Trong tỉnh

Chủ tàu cá ở miền Trung bỏ biển lên bờ vì liên tục thua lỗ

Xăng dầu tăng giá đẩy chi phí mỗi chuyến biển lên cao khiến ngư dân ở Nghệ An đành neo thuyền, không ra khơi vì sợ lỗ. Nhiều người đã bỏ nghề, rao bán tàu vì thu nhập bấp bênh.

Cập bến sau gần một tuần đánh bắt hải sản ở ngư trường, ngư dân Nguyễn Văn Thương (53 tuổi, trú xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) quyết định tạm dừng ra khơi dịp này.

Ông cho biết số tiền thu được trong hai chuyến biển sau Tết Nguyên đán vừa qua không đủ trả hết các chi phí như lương bạn thuyền, xăng dầu, gas, đá lạnh…

Tàu thuyền đậu kín bờ, không ra khơi vì sợ lỗ. Ảnh: Phạm Trường.

“Giá xăng dầu và các nguyên liệu khác tăng cao liên tục, trong khi ngư trường dần bị thu hẹp, giá bán giảm sẽ không đủ chi phí trang trải. Nếu cứ thua lỗ liên tiếp như vậy chắc chắn nhiều chủ tàu sẽ phải bỏ nghề vì không kham nổi”, ông nói.

Không dám ra khơi vì sợ lỗ

Chỉ tay về phía những đoàn tàu neo đậu kín lạch sông, ông Thương nói có tàu nằm bờ suốt tháng này qua tháng khác. Chuyến sau không bù được chuyến trước khiến chủ tàu e ngại ra khơi.

Tàu cá 350 CV của ông Thương và 7 bạn thuyền cùng góp vốn để vươn khơi nay cũng chỉ còn 4 người trụ lại, những ngư dân khác đã rút vốn, chuyển đổi nghề để có thu nhập ổn định hơn.

“Chi phí mỗi chuyến đi biển hết ít nhất 35 triệu đồng, trong đó dầu đèn đã chiếm 2/3. Nếu chuyến đi may mắn trúng luồng cá còn có tiền trang trải, còn không thì chịu lỗ nặng, xem như đi tìm ngư trường”, ông Thương buồn bã.

Ngư dân Nguyễn Văn Thương (áo đen) lo lắng vì liên tiếp thua lỗ sau mỗi chuyến biển. Ảnh: Phạm Trường.

Ngư dân 53 tuổi cho biết thua lỗ liên tiếp, thu nhập bấp bênh đã khiến nhiều chủ tàu bỏ nghề, rao bán tàu cá. Lao động trẻ ở địa phương lâu dần không còn mặn mà với nghề. Họ rời quê, vào các tỉnh phía Nam làm công nhân hoặc xuất khẩu lao động.

Ba người con của ông học xong cấp 3 cũng không theo nghiệp cha ông mà vào Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân cho các công ty, nhà máy.

Tương tự, anh Đậu Thanh Tâm (43 tuổi, trú huyện Quỳnh Lưu) cho biết chuyến biển ra khơi vừa rồi may mắn hòa vốn, chưa có lãi nên anh và bạn thuyền phải sắm lại ngư cụ để hy vọng vớt vát ở chuyến biển tiếp theo.

“Nghề nghiệp nên phải bám biển mưu sinh, không riêng gì tôi mà anh em bạn thuyền cũng khó khăn khi thu nhập giảm”, anh Tâm tâm sự.

Ngư dân này cho biết mỗi chuyến ra khơi tàu hơn 400 CV của anh cần hơn 3.000 lít dầu, tốn khoảng 60 triệu đồng. Do ngư trường thu hẹp, dần cạn kiệt nên các tàu đi biển phải ra khơi xa hơn, đi dài ngày hơn. Chi phí mỗi chuyến biển vì thế sẽ bị đội lên.

“Ngoài dầu, chúng tôi còn lo lương cho bạn thuyền, chi phí ăn uống, tiền đá lạnh… Trước khi xăng dầu tăng, mỗi chuyến lời khoảng 20-40 triệu, nay chi phí lên cao may mắn thì hòa vốn. Nếu vài chuyến lỗ vốn chúng tôi không dám ra khơi nữa”, anh Tâm nói.

Một số tàu chuẩn bị ngư cụ với mong muốn chuyến biển mới bù lỗ cho chuyến trước. Ảnh: Phạm Trường.

Các chủ tàu cho biết họ đang lâm vào thế khó vì ở nhà không có tiền, còn ra khơi gần như xác định lỗ vì chi phí xăng dầu, thức ăn, đá lạnh, gas…tăng cao, không gánh nổi cho chuyến đi biển dài ngày. Không chỉ tàu gỗ, nhiều tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67 của ngư dân Nghệ An cũng lâm cảnh tương tự, không ra khơi đánh bắt vì thu nhập không đủ trang trải chi phí.

Trong khi đó, nhiều chủ thuyền dịp này lỗ nặng, nhưng vẫn quyết định tiếp tục ra khơi vì không đi biển họ không biết làm gì, trong khi nợ nần vẫn phải trả.

“Đỏ mắt” tìm bạn biển

Không chỉ giá cả leo thang, chi phí cho mỗi chuyến biển không đủ trang trải, trả lương cho nhân công, nhiều chủ thuyền ở Nghệ An còn gặp khó khi tìm “bạn biển”.

Họ cho biết nhiều năm qua do nghề đi biển thu nhập bấp bênh, lao động trẻ tại địa phương không còn theo nghề truyền thống mà đi xuất khẩu lao động hoặc vào các tỉnh miền Nam làm việc.

Nhiều năm cùng người thân bám biển, anh Nguyễn Văn Hải (27 tuổi) nói ngày trước người đi biển nhiều nên các thuyền sẽ chọn lựa người khỏe mạnh, làm được việc. Nhưng nay, để đi biển gọi tìm người còn "khó hơn đãi vàng".

“Bạn biển theo thuyền nhiều năm, nắm rõ công việc, ngư trường nay đều đi làm ăn xa hoặc xuất khẩu lao động. Số người còn lại dù tới tận nhà gọi đi tàu nhưng họ đều từ chối tham gia vì thu nhập bấp bênh, có chuyến đi về không có lãi để chia”, Hải tâm sự.

Theo anh Hải, mỗi chuyến đi các tàu cần 7-10 bạn biển, nếu không đủ người khi ra khơi sẽ khó làm nổi công việc và sản lượng chắc chắn thấp. Còn nếu đi không đạt được sản phẩm đánh bắt, thua lỗ thì đến lương bạn biển cũng không đủ trả.

Tàu vỏ sắt cũng nằm bờ trong khi nhiều chủ tàu đã đã bán tàu, bỏ nghề biển. Ảnh: Phạm Trường.

Từng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan trở về, Thái Văn Vương (24 tuổi) nói đang làm thủ tục để đi lại nước ngoài vì thu nhập từ việc đi biển ở nhà không đủ trang trải cuộc sống.

“Sang Đài Loan cũng đi biển, đi từng ngày về nhưng mỗi tháng còn kiếm được 20-30 triệu đồng, còn ở nhà đi từ đầu năm đến cuối năm cũng chỉ vài chục triệu, sao mà sống nổi. Cả làng giờ thanh niên đều làm hồ sơ đi xuất khẩu cả, người không đi được cũng bỏ tàu, kiếm nghề khác”, Vương nói.

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, cho biết toàn huyện có khoảng 1.000 tàu cá, trong đó có hơn 400 tàu dài hơn 15 m, đánh bắt xa bờ.

"Chi phí từ xăng dầu, vật dụng mỗi chuyến biển tăng trong khi sản lượng, giá trị hải sản càng giảm nên các chủ tàu chưa ra khơi vì sợ lỗ. Đội ngũ lao động trẻ tại địa phương cũng đi xuất khẩu lao động hoặc làm các công ty, không theo nghề biển khiến chủ tàu gặp khó khi vươn khơi", ông Dinh nói.

Ngư dân lo khó bám trụ với nghề biển. Ảnh: Phạm Trường.

Còn ông Trần Xuân Học, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, cho biết Nghệ An có hơn 3.400 tàu thuyền, trong đó có hơn 1.000 chiếc công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Với đội ngũ hơn 17.000 lao động nghề biển, đây là một trong những tỉnh chủ trọng phát triển nghề biển. Tuy nhiên, hai năm qua, ngư dân cũng như hoạt động nghề biển gặp nhiều khó khăn.

“Giá các mặt hàng tăng cao trong khi ngư trường thu hẹp, dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ bị gián đoạn đã ảnh hưởng hiệu quả kinh tế nghề biển, lực lượng lao động cũng vì thế chuyển đổi nghề. Dù đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân bám biển song điều sâu xa nhất là mỗi chuyến biển phải có thu nhập cao thì ngư dân mới yên tâm vươn khơi”, ông nói.

Theo ông Học, tỉnh đã đưa ra định hướng cho nghề biển như giữ ổn định và giảm dần sản lượng khai thác thủy sản gần bờ, tăng nuôi trồng; khuyến khích đánh bắt xa bờ theo hình thức tổ đội sản xuất, khai thác sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt.

Tác giả: Phạm Trường

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP