhau ra trú ở gốc cây si này tránh bom”.
Cụ Kiệm còn bảo, ngày trước cây si này xanh tốt um tùm. Riêng các nhánh của nó đã tạo thành một khu rừng khép kín, chiếm cả một góc núi. Chim muông làm tổ đầy trên cây. Dưới gốc là chồn cáo biến thành nơi trú ngụ an toàn. Ngay cả các vị Quan Lang ngày trước, khi đi qua cây si cũng đều ngả mũ để thể hiện lòng tôn kính. Các cụ cao niên trong bản đều căn dặn con cháu, đây là báu vật mà trời ban, không ai được đụng đến mà đời đời con cháu phải giữ gìn.
Người dân thường ra cây si hóng mắt
Cứ động đến “ngài” là gặp hạn
Có một việc mà đến giờ người dân bản Suối Cốc vẫn thấy ân hận là từng chặt nhiều nhánh cây si ươm cây cảnh bán. Cụ Kiệm kể tiếp, năm đó bà con làm đường vào bản xây lại hệ thống kênh mương, bà con đã chặt mất hàng chục cành to. Chỉ cần 2 nhánh của cây si đã tạo nên một cái cầu vững chắc. Khi biết tin này, các đại gia về sinh vật cảnh đã mò đến tận bản thu mua cho bằng hết. 1 khúc dài 1m là bán được 10-20 triệu. Nghe đâu bà con vừa bán xong, mấy kẻ buôn cây cảnh kia sang tay đã lãi gấp hàng chục lần.
Ông Đinh Văn Bình, Trưởng bản Suối Cốc kể: “Nghe tin bản tôi có cây si nghìn năm tuổi, các đại gia cây cảnh kéo về đây ùn ùn. Chúng ngã giá, đưa tiền xúi giục bà con chặt cây bán. Chúng đưa cho vài chục triệu đồng khiến nhiều người hoa mắt. Họ không ngần ngại vác dao chặt cây. Năm đó, cây si này bị mất mấy chục nhánh”.
Cây si này thường được gọi là “cây si ma làng”
Mọi việc chỉ dừng lại khi vài người tham gia chặt cây si gặp nhiều chuyện chẳng lành. Đầu tiên là ông Ngang. Ông này tính khí ngang ngạnh. Ông đã vác về nhà được rất nhiều gốc si to. Riêng tiền bán cây ông thu được mấy chục triệu đồng. Ông Ngang ôm đống tiền trong tay nhưng ngay sau đó ông gặp chuyện chẳng lành. Tự nhiên lên cơn điên. Suốt ngày nói lảm nhảm như bị ma hành vậy. Ông đi lang thang hết bản trên, bản dưới, lúc khóc, lúc cười. Nhiều đêm ông Ngang dùng tay đấm vào ngực rồi gào thét là bị “thần cây si nhập”. Gia đình ông này đi cúng bái khắp nơi nhưng cũng không sao khỏi được bệnh.
Không riêng gì ông Ngang mà nhiều người khác trong bản liên tục gặp vận đen khi tham gia chặt cây si bán. Anh Thang cũng là 1 nạn nhân bị “thần cây trừng phạt”. Nghe đâu anh này đã rắp tâm nghe theo lời kẻ xấu, chặt cái nhánh chính của cây si. Nhánh cây này có hình một con rồng nằm ở chính giữa các tán cây rất đẹp. Gốc cây mốc meo, lại có những u cục với những hình thù rất cổ quái.
Cây si tạo thành cổng làng ấn tượng
Một hôm có tay buôn cây cảnh với vẻ mặt đầy sẹo (bà con gọi là tay mặt sẹo) ra giá, nếu ai chặt được nhánh cây si đó sẽ trả 40 triệu đồng. Tay mặt sẹo này đã từng lên kế hoạch, thuê hàng chục thanh niên ở nơi khác mang cưa máy đến để lấy nhánh cây. Chúng quyết tâm đốn bằng được nhánh cây đẹp nhất. Khi chúng vừa định hạ cưa máy xuống, bỗng từ trên trời xanh 1 tia sét sáng ngang trời chạy qua cây si. Sau đó là một tiếng nổ kinh thiên động địa. 10 tay ăn trộm kia bỗng run lên bần bật. Chúng hoảng quá, vứt cưa, tháo chạy cả loạt. Đến giờ bà con còn giữ được cái cưa máy của bọn chúng.
