Trong nước

Chưa trình Quốc hội 3 luật do Bộ Công an và Bộ GTVT chủ trì soạn thảo

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chưa được đưa vào Chương trình kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.

Chiều 20/3, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì cuộc họp báo về dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Thông tin về chương trình kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, dự kiến Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 19 ngày (khai mạc vào ngày 23/5, bế mạc vào ngày 16/6).

Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến với 6 dự án luật khác. Bên cạnh đó, Quốc hội dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Trong đó, đáng chú ý, Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đã nhận được 18 báo cáo của các đoàn về nhóm vấn đề chất vấn.

Trả lời báo chí về nhóm vấn đề đưa ra chất vấn trong kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội dành 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. "Theo thông lệ thì kỳ họp giữa năm, Phó Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn", ông Cường nói.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, đến ngày 23/5 là hạn cuối để nhận đề nghị của các đoàn đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp. Sau khi tổng hợp báo cáo của MTTQ Việt Nam và xin ý kiến đại biểu sẽ tổng hợp để xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mới quyết định vấn đề chất vấn.

"Hiện nay, chúng tôi nhận được 18 báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội, có 29 nhóm vấn đề liên quan đến Thủ tướng, Tòa án và 14 bộ trưởng, trưởng ngành", Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin.

Cũng tại cuộc họp báo, báo chí đề nghị cho biết 3 dự thảo luật gồm: dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); dự án Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ có đưa vào Chương trình kỳ họp hay không?

Về vấn đề này, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Trường Giang nhắc lại, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 đã thảo luận về các dự án luật trên. Sau khi Quốc hội thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu thăm dò, xin ý kiến với các đại biểu Quốc hội.

Thời điểm đó, đa số đại biểu Quốc hội đề nghị không tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; chưa cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

"Tôi khẳng định Quốc hội chưa quyết mà đây mới chỉ thăm dò", ông Nguyễn Trường Giang nói và cho biết, trên cơ sở kết quả thăm dò, Tổng thư ký Quốc hội đã có văn bản thông báo ý kiến đối với 3 dự án luật này; đề nghị tiếp tục nghiên cứu báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Sau kỳ họp thứ 10, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo là Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện, báo cáo Chính phủ để trình với Quốc hội.

Theo ông Giang, trong nghị quyết của Chính phủ có ý rất quan trọng là đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo Bộ Chính trị trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Tuy nhiên, khi Chính phủ trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì chưa thực hiện đúng nghị quyết của Chính phủ vì trong hồ sơ chưa có.

Do đó, Tổng thư ký Quốc hội có văn bản thông báo ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo Bộ Chính trị trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nói, hiện nay, trong chương trình kỳ họp thứ 3 chưa có 3 dự án luật trên.

Tác giả: Quang Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP