Kinh tế

Chiêm ngưỡng "hòn ngọc Viễn Đông" giá tiền tỷ độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Cây hải châu của ông Nguyễn Gia Thọ (Hà Nội) được giới chơi cây cảnh cho là cây hải châu lớn nhất Việt Nam. Đây là một tác phẩm quý, rất khó tìm được cây thứ hai.

Cây hải châu thường sinh trưởng ở những vách núi các tỉnh miền Trung như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… Dòng cây này rất đặc biệt, thân gỗ rất chắc, xù xì nhưng đến mùa hoa nở lại có một vẻ đẹp rất khó tả. Hoa trắng muốt như những bông tuyết, trái đỏ như những viên ruby nên những người chơi dòng cây cảnh gọi là "hòn ngọc Viễn Đông".

Ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng hội SVC Hà Nội cho biết, dòng cây này mới được những người yêu cây cảnh chú ý đến khoảng hơn 20 trước. Những người nghệ nhân đã tìm thấy chúng ở những vách núi cheo leo ở miền Trung rồi mang về tạo tác bông tán làm bonsai. Hiện tại, bonsai hải châu rất được ưa chuộng, chúng có giá cao bởi vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cũng như công sức tạo tác của những nghệ nhân cây cảnh.

"Tôi đi rất nhiều nhiều nhà vườn khắp đất, gặp rất nhiều các nghệ nhân chơi dòng cây hải châu nhưng hiện tại tác phẩm hải châu của ông Nguyễn Gia Thọ (Hà Nội) là lớn nhất, độc đáo nhất. Cây hội tụ đủ các yếu tố của một cây bonsai đương đại, gồm: Phô thân - khoe lá - lộ căn - cổ linh - tinh tú - kĩ dăm - mịn tàn", ông Nguyên nói.

Theo đó, cây hải châu cao khoảng 2m, đường kính gốc lên đến 20cm. Dáng trực quân tử nhưng lại có độ mềm mại từ những tay cành. Toàn bộ từ bệ rễ đến ngọn hầu như không có sự tác động của con người. Cây gần như nguyên bản, chỉ có hai điểm tác động của con người đó là cổ ngọn và một cành phóng thẳng lên.

Chủ nhân của tác phẩm không đưa ra giá để bán vì sở hữu một tác phẩm quý là mong nước cả một đời chơi cây của nghệ nhân. Tuy nhiên, ông Nguyên cho biết, một tác phẩm quý, độc đáo như thế này có giá không dưới 1 tỷ đồng.

Chiêm ngưỡng tác phẩm hải châu lớn nhất Việt Nam:

Cây hải châu của ông Nguyễn Gia Thọ (Hà Nội) được giới chơi cây cảnh cho là cây hải châu lớn nhất Việt Nam. Trước kia, cây thuộc sở hữu của một nghệ nhân có tiếng chơi cây cảnh ở Bình Định. Đây là một trong những cây hải châu đời đầu mà các nghệ nhân khai thác trong tự nhiên về làm cây bonsai

Đây là một tác phẩm quý, rất khó tìm được cây thứ hai. Ông Thọ phải bỏ công sức thuyết phục chủ nhân cũ cũng như chi một số tiền không nhỏ để mang cây từ Bình Định ra Hà Nội

Dòng hải châu thường sống ở các vách núi nên chúng sinh trưởng rất chậm, phải trải qua hàng trăm năm cây hải châu mới có thân lớn như vậy. Dáng cây như một bức "phong tranh" - nhìn như một bức tranh thiên nhiên kỳ thú

Theo ông Nguyên, đây là dòng cây thân rất cứng nên không thể tạo tác được thân mà chỉ tạo tác được tay cành. Thân cây già cỗi, cây có hai thân lớn, một thân thẳng, một thân nhỏ tạo sự cân đối cho tác phẩm

Thân cây chùn rụt, sâu mọt, thậm chí trên thân có rất nhiều độ mục ruỗng

Cây hầu như nguyên bản, chỉ có hai điểm được nghệ nhân tác động là cổ ngọn và một cành phóng nhỏ thẳng lên. Nghệ nhân đã tận dụng vào sự vặn xoắn của cổ ngọn để treo một cành xuống

Điểm thứ hai là cành phóng, người nghệ nhân tận dụng từ tự nhiên, vốn dĩ cành đã ngoằn ngòeo, uốn lượn đã làm cho cành cây hồi ngược lên khiến cây như có thêm sức sống

Thân cây già nua, hốc hác, lũa mòn vẹt mang dấu ấn của thời gian

Tác phẩm mang thông điệp với ý nghĩa con người luôn phải biết vượt lên chính hoàn cảnh và số phận cụ thể của mình, ông Nguyên nói

Tác giả: Tú Quyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP