Thế giới

Chân dung người “cầm cân nảy mực” trong phiên xử luận tội Tổng thống Mỹ

Với việc Hạ viện đã thông qua các điều khoản luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thượng viện tới đây sẽ tiến hành phiên tòa xét xử về vụ việc. Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, Chánh án Tòa án Tối cao nước này là ông John Roberts sẽ đóng vai trò giám sát quá trình tố tụng.

Chánh án Tòa án tối cao Mỹ John Roberts

Chánh án trẻ nhất

Ông Roberts sinh năm 1955 trong một gia đình có 4 người con. Ngay từ khi còn nhỏ, ông này đã thể hiện là một học sinh mẫn cán, có thành tích học tập tốt đồng thời tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể thao. Dù không phải là một vận động viên có tài năng đặc biệt nhưng ông vẫn được bầu làm đội trưởng của đội bóng đá trường trung học vì kỹ năng lãnh đạo của mình.

Tốt nghiệp trung học, ban đầu, ông vào trường Harvard với mơ ước trở thành một giáo sư lịch sử. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học sau đó 3 năm, ông lại theo học tiếp trường Luật Harvard khi phát hiện tình yêu mãnh liệt với luật pháp.

Tốt nghiệp trường luật vào năm 1979, trong 2 năm sau đó, ông Roberts làm thư ký cho Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ William H.Rehnquist - người về sau trở thành Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ. Cũng trong năm 1981, đích thân Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã bổ nhiệm ông Roberts làm trợ lý đặc biệt cho Bộ trưởng Tư pháp William French Smith, sau đó ông trở thành cố vấn về mảng luật pháp cho Tổng thống Mỹ.

Từ năm 1986, ông làm việc cho Công ty luật Hogan & Hartson LLP ở Washington cho tới khi vào làm việc trong Chính phủ của Tổng thống George H.W.Bush vào năm 1989. Năm 1992, ông Bush đề cử ông vào làm việc tại Tòa phúc thẩm Mỹ nhưng Thượng viện Mỹ không phê chuẩn.

Năm sau, ông Roberts về lại Công ty Hogan & Hartson. Trong thời gian làm việc tại công ty này, ông đã tham gia tranh tụng gần 40 vụ việc tại Tòa án Tối cao Mỹ và giành chiến thắng trong 25 vụ.

Đến năm 2003, ông Roberts được Tổng thống George W.Bush đề cử làm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ và được Thượng viện chuẩn thuận. 2 năm sau, ông chính thức được ông George W.Bush đề cử trở thành người kế nhiệm vào vị trí Chánh án Tòa án Tối cao.

Ở tuổi 50, ông Roberts đã được Thượng viện Mỹ chuẩn thuận làm Chánh án thứ 17 của Tòa án Tối cao Mỹ tại phiên họp ngày 29/9/2005, trở thành người trẻ nhất được chuẩn thuận làm Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ kể từ sau Chánh án John Marshall được chuẩn thuận vào năm 1801.

Những người quen biết với ông Roberts nhận xét ông này luôn nỗ lực hành động theo đúng mục đích chính là đảm bảo người Mỹ tin tưởng vào Tòa án Tối cao để củng cố nền dân chủ. Suốt 14 năm qua, ông Roberts được đánh giá là đã luôn nỗ lực củng cố hình ảnh hệ thống tòa án Mỹ, cơ quan tư pháp hoàn toàn độc lập về chính trị với 2 nhánh còn lại là Tổng thống (đại diện cơ quan hành pháp) và Quốc hội (cơ quan lập pháp). Ông này cũng được các chuyên gia đánh giá là người có tư tưởng trung lập nhất giữa 9 thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ hiện nay.

Ông John Roberts và Tổng thống Trump

Vào tháng 6/2015, ông Roberts khiến dư luận chú ý khi đưa ra phán quyết về hai trường hợp lập pháp mang tính bước ngoặt, bao gồm việc đứng về phía phe tự do trong Tòa án, tái khẳng định tính hợp pháp của chương trình y tế mang dấu ấn của cựu Tổng thống Barack Obama, còn được gọi là Obamacare.

Tuy nhiên, ông giữ quan điểm bảo thủ của mình về vấn đề hôn nhân đồng tính và bỏ phiếu chống lại quyết định của Tòa án Tối cao công nhận hôn nhân đồng giới ở tất cả 50 tiểu bang của Mỹ.

“Ghế nóng”

Dù phiên tòa luận tội ông Trump tại Thượng viện Mỹ chưa bắt đầu nhưng Chánh án John Roberts hiện phải đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng phức tạp, đó là làm thế nào để đáp ứng các đề xuất của phe Cộng hòa nhằm giảm các thủ tục tố tụng để tiến hành một phiên bỏ phiếu sớm.

Ông Roberts là một nghị sĩ của đảng Cộng hòa. Theo các chuyên gia, một phiên tòa luận tội rất khác với các phiên tòa xét xử thông thường và Chánh án John Roberts dường như sẽ không có tác động gì nhiều đến kết quả phiên xét xử luận tội Tổng thống tại Thượng viện sắp tới.

Bởi, tại phiên tòa luận tội, các Thượng nghị sĩ sẽ là những người đưa ra hầu hết tất cả các quyết định pháp lý quan trọng cũng như các quyết định cuối cùng. Còn Chánh án chỉ có quyền ra phán quyết phản đối hay không đối với các bằng chứng. Như vậy, vị trí này mang nhiều ý nghĩa về mặt hình thức hơn là thực tế.

Tuy nhiên, đây vẫn sẽ là một trận chiến vì danh tiếng của Tòa án Tối cao giữa Tổng thống Donald Trump và Chánh án John Roberts. Trong bối cảnh Tòa án Tối cao Mỹ đang đứng trước các cáo buộc bị chính trị hóa và phân cực tư tưởng, Chánh án Roberts cũng sẽ phải chuẩn bị sẵn những phương án điều hành phiên xét xử ông Trump để tránh làm dấy lên những tranh cãi xung quanh vai trò trung lập của Tòa án Tối cao cũng như của một nghị sĩ Cộng hòa như ông.

Thời gian qua, mối quan hệ giữa cá nhân ông Trump và ông Roberts đã trở nên khó khăn vì những tuyên bố của Tổng thống. Ông Trump từng tỏ thái độ xem thường các Thẩm phán cũng như bất kỳ tòa án nào đưa ra các quyết định mà cá nhân ông không đồng tình.

Điển hình là vào năm ngoái, ông Trump cáo buộc Thẩm phán Jon Tigar (California) là một “thẩm phán của Obama” vì ông Tigar đã bác bỏ quyết định bắt những người xin tị nạn phải nộp đơn trước khi qua biên giới để cơ quan di trú phỏng vấn do Tổng thống Trump đưa ra.

Chánh án Roberts đã ngay lập tức đáp lại rằng tòa án Mỹ không có các thẩm phán của Obama, thẩm phán của Trump, của Bush hay thẩm phán của Clinton. “Những gì chúng tôi có là các thẩm phán tâm huyết, làm việc hết mình để đảm bảo quyền bình đẳng cho công chúng”, ông Roberts tuyên bố.

Ông Trump sau đó tiếp tục lên tiếng chỉ trích Thẩm phán Tigar và cho rằng phán quyết của Thẩm phán này sẽ làm mất an ninh nước Mỹ. Cùng với đó, ông Trump cũng đã nhiều lần tỏ ý nghi ngờ tính độc lập của các thẩm phán, công kích các thẩm phán ở Hawaii và San Francisco sau khi các lệnh cấm của ông về người nhập cư bị tòa án bác bỏ nhiều lần.

Do vậy, tại phiên tòa luận tội ông Trump tới đây, ông Roberts sẽ phải khẳng định và duy trì lòng tin của công chúng và cử tri vào nền dân chủ Mỹ cũng như sức mạnh của hệ thống tư pháp nước này. Bất kỳ một biểu hiện thiếu công tâm hoặc nghiêng về bên nào của Chánh án Roberts cũng sẽ có thể trở thành mũi dùi để các phe phái chỉ trích. Do đó, Chánh án Roberts vẫn sẽ phải hoàn thành một cách xuất sắc vai trò “người cầm cân nảy mực” trong phiên tòa luận tội sắp tới.

Quan điểm dạy con gây xôn xao

Không chỉ là một thẩm phán nổi danh, ông John Roberts cũng nổi tiếng là một người cha ấm áp, mẫu mực. Ông từng “gây bão” dư luận với nguyên tắc dạy con rất khác biệt, đó là muốn con nếm trải nhiều cung bậc đau khổ, cô đơn, bị phản bội... trong cuộc sống. Bởi, ông cho rằng chỉ có thể bị đối xử bất công mà con ông mới cảm nhận được giá trị của sự công bằng.

“Ta hy vọng con có thể nếm trải một chút mùi vị của sự phản bội, bởi như vậy con mới lĩnh hội được tầm quan trọng của sự chân thành”, ông nói. Ông cũng muốn con trai cảm nhận được sự cô đơn hàng ngày để hiểu rằng bạn bè là thứ không phải trời cho màbản thân cần phải trân trọng và giữ gìn để duy trì mối quan hệ tốt đẹp đó. Ông cũng hy vọng con trai sẽ gặp những đau đớn để học cách cảm thông, chia sẻ với người khác…

Tác giả: Cát Dũng

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP