Bệnh viện Da liễu Hà Nội vừa điều trị thành công cho một trường hợp bị tai biến do tiêm mesotherapy (tiêm vi điểm) trên da nhằm trẻ hoá da.
Nữ bệnh nhân 37 tuổi tại Hải Phòng tiêm tế bào gốc và Hyaluric acid (hay HA) không rõ nguồn gốc tại một spa của người quen nhằm trẻ hoá da. Người tiêm thực hiện mix hai lọ được giới thiệu là tế bào gốc và Hyaluric acid (HA) với nhau và dùng liệu pháp tiêm mesotherapy (tiêm vi điểm) trên da.
Người phụ nữ này hi vọng sau khi tiêm sẽ có làn da trắng mịn, mượt mà. Tuy nhiên, trái với mong đợi, sau khi tiêm thì trên khuôn mặt cô nổi chi chít những nốt mẩn đỏ và kéo dài suốt 3-4 tuần. Lúc này cô tìm đến bệnh viện để điều trị.
BS Chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Ngọc Hân, khoa Phẫu thuật Laser-CSD-Vật lý trị liệu, BV Da liễu Hà Nội cho biết, bệnh nhân đến viện trong tình trạng toàn bộ vùng da hai bên má bị sưng nề, dày đặc những vết mẩn đỏ, nổi hẳn trên bề mặt da, mỗi vết cách nhau tầm 0.5cm, nhiều nốt đã bắt đầu có dấu hiệu bội nhiễm.
Theo BS. Ngọc Hân, nguyên nhân dẫn đến biến chứng trên có thể là do khách hàng được sử dụng các loại thuốc không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, chưa phù hợp với tình trạng da. Hoặc chỉ định điều trị sai, chăm sóc da sau điều trị không đúng hay thực hiện quy trình kỹ thuật không chuẩn (người thực hiện không có chuyên môn).
Toàn bộ khuôn mặt nữ bệnh nhân nổi mẩn chi chít sau khi tiêm vi điểm tại một spa tư nhân (ảnh BSCC) |
Mesotherapy (tiêm vi điểm) là một kỹ thuật được bác sĩ người Pháp Michel Pistor phát triển năm 1952. Phương pháp này thường được chỉ định cho các liệu pháp tiêu mỡ ở các vùng như bụng, đùi, mông, hông, chân, tay, mặt; giảm tình trạng da sần vỏ cam (cellulite); trẻ hoá da; giảm tình trạng tăng sắc tố da, nám da hay điều trị chứng rụng tóc. Hiện nay phương pháp mesotherapy được dùng khá phổ biến do xâm lấn ít, tương đối an toàn và khá hiệu quả. Phương pháp mesotherapy thường có rất ít nguy cơ.
Tuy nhiên các tai biến sau thủ thuật vẫn có thể xảy ra do chỉ định điều trị sai, thực hiện quy trình kỹ thuật không chuẩn, thuốc sử dụng không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với tình trạng da hoặc chăm sóc da sau điều trị không đúng cách.
Các tai biến sớm có thể gặp trong vài giờ hoặc vài ngày sau khi thực hiện thủ thuật, bao gồm các tình trạng cấp tính như bầm da, đau, nhạy cảm, sưng tấy, ngứa, đỏ da, kích ứng, dị ứng hay thậm chí là tình trạng nhiễm trùng tại vùng da điều trị... Các tai biến muộn xuất hiện sau vài tuần hoặc vài tháng. Bao gồm các tình trạng: u hạt tăng sắc tố sau viêm, sẹo, tình trạng quá mẫn muộn. Với những trường hợp này, việc “sửa sai” sẽ rất mất thời gian và tiền bạc cho người bệnh.
Vì vậy, BS. khuyến cáo, để tránh những tai biến khi làm đẹp da có thể xảy ra, chị em trước khi quyết định làm đẹp bằng bất kỳ phương pháp nào cần phải tìm hiểu kỹ, tránh giao phó nhan sắc của mình cho những cơ sở không uy tín được thực hiện bởi những người không có chuyên môn. Việc làm đẹp cần được thực hiện ở những nơi có quy trình kỹ thuật theo đúng chuẩn, sử dụng thuốc đảm bảo chất lượng và chăm sóc da đúng cách.
Tác giả: Phong Châu
Nguồn tin: phapluatxahoi.vn