Xã hội

Chuyện bi hài ghi bên... bàn đẻ

“Khi nhận được điện thoại từ khoa Sản - Nhi, trong bất cứ trường hợp nào, bác sĩ khoa Sơ sinh ngay tức khắc cũng phải có mặt tại phòng đẻ. Những lúc ấy, thầy thuốc các khoa, phòng liên quan đều phải nỗ lực, phối hợp một cách tốt nhất bằng bất cứ mọi giá để "mẹ tròn con vuông", bởi cả cuộc đời cháu bé sau này có thể phụ thuộc vào những giây phút ra khỏi bụng mẹ”, BS Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng khoa Sơ sinh (Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An) chia sẻ.

chuyen bi hai ghi ben ban de
Theo thống kê của Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, hiện 10% các ca sinh đẻ cần có sự can thiệp của cán bộ y tế và 1% cần hồi sức chuyên sâu. Ảnh: Hồ Hà

Cả ê-kíp phẫu thuật cùng hiến máu cứu sản phụ

Cho đến tận bây giờ, các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An vẫn nhớ như in trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Kim Dung (ở phường Cửa Nam, TP Vinh). Đúng đêm 30 Tết Nguyên đán vừa qua, khi đón em bé bụ bẫm nặng 3,5kg chào đời, cả gia đình và các bác sĩ ai nấy đều vui mừng, xúc động. Nhưng sức khỏe người mẹ bỗng có diễn biến phức tạp, biểu hiện băng huyết sau sinh...

Ngay lập tức, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An đã điều các bác sĩ hồi sức, gây mê, sản - nhi đang trực Tết đến hội chẩn khẩn cấp. Lúc này, bệnh nhân đã tím tái, không đo được huyết áp, mạch… Chị Dung mất nhiều máu, 30 đơn vị máu của Trung tâm Huyết học - Truyền máu Nghệ An được truyền liên tục nhưng chị vẫn trong tình trạng nguy kịch. Máu dự trữ trong kho cũng đã hết. Trước tình hình đó, 7 nhân viên thuộc ca trực Tết đã tình nguyện hiến máu cho bệnh nhân. Từng giây phút căng thẳng, giành giật sự sống với tử thần, cuối cùng chị Dung đã qua cơn nguy kịch. Các bác sĩ, y tá thở phào nhẹ nhõm trước những phút giây đầu tiên của một năm mới.

Cũng có những trường hợp khiến các bác sĩ khoa Sản "khóc dở mếu dở" khi thai phụ bình thường, em bé mạnh khỏe, thai nhi không quá to, nhưng gia đình nhất quyết đòi mổ đẻ chứ không sinh thường. Nguyên nhân do thai phụ sợ đau, sợ tai biến, sợ không... đẻ được và có thể muốn em bé sinh đúng "ngày giờ đẹp"… dù bác sĩ đã hết sức thuyết phục.

“Mọi người nên hiểu rằng, cái gì thuộc về tự nhiên vẫn là tốt hơn. Có thể sản phụ phải trải qua một cuộc trở dạ vất vả, đau đớn nhưng đứa trẻ sinh ra bình thường bao giờ cũng sẽ mạnh khỏe. Còn nếu mổ đẻ, có thể tránh được đau đớn lúc sinh do gây tê, nhưng sau đó, sản phụ phải mất đến hàng tuần chịu đau để vết mổ liền da, chưa kể đến nguy cơ nhiễm trùng dính ruột… Nếu chỉ nghĩ cho chúng tôi thì một ca sinh mổ sẽ đơn giản, đỡ tốn thời gian, công sức hơn rất nhiều so với việc túc trực bên cạnh sản phụ từ 12 - 24 tiếng/ca", BS Nguyễn Thị Ngân, Phó khoa Sản - Nhi (Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An) tâm sự.

Không ít gia đình bệnh nhân đã vận dụng đủ mối quan hệ để gây áp lực cho bác sĩ phải "chiều" theo ý mình. “Chúng tôi buộc lòng phải kìm nén mọi bức xúc, nhẹ nhàng tư vấn, mục đích cuối cùng cũng chỉ mong những điều tốt đẹp nhất cho mẹ và bé. Có trường hợp, sản phụ đã nằm trên bàn sinh vẫn luôn miệng yêu cầu mổ, chúng tôi đành phải sử dụng thủ thuật, tiêm thuốc B1 và nói chuẩn bị gây tê, đẻ chỉ huy. Nhưng chỉ sau đó 10 phút thì sản phụ đã sinh thường một cháu bé mạnh khỏe”, BS Ngân kể.

Cũng theo BS Ngân, xử lý một ca sinh có nguy cơ cao, rất cần sự hỗ trợ của khoa sơ sinh để phối hợp cấp cứu đối với những trẻ có nguy cơ suy hô hấp, ngạt thở, ngừng tim. Hiện nay, việc sàng lọc trước sinh đã được thực hiện ở ngay trong Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An nhằm phát hiện và can thiệp sớm đối với các dị tật của thai nhi, đồng nghĩa với việc nhiều bà mẹ cho ra đời những em bé khỏe mạnh.

Nước mắt và nụ cười

Thực tế hiện nay, những ca sinh có nguy cơ cao ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân là thai phụ có chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng hơn nên cân nặng của bé trong bụng mẹ lớn. Mặt khác, việc lao động tay chân nặng nhọc giảm, ít vận động cũng khiến việc sinh nở của một số sản phụ trở nên khó khăn.

BS Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng khoa Sơ sinh (Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An) cho biết, trước đây, khi khoa Sản và Nhi chưa sáp nhập, có rất nhiều trường hợp, khi được chuyển sang khoa Nhi điều trị thì đã muộn. Nhưng bây giờ, tỷ lệ đó đã giảm đi rất nhiều nhờ hai khoa đã nhập lại làm một. Với một ca đẻ bình thường thì không sao, nhưng những trường hợp có nguy cơ cho mẹ và bé, nghĩa là bất cứ trường hợp có tiên lượng xấu, rất cần có sự sẵn sàng phối hợp chuyên gia của hai khoa để đem lại kết quả tốt nhất.

Đầu năm 2016 vừa qua, sản phụ Lê Thị Hằng (ở TP Vinh) đến bệnh viện sinh con. Cháu bé nặng 4,1kg, nhưng sau đó bị tím tái, tiên lượng xấu. Ngay lập tức, bệnh nhi đã được đặt ống khí quản, thở máy… Các bác sĩ vừa cấp cứu, vừa chịu áp lực trước sinh mạng một cháu bé vừa chào đời và cả sự lo lắng, thậm chí giận dữ mất kiểm soát của người nhà. Cuối cùng, cháu bé đã qua cơn nguy hiểm, thở bình thường trở lại và cả kíp trực như trút được gánh nặng, thở phào nhẹ nhõm.

BS Nguyễn Thị Thùy Linh (Khoa Sơ sinh - người trực tiếp phối hợp cùng khoa Sản - Nhi cấp cứu cháu bé này) kể lại: "Khi đó, nhận được điện thoại của khoa Sản - Nhi, tôi và một điều dưỡng viên chạy đến ngay. Việc đầu tiên là bắt tay vào cấp cứu, phải đặt ống khí quản để hỗ trợ cho việc thở của bé, sau đó mới đưa về khoa sơ sinh để kịp thời chuyển lên bệnh viện tuyến trên để phẫu thuật, bởi vì trường hợp này có một lỗ hổng bẩm sinh ở cơ hoành, khiến ruột và dạ dày chèn lên phổi. Những trường hợp như thế trước đây có nguy cơ tử vong rất cao, nhưng nay nhờ được sàng lọc trước sinh cùng với sự kết hợp sản và nhi nên bé đã qua được nguy kịch".

Tuy nhiên, cũng có những lúc các bác sĩ cũng đành bất lực. Có những khi, các bác sĩ chữa được bệnh nhưng không cứu được mệnh. “Trước số phận không may của một đứa trẻ, sinh ra không lành lặn hoặc có bệnh lý phức tạp như tim bẩm sinh, thoát vị hoành, hay não úng thủy cực kỳ khó, cấp cứu hồi sức thành công cũng không thể chữa trị khỏi được, lúc ấy chúng tôi cũng rất đau lòng...", BS Linh trải lòng.

Theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, hiện 10% các ca sinh đẻ cần có sự can thiệp của cán bộ y tế và 1% cần hồi sức chuyên sâu. Nếu không xác định đúng nguyên nhân và cấp cứu kịp thời, hậu quả sẽ rất khó lường. Những tai biến trong khoa Sản - Nhi là không thể nào nói hết được. Nhưng rất may, công tác sàng lọc trước sinh, phát hiện những bé có nguy cơ như: Ngạt, mẹ cạn nước ối, trẻ hít phải phân su… hay những trường hợp mắc bệnh lý như tim bẩm sinh, viêm não… các thầy thuốc đã thông báo sớm cho người nhà chuẩn bị tâm lý nên giảm được tình trạng bị “bắt đền”như trước đây.


Trọng trách nặng nề

Nghề nào cũng có buồn vui, nhưng riêng với nghề y - công việc liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người thì có muôn vàn những câu chuyện về số phận, cảnh đời, nụ cười, nước mắt và cả những ám ảnh khôn nguôi.

Với bác sĩ sản - nhi, bệnh nhân là những người mẹ mang nặng đẻ đau, những sinh linh ngây thơ mới bắt đầu mở mắt nhìn thế giới bên ngoài… càng đặt lên vai họ trọng trách nặng nề. Để vượt qua tất cả áp lực khó khăn, các thầy thuốc luôn cố gắng làm hết sức mình, để khi nghe được tiếng khóc mạnh khỏe của trẻ, hay nhìn thấy nụ cười yếu ớt ngập tràn hạnh phúc của các bà mẹ thì đó món quà vô giá!

Tác giả bài viết: Hồ Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP