Sáng 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bổ sung 2 dự án luật gồm Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 (Chương trình).
Phát biểu thảo luận về việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều luật phải quy định rất minh bạch, xử lý triệt để được thực trạng sở hữu chéo, sở hữu chéo núp bóng tồn tại nhiều rủi ro, xử lý được nợ xấu và lãi dự thu được trích lập trên cơ sở các khoản nợ xấu…
"Lãi dự thu của các khoản nợ xấu còn xấu hơn cả nợ xấu. Tức là anh cho người ta vay, nhưng anh vẫn tính lãi hợp đồng tín dụng đưa vào thu nhập, rồi phân phối cổ tức. Lần này có xử lý được chuyện này hay không?", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. |
Bên cạnh đó, ông Vương Đình Huệ lưu ý việc trích lập dự phòng, xem xét trích lập dự phòng khoản nào được coi là chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập, khoản nào phải trừ vào thu nhập sau thuế của doanh nghiệp, của ngân hàng. Cùng với đó là xử lý tài sản bảo đảm mà trong điều kiện bình thường, điều kiện đặc biệt, hoạt động của các tổ chức tín dụng, các dịch vụ giá trị gia tăng phi tín dụng hiện hầu như không đầu tư, nhất là trong điều kiện kinh tế 4.0.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong lần sửa đổi luật lần này cần quy định rõ nét những nội dung như fintech, ngân hàng số, cũng như vấn đề xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, thua lỗ, việc cho vay tái cấp vốn và cho vay, đặc biệt rút kinh nghiệm từ vụ phá sản SVB của Mỹ. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng này phải song hành với sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề quản lý Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, nhất là trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý tài chính đối với các tổ chức tín dụng, cùng với đó là giám sát tài chính.
Dẫn chứng kinh nghiệm của Trung Quốc mới đây khi kiện toàn Chính phủ đã thành lập cơ quan giám sát tài chính riêng trực thuộc Trung ương để giám sát toàn bộ nền kinh tế quốc dân, ông Vương Đình Huệ nhận định, đây là một kinh nghiệm để nghiên cứu về lâu dài.
"Luật này cần phải được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng để làm sao góp phần tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn hiện nay, tăng cường độ an toàn của từng tổ chức cũng như toàn hệ thống rồi gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế nói chung, của hệ thống tài chính ngân hàng nói riêng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng giữa thực trạng trong nước và nước ngoài để củng cố nền tảng cho các tổ chức tín dụng của Việt Nam, đảm bảo an toàn một hệ thống, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế nói chung và những tổ chức tín dụng nói riêng trước các cú sốc từ bên trong, bên ngoài.
Trình bày tờ trình về nội dung này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thông tin, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 6 chính sách.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. |
Một là, hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.
Hai là, hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân.
Ba là, hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý ngân hàng số tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Bốn là, hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Năm là, quy định về xử lý nợ xấu và sáu là quy định về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Tác giả: ANH VĂN
Nguồn tin: vtc.vn