Máy bay Bf-109 của Đức sau khi đâm va. Ảnh: History
Trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II, trong cơn tuyệt vọng vì bị oanh tạc cơ Mỹ và Đồng minh tấn công dồn dập, các phi công phát xít Đức đã nảy ra ý tưởng sử dụng tiêm kích để đâm va các máy bay ném bom nhằm ngăn cản đà tiến công của đối phương, theo National Interest.
Trên thực tế, việc tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Đức trong Thế chiến II không hề dễ dàng. Cuối năm 1943, đơn vị không quân số 8 trực thuộc Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu của Không quân Mỹ (AFGSC) đã mất 1/5 số oanh tạc cơ vì hỏa lực phòng không và không quân Đức khi thực hiện các phi vụ ném bom thành phố Resensburg và Schweinfurt.
Tuy nhiên, tới tháng 4/1945, hệ thống phòng không Đức tan rã, còn không quân Đức cũng bị tê liệt bởi tình trạng thiếu nhiên liệu và phi công không được huấn luyện bài bản, chỉ có thể chống đỡ bằng các cuộc tấn công nhỏ lẻ.
Để tiêu diệt các phi đội oanh tạc cơ Mỹ được trang bị súng máy, Đức đã phải sử dụng các tiêm kích bọc thép được vũ trang hạng nặng. Tuy nhiên, các tiêm kích này khó cơ động linh hoạt nên dễ trở thành mồi ngon cho các tiêm kích hộ tống Mỹ. Không còn cách nào khác, phát xít Đức nảy sinh ý tưởng lái tiêm kích đâm va vào các oanh tạc cơ Mỹ.
Theo kế hoạch đó, các tiêm kích của Đức được dỡ bỏ mọi vũ khí và lớp giáp để lao nhanh nhất có thể vào mục tiêu. Sau khi đâm va oanh tạc cơ đối phương, các phi công sẽ nhảy dù thoát hiểm, khác với chiến thuật chết cùng máy bay của các phi công liều chết Nhật Bản.
"Tiêm kích Đức sẽ bổ nhào xuống mục tiêu, nhắm vào phần đuôi hoặc phần cánh máy bay. Để tránh bị vướng, cánh quạt động cơ máy bay được sử dụng như một chiếc cưa tròn để xé nát các bộ phận của oanh tạc cơ đối phương", sử gia Adrian Weir cho biết.
Tuy nhiên, với hành động đâm va này, các phi công Đức có rất ít cơ hội sống sót. Điều khiển tiêm kích Me-109 nặng hai tấn đâm va vào một oanh tạc cơ B-17 nặng 33 tấn với đầy đủ vũ khí khi đang hành trình ở vận tốc 643 km/h là hành động rất nguy hiểm, đặc biệt khi các phi công Đức không được đào tạo bài bản và thiếu kinh nghiệm.
Ngoài ra, các chiến đấu cơ Đức khi ấy không được trang bị ghế phóng thoát hiểm nên phi công buộc phải mở cửa vòm kính buồng lái và nhảy dù khỏi chiếc máy bay bị hư hại sau cú đâm va.
Dù vậy, người Đức hy vọng chiến thuật tập kích, đâm va vào đội hình đông đảo oanh tạc cơ Mỹ sẽ gây thiệt hại nặng cho đối phương và phần nào ngăn chặn được đà tấn công đường không.
Ngày 7/4/1945, gần 200 phi công Đức thuộc đơn vị đặc nhiệm Elbe, một đơn vị gồm các phi công tình nguyện lái chiến đấu cơ liều chết thành lập đầu năm 1945, đã lên chiến đấu cơ và nổ máy xuất kích, nhằm chặn cuộc tấn công của 1.300 oanh tạc cơ B-17 và B-24 cùng 850 tiêm kích hộ tống của Mỹ.
Oanh tạc cơ B-17 của Mỹ. Ảnh: History
Kế hoạch của họ là sử dụng các tiêm kích Me-262 để tấn công đội hình chiến đấu cơ hộ tống Mỹ trong khi các tiêm kích khác của không quân Đức sẽ tấn công các oanh tạc cơ như thường lệ, tạo điều kiện cho các phi công thuộc đơn vị đặc nhiệm Elbe đâm va mục tiêu.
Trên bầu trời trải dài hàng trăm km2 ở vùng nông thôn Đức, một cuộc không chiến dữ dội đã diễn ra, các tiêm kích tấn công nhau, bắn phá oanh tạc cơ, các oanh tạc cơ bắn trả và các chiến đấu cơ lao tới đâm va.
Sử gia Weir mô tả về một vụ đâm va và âm thanh khủng khiếp sau khi các cánh quạt giống như những chiếc răng ngoạm vào đuôi oanh tạc cơ Mỹ, trong khi chiếc tiêm kích Đức văng ra xa. Âm thanh ghê rợn này bắt nguồn từ độ rung của động cơ Daimler-Benz khi cánh quạt cắt sâu vào đuôi oanh tạc cơ Mỹ và sau đó là tiếng va chạm của chiếc tiêm kích bị kéo vào cùng với nạn nhân của nó.
Theo Weir, phi đội hộ tống của Mỹ đã bắn hạ 47 tiêm kích của đơn vị đặc nhiệm Elbe Đức, trong khi lực lượng này chỉ tiêu diệt được 15 oanh tạc cơ Mỹ, không đủ để ngăn chặn cuộc tấn công dữ dội của gần 1.300 oanh tạc cơ còn lại.
"Trong những năm cuối cùng của cuộc chiến, không quân Đức với các phi công lái máy bay chiến đấu không được đào tạo bài bản thường bị bắn hạ với tỷ lệ rất lớn. Lý do mà cả phát xít Đức và Nhật chọn hình thức tấn công bằng máy bay tự sát có tổ chức như vậy là vì họ đã đến bờ vực thất bại trong chiến tranh và không thể nghĩ ra cách nào tốt hơn để kháng cự lại đà tấn công của Đồng minh", chuyên gia quân sự Michael Peck của National Interest nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Duy Sơn