Sau chuyến “đột kích” bất thành, tay mặt sẹo kia chưa chịu bỏ cuộc vì món hời mà hắn nhận được rất lớn. Thang vốn là một người nghiện. Suốt ngày lang thang, xem nhà ai hở cái gì ra là “chôm chỉa”. Một hôm hắn gặp tay mặt sẹo, đang cơn thèm thuốc, Thang được tay buôn cây cảnh kia ra giá, nếu đốn được nhánh chính của cây si, hắn sẽ cho tiền hút thuốc mệt nghỉ. Như người chết đuối vớ được cọc, Thang sẵn sàng “thỏa hiệp cùng với quỷ dữ”.
Lợi dụng lúc đêm hôm, Thang được tay mặt sẹo kia đưa cưa ra để thực hiện nhiệm vụ. Đời Thang đã nhiều lần đi ăn trộm, chưa bao giờ run tay trước một phi vụ nào, vậy mà lần này hắn vừa cầm vào cưa máy, mồ hôi tứa ra ướt đầm vai áo. Hắn thầm nghĩ, chắc là do đói thuốc nên hắn mới bị như vậy. Hắn bật cưa nhưng cưa không nổ. 1 lần, 2 lần bật công tắc không xong. Cả một canh giờ vật lộn với cái cưa mà hắn chưa thể đưa nó vào hoạt động. Cuối cùng hắn đành bỏ cuộc.
Ông Bình cho rằng, cây si là báu vật của xứ Mường
Người dân kể lại, từ bữa đó Thang như người mất hồn. Hắn bỏ luôn cả thuốc phiện. Giờ đây ai hỏi gì hắn cũng không nói. Hắn như người câm vậy, chẳng mấy khi mở miệng. Ông Bình, trưởng thôn Suối Cốc xác nhận: Đúng là trong xóm có nhiều người tham gia phá bỏ một số nhánh của cây si đều gặp những chuyện chẳng lành. Có người làm ăn không vào, người bị lâm trọng bệnh. Chính vì những người này bị gặp rủi khi phá cây nên nhiều kẻ khác trong bản không dám nhăm nhe chặt nữa.
Liên tục lên phim và trở thành cây di sản
Những câu chuyện nhuốm màu huyền bí về cây si cổ thụ đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân bản Suối Cốc. Họ luôn coi cây si ở bản Suối Cốc là báu vật độc nhất vô nhị của cả nước. Chẳng thế mà cây si này được chọn làm bối cảnh cho rất nhiều bộ phim về cảnh thôn quê miền Bắc.
Người đầu tiên đưa cây si bản Suối Cốc vào phim là đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Một hôm ông lang thang ở xứ Mường được mọi người chỉ cây si ở bản Suối Cốc. Lần đầu nhìn thấy một cây si xù xì, xum xuê tỏa bóng mát này, ông Phần đã không ngần ngại quyết định chọn nơi này để quay. Quả nhiên, khi đoàn làm phim về đây được bà con hỗ trợ đắc lực. Nhờ vậy mà bộ phim này gây được tiếng vang.
Bộ phim Đàn trời cũng có hình ảnh cây si bản Suối Cốc. Quả thật, trong tâm khảm mỗi người dân Việt khi nhìn thấy hình ảnh cây cổ thụ ở đầu làng đều động lòng rung cảm. Cây si cổ thụ này đã góp 1 phần không nhỏ tạo nên thành công của những bộ phim vừa rồi.
Hội bảo vệ di sản thiên nhiên Việt Nam đã công nhận cây si bản Suối Cốc là Cây di sản. Trước đó, cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã cử những cán bộ có kinh nghiệm về khảo sát và lên đề án. Theo kết quả nghiên cứu, cây si này hiện còn 54 nhánh và có tuổi thọ ít nhất 800 năm, thậm chí đến 1.000 năm. Ngày 19/5/2012, nhân dịp ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Hợp Hòa đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận cây di sản.
Ông Hoàng Ánh Điện, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa, khi nói đến cây si cổ thụ, ông rưng rưng: “Đây là niềm tự hào của bà con bản Suối Cốc nói riêng và bà con xứ Mường nói chung. Cây si cổ thụ là báu vật vô giá mà ông trời đã ban tặng cho bà con người Mường nơi đây. Ai cũng phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ, chăm sóc cụ của cụ cây này ngày một tốt hơn”.
Tác giả bài viết: Lâm Tới
Nguồn tin: