Trong nước

Chấm dứt bổ nhiệm chức vụ hàm vì nền công vụ minh bạch

Một trong những vấn đề được nêu ra qua nhiều nhiệm kỳ, từng làm “nóng” nghị trường đến giờ này đã được quyết định rõ ràng: Chấm dứt việc bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ hàm ở các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị (chức vụ hàm ngoại giao thực hiện theo quy định riêng).

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, trong gần 10 năm, hai Bộ trưởng Bộ Nội vụ liên tiếp nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV liên quan đến giải quyết vấn đề chức danh “hàm”. Bởi khi đó tồn tại hàng trăm công chức, viên chức hưởng chế độ “hàm”, từ cấp phó phòng trở lên, có nơi còn ban hành cả quy chế bổ nhiệm “hàm”, trong khi Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định về việc bổ nhiệm chức danh “hàm".

Lý giải về điều này, những người có trách nhiệm đều thừa nhận tại một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương do đặc thù công việc và để bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức khi được điều động về các cơ quan ở Trung ương công tác nên đã thực hiện việc bổ nhiệm chức danh “hàm”.

Nói cách khác, nó hướng tới chế độ, chính sách nhiều hơn là hiệu quả công việc vì chức vụ hàm không phải là chức danh được quy định trong văn bản pháp luật và người được bổ nhiệm hàm không trực tiếp điều hành, quản lý mà chỉ có thêm vị thế khi làm việc với đơn vị khác, đồng thời được hưởng chế độ, chính sách…

Có người nói vui, đây là việc “làm đẹp” cho công vụ, để động viên cán bộ khỏi “tâm tư” nhưng sau lan thành phong trào, Trung ương làm được thì địa phương cũng làm dẫn đến hiệu quả công việc của chức danh “hàm” không nhiều, gây lãng phí.

Do đó, tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả có yêu cầu: “Quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, chính sách để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp hàm”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án "Xây dựng tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với đội ngũ chuyên gia; tiêu chuẩn, chế độ trợ lý, thư ký các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo của Đảng, Nhà nước" để khắc phục việc bổ nhiệm chức danh “hàm” trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ngày 10/12/2018, Bộ Nội vụ cũng ban hành văn bản số 6028/BNV-CCVC yêu cầu trong thời gian chưa có quy định mới của Bộ Chính trị, Chính phủ về vấn đề bổ nhiệm chức danh “hàm”; các bộ, ngành, địa phương không bổ nhiệm mới chức danh “hàm” với cán bộ công chức, viên chức.

Và đến ngày 19/8/2021, Bộ chính trị ban hành Quy định số 30-QĐ/TW về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh trợ lý, thư ký. Trong đó quy định cụ thể chức vụ lãnh đạo nào được sử dụng trợ lý, thư ký và số lượng bao nhiêu. Các văn bản trước đây trái với quy định này không còn hiệu lực.

Cách đây 5 ngày, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Kết luận 33 của Ban Bí thư khẳng định “chấm dứt việc bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ hàm ở các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị kể từ ngày 01/4/2022 (chức vụ hàm ngoại giao thực hiện theo quy định riêng)”.

Kết luận cũng đồng thời chỉ đạo rõ ràng về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ giữ chức vụ “hàm” trong các cơ quan tham mưu của Đảng ở Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội theo hướng rất nhân văn và có lộ trình phù hợp như giữ nguyên chức vụ hàm và chế độ, chính sách đến khi nghỉ hưu với người có thời gian công tác còn dưới 5 năm; bố trí công tác phù hợp sau khi hết thời hạn bổ nhiệm…

Ban Bí thư cũng giao Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện chế độ chuyên gia cao cấp, chế độ, chính sách đối với cán bộ làm nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu chiến lược trong các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở Trung ương và 3 Văn phòng trên để trình Ban Bí thư xem xét.

Như vậy, sau rất nhiều năm, những băn khoăn về câu chuyện chức vụ “hàm” giờ đây đã được quyết đáp rõ ràng. Quyết định chấm dứt bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ “hàm” là đúng đắn và cần thiết vì điều hiển nhiên nền công vụ cần phải minh bạch./.

Tác giả: Hiếu Minh

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP