Ông Lam Wing Kee, quản lý nhà sách Causeway Bay Books, đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc bắt cóc và ép ông nhận tội buôn sách lậu - Ảnh: CNN
Theo CNN, trong buổi họp báo bất ngờ được tổ chức ngày 16-6, ông Lam cho biết cách đây 8 tháng, ngay khi đặt chân sang đất đại lục, ông đã bị “đặc nhiệm” Trung Quốc bắt đi rồi đưa tới một căn phòng nhỏ.
Thoạt đầu họ không giải thích tại sao ông bị bắt. Sau đó họ nói với ông Lam rằng những quyển sách mà ông đã mua và bán là phạm pháp, do đó phải bị bắt giữ.
Ông Lam cũng nhấn mạnh những lời thú tội của bản thân mình trên truyền hình trung ương Trung Quốc hồi tháng 2 đã được viết sẵn, dàn dựng và cắt ghép.
Phía Trung Quốc sau đó đã thả ông về Hong Kong và yêu cầu phải quay về đại lục vào ngày 17-6 kèm theo các bằng chứng là danh sách những người mà ông đã bán “sách cấm”, ông Lam kể. Tuy nhiên, sau đó ông quyết định ở lại Hong Kong và nói ra sự thật.
Khác với những chủ hiệu sách khác, ông Lam cho biết ông không có gia đình hay người thân ở đại lục nên không cần phải sợ điều gì tổn hại đến họ.
“Tôi đã phải rất can đảm. Tôi đã phải suy nghĩ suốt hai đêm trước khi quyết định kể hết tất cả những gì đã xảy ra với mình một cách trung thực và trọn vẹn nhất có thể”.
Trong một thông báo sau buổi họp báo, chính quyền Hong Kong cho biết cảnh sát sẽ sớm liên hệ với ông Lam để “hiểu rõ hơn” và nhấn mạnh chính quyền “coi trọng sự an toàn của mỗi người dân Hong Kong”.
Ông Lam Wing Kee là quản lý tại nhà sách Causeway Bay Books, trực thuộc Nhà xuất bản Mighty Current, chuyên bán các sách về đời tư và những lời đồn xung quanh giới lãnh đạo Trung Quốc. Ông cũng là một trong năm nhân viên của nhà xuất bản đã biến mất trước đó.
Sự mất tích của năm người này đã làm dấy lên quan ngại họ đã bị Trung Quốc “giải quyết” vì chống lại chính quyền Bắc Kinh.
Hồi tháng 3 vừa qua, ba trong số năm người đã được Trung Quốc cho phép quay về Hong Kong.
Ngay sau đó, họ đã đến gặp cảnh sát và yêu cầu đóng hồ sơ vụ án mất tích của mình và khẳng định họ chỉ đi du lịch đến Trung Quốc, hoàn toàn tự nguyện và không bị bắt cóc.
Hiện chỉ còn ông Gui Minhai, quốc tịch Thụy Điển, giám đốc Nhà xuất bản Mighty Current, là chưa rõ tung tích.
Nói với CNN ngày 16-6, con gái ông Gui, cô Angela Gui, cho biết thi thoảng cô vẫn nhận được tin nhắn và điện thoại từ ba. Ông Gui khuyên cô nên giữ im lặng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó đã phủ nhận mọi cáo buộc chính quyền Bắc Kinh có liên quan tới sự mất tích của năm người trên.
Tác giả bài viết: Duy Linh