Chị A., 21 tuổi, ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cũng là nơi nổi tiếng có nhiều cô gái lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan. Sau khi được một người cùng xóm đã lấy chồng Đài Loan mai mối, chị A. làm quen với một người đàn ông chỉ thua mẹ mình bốn tuổi. Tháng 3-2016, sau hai tuần tìm hiểu nhau chị A. quyết định đi đăng ký kết hôn. Ngay sau đó lễ cưới được tổ chức tại nhà chị A. với sự chứng kiến của bà con họ hàng. Hai người ở với nhau được hai tuần thì chồng về nước, còn chị A. đi học tiếng Đài Loan để chuẩn bị cho cuộc sống mới.
Đúng hẹn, người chồng sang Việt Nam làm thủ tục cuối cùng đưa chị A. về làm dâu. Nhưng khi đi phỏng vấn để chính thức sang Đài Loan định cư thì bị rớt do hai người trả lời không trùng khớp một số câu hỏi theo yêu cầu. Vì lý do này mà hai người mâu thuẫn, quan hệ hôn nhân đi vào ngõ cụt. Tháng 11-2016, chị A. quyết định gửi đơn ra tòa xin ly hôn sau thời gian ngắn ngủi.
Vị chủ tọa hỏi: “Chồng không nói được tiếng Việt, vợ không nói được tiếng Đài Loan thì anh chị tìm hiểu nhau như thế nào?”. Chị A. trả lời: “Dạ tìm hiểu nhau qua người mai mối phiên dịch”. Sau một số câu hỏi nữa, vị chủ tọa thốt lên: “Chị quá giỏi, tòa phục chị luôn. Không biết tiếng Đài Loan mà trong nửa tháng chị nói đã hiểu hết tính tình, sở thích của người chị định lấy làm chồng...”. Nghe vậy, chị A. vội đính chính: “Dạ, thưa tòa hiểu sơ sơ, đại khái thôi ạ…”.
Nghe chị A. trình bày về khoảng thời gian tìm hiểu, kết hôn và nguyên nhân dẫn đến ly hôn, vị chủ tọa nói: “Kết hôn vội vã, ly hôn cũng thần tốc, tôi không biết chị hiểu thế nào về hôn nhân và gia đình”. Rồi vị chủ tọa tiếp: “Tình cảm các anh chị đơn giản quá, quen hai tuần, cưới được hai tuần rồi mỗi người sống một nơi, chỉ vì phỏng vấn không qua được đi đến ly hôn luôn. Vậy chị có rút ra được kinh nghiệm gì cho bản thân mình qua cuộc hôn nhân này không?”. Chị A. đáp: “Sau này sẽ phải tìm hiểu kỹ hơn, nếu gặp khó khăn thì cũng sẽ cố gắng giải quyết, thưa tòa…”. Tòa hỏi có thương chồng không thì chị A. bảo thương nhưng vẫn xác định giải thoát cho nhau, từ từ sẽ nguôi ngoai.
Điều đặc biệt trong phiên tòa là thông qua tình huống của chị A., HĐXX đã phân tích, nhắn nhủ xem như đây là bài học với những trường hợp tương tự. Theo HĐXX, chị A. và gia đình phải nhận thức được cái lợi, cái hại khi quyết định kết hôn với chồng nước ngoài. “Chúng tôi mong rằng khi đi đến quyết định kết hôn, chị phải hiểu hạnh phúc là gì, hôn nhân là gì, thực sự đã tìm hiểu và biết về nhau là gì..”. Cũng theo HĐXX, để diễn ra phiên tòa này lỗi một phần là do gia đình chị A. Khi con gái suy nghĩ chưa chín chắn thì đáng lẽ cha mẹ phải là người tư vấn, định hướng cho con để sau này bớt khổ, không vì lý do gì đó mà đánh đổi hạnh phúc của con.
Cuối cùng, tòa quyết định cho chị A. được ly hôn với người chồng Đài Loan. Nhìn bộ dạng chị A. vui vẻ ra về nhưng đọng lại trong HĐXX và những người dự tòa là những nỗi niềm.
Nhiều điều phải suy ngẫm Có nhiều vấn đề phải suy nghĩ từ những vụ ly hôn này. Họ muốn đổi đời nhưng không thành công, không chỉ thẩm phán trăn trở, suy tư mà ai cũng cảm thấy thiệt thòi cho phụ nữ Việt. Với chúng tôi, không biết việc kết hôn đó vì mưu cầu hạnh phúc hay vì mục đích khác nhưng khi họ yêu cầu ly hôn thì tòa không thể từ chối. Tòa phân tích và nêu các vấn đề bất thường trong quan hệ hôn nhân là mong muốn các đương sự hiểu và nhận ra bản chất. Tòa nói những điều hay lẽ thiệt còn muốn cả những người dự tòa khác nghe và chính người trong cuộc sẽ nói lại cho người khác. Tôi mong rằng những cơ quan có trách nhiệm tư vấn cho những người kết hôn với người nước ngoài cần kỹ lưỡng hơn. Năm rồi tôi có dự một cuộc hội thảo, theo đó khoảng hai năm qua cả nước có trên 70.000 người lấy chồng nước ngoài nhưng khoảng 14.000 vụ ly hôn. Luật không cấm người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài nhưng có đáp ứng các điều kiện để chung sống với nhau được hay không lại là chuyện khác. Thẩm phán ĐẶNG VĂN HÙNG, Phó Chánh án TAND TP Cần Thơ |
Tác giả bài viết: NHẪN NAM
Nguồn tin: