Trong nước

Chủ tịch Đà Nẵng: 'Tôi từng phải bưng bê, lau chùi máy móc'

"Năm 1987, khi mới ra trường, tôi cũng chỉ làm bưng bê, xếp dọn ở Sở KH-ĐT. Khi chuyển sang một đơn vị kinh tế khác, suốt ngày tôi phải đi lau chùi máy móc", ông Thơ kể.

Chủ tịch Đà Nẵng: 'Một số nơi thi tuyển công chức chưa công bằng' Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Huỳnh Đức Thơ cho rằng việc thi tuyển công chức, viên chức ở vài nơi của thành phố chưa công bằng.

Ngày 2/6, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đối thoại với gần 400 học viên thuộc Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922).

Muốn được giao việc đúng chuyên môn

Học viên Lê Viết Thành được đào tạo ở Australia, sau khi về nước, anh được bố trí công việc tại Bệnh viện Đà Nẵng. Theo học viên này, từ khi học ở nước ngoài, anh và nhiều sinh viên giỏi khác được các tập đoàn hàng đầu thế giới mời làm việc với mức lương cao, nhưng Thành đã về nước làm việc, để "trả ơn nghĩa" cho thành phố.

Thành cho biết về nước làm việc mức lương thấp hơn rất nhiều. "Nhưng lương không phải là yếu tố quyết định mà cái quan trọng nhất là em được lãnh đạo đơn vị tin tưởng, giao việc đúng chuyên môn", Thành nói.

Lãnh đạo Đà Nẵng đối thoại với các học viên. Ảnh: Giáp Hồ.

Trong khi đó, nhiều học viên nói họ chưa được bố trí việc làm phù hợp. Có người đã làm việc tại các sở, ngành, quận, huyện nhiều năm nhưng chưa được vào biên chế. Cũng có sinh viên về Đà Nẵng theo diện thu hút nhân tài nhưng mức lượng không đủ sống, điều kiện nhà ở gặp khó khăn.

Như trường hợp chị Nguyễn Ngọc Thùy Dung (công tác tại Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Hải Châu), làm việc được 3 năm nhưng chưa được vào biên chế, trở thành công viên chức như lời hứa ban đầu của lãnh đạo Đà Nẵng.

Sắp tới, Đà Nẵng sẽ tinh giảm biên chế, cơ hội trở thành công chức của Dung và nhiều học viên khác đang hẹp dần. "Khi đó, chúng em bị chuyển sang đơn vị sự nghiệp, mà ở cấp quận thì chỉ có Đội quy tắc đô thị là đơn vị sự nghiệp. Em học ngành Xã hội học thì sao làm được những công việc về quản lý đô thị", chị Dung lo lắng.

Tích kinh nghiệm chờ cơ hội

Ông Thơ cho biết 18 năm trước, trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng lãnh đạo thành phố vấn quyết định đầu tư số tiền lớn để gửi các học viên ra nước ngoài đào tạo là một tầm nhìn dài hạn.

Đà Nẵng đã bắt đầu "hái quả ngọt" khi phần lớn học viên ra trường góp sức xây dựng quê hương. Những "nhân tài" này trong tương lai sẽ là cán bộ, lãnh đạo cao cấp, tiếp tục chèo lái để Đà Nẵng phát triển.

Học viên có nhiều kiến nghị với lãnh đạo Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Chủ tịch Đà Nẵng thừa nhận địa phương đang tinh giảm biên chế nên việc bố trí công việc phù hợp cho tất cả mọi người là bài toán khó. Nhưng "khó đến mấy cũng phải giải bài toán này, không để các em bỏ đi", ông Thơ nói.

Chủ tịch Đà Nẵng kể: "Năm 1987, tôi ra trường cũng chật vật như các em bây giờ. Ban đầu, tôi cũng chỉ làm những việc như bưng bê, xếp dọn ở Sở KH - ĐT. Khi chuyển sang đơn vị kinh tế, tôi cũng phải đi lau chùi máy móc".

Người đứng đầu UBND TP Đà Nẵng nói để thành công thì bản thân các học viên phải cố gắng và chấp nhận mọi khó khăn để rèn luyện. Dù lãnh đạo thành phố đã cố gắng nhưng vẫn còn một số học viên chưa được bố trí công việc phù hợp.

"Trước mắt các em cứ làm những công việc hiện nay cho tốt. Đây cũng là cơ hội để mình rèn luyện, tích góp kinh nghiệm, chờ cơ hội", ông Thơ khuyên học viên.

Tác giả: Đoàn Nguyên - Giáp Hồ

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP