Dinh dưỡng thể thao là một phần quan trọng trong quá trình tập luyện và hiệu suất của vận động viên. Các nghiên cứu đã liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng một số nhóm thực phẩm vào những thời điểm then chốt để tối đa hóa hiệu suất thi đấu của cá nhân, cũng như quá trình phục hồi sau buổi tập và thi đấu.
|
Câu hỏi đầu tiên: Dinh dưỡng và hiệu suất có liên quan tới nhau không?
Trước hết, chúng ta cần hiểu về bản chất và đặc điểm chuyển hoá, sinh lý của bộ môn này. Một cầu thủ trung bình chạy quãng đường 10 - 13km trong mỗi trận đấu (Bloomfield et al., 2007), trong đó quãng đường chạy với cường độ cao, cụ thể là tốc độ trên 19,8km/h chiếm tới 8% tổng quãng đường (Rampinini et al., 2007).
Với đặc điểm thể lực và yêu cầu kĩ thuật, chiến thuật, cường độ trong bóng đá ngày càng tăng lên trong những năm gần đây, bao gồm quãng đường chạy, khả năng bứt tốc, bật vọt,... Cơ bắp, cụ thể là sợi cơ type II (type II muscle fiber) chính là nơi "sản xuất" những hoạt động cường độ cao như chạy bứt tốc.
Để thực hiện những chuyển động này, cơ thể cần sử dụng đến năng lượng có sẵn trong cơ thể, và nguồn năng lượng chính trong hoạt động ở cường độ cao đến từ glycogen - năng lượng dự trữ của Carbohydrate trong cơ thể. Lượng glycogen trong cơ bắp sau một trận đấu thường giảm 50% so với trước khi thi đấu, thậm chí glycogen trong sợi cơ type II gần như cạn kiệt (Mohr et al., 2003).
Do vậy, việc cơ thể có sẵn glycogen là yêu cầu quan trongjd để các cầu thủ có thể thi đấu ở cường độ cao. Cách duy nhất để có lượng glycogen tràn trề chính là thông qua dinh dưỡng.
Câu hỏi tiếp theo: Vậy dinh dưỡng trong giải đấu (in-season) khác gì so với dinh dưỡng trong thời kỳ chuẩn bị (pre-season)?
Thông thường, cường độ tập luyện trong khi mùa giải diễn ra (in-season) thấp hơn so với thời kì chuẩn bị (pre-season). Mục tiêu của tập luyện thể lực trong thời gian chuẩn bị là phân kỳ tập luyện, giúp cơ thể cầu thủ đáp ứng với việc chạy ở cường độ cao, trong khi tập luyện ở thời kỳ trong mùa giải giúp duy trì thể lực và hồi phục. Do vậy, dinh dưỡng trong thời kỳ chuẩn bị cũng sẽ khác so với thời kỳ trong giải.
Điểm chung về chế độ dinh dưỡng ở cả hai giai đoạn là sự ưu tiên về carbohydrate và protein. Tuy nhiên, số lượng carbohydrate có thể thay đổi dựa theo cường độ buổi tập và kế hoạch tập luyện. Mục tiêu của carbohydrate giai đoạn chuẩn bị là giúp cơ thể đáp ứng với cường độ, cụ thể là giúp cơ thể chuyển hoá năng lượng tối ưu hơn, tăng khả năng hấp thụ oxy, tăng số lượng ATP, tăng khả năng sử dụng mỡ thành năng lượng ở cường độ thấp tới trung bình.
Trong khi đó, ở giai đoạn vào giải (in-season) hay tập trung (camp), số lượng trận đấu tăng lên với tần suất 2 - 4 ngày/trận, mục tiêu của dinh dưỡng lúc này là nạp năng lượng, bổ sung glycogen, hồi phục nhanh nhất có thể, duy trì thể trạng khoẻ mạnh. Lúc này, chuyên gia dinh dưỡng sẽ tính toán khối lượng carbohydrate và protein cơ thể cần để hồi phục tối ưu, cũng như thời gian cần nạp, thực phẩm cần ưu tiên.
Ngoài ra, các cầu thủ khác nhau sẽ được tư vấn về lượng ăn khác nhau. Lấy ví dụ, khi 1 tuần có 2 trận đấu, cầu thủ A chơi trên 60 phút trong cả 2 trận và cầu thủ B chỉ chơi dưới 45 phút, khi đó cầu thủ A sẽ cần nạp carb 8g/kg trọng lượng cơ thể/ngày để hồi phục glycogen, trong khi cầu thủ B chỉ cần nạp 4g/kg/ngày để duy trì năng lượng. Thực phẩm bổ sung như whey protein, creatine, omega-3, vitamin D cũng sẽ được bổ sung theo từng giai đoạn và nhu cầu.
Câu hỏi thứ ba: Các đội tuyển bóng đá quốc gia chuẩn bị bữa ăn như thế nào?
Trong một bài phỏng vấn, chuyên gia dinh dưỡng của đội tuyển Anh cho biết kế hoạch dinh dưỡng của đội được thực hiện dựa trên sự phối hợp với huấn luyện viên thể lực và đội ngũ bếp ăn tại trung tâm và khách sạn. Anh cũng nhấn mạnh rằng hiệu quả công việc của một chuyên gia dinh dưỡng gắn liền với chất lượng của đội ngũ phục vụ ăn uống mà họ làm việc cùng.
Mục tiêu của họ là giáo dục các cầu thủ cách cung cấp năng lượng cho các sự kiện thể thao để đáp ứng các yêu cầu thể chất của các giải đấu lớn, đồng thời đảm bảo rằng các cầu thủ vẫn có thể thưởng thức bữa ăn của mình. Vì các cầu thủ tập trung cùng nhau 24 giờ mỗi ngày và ăn ít nhất ba lần mỗi ngày, chất lượng thức ăn có ảnh hưởng đáng kể đến tâm trạng của các cầu thủ. Khi các cầu thủ thưởng thức bữa ăn, điều này không chỉ mang lại phản hồi tích cực mà còn đảm bảo họ cung cấp năng lượng đúng cách.
Cách tiếp cận dinh dưỡng thú vị và có tính giáo dục này rất đáng giá, vì những thách thức liên quan đến việc đạt được điều đó. Có thể thấy, cơ sở vật chất và cách tổ chức bữa ăn đóng vai trò quan trọng trong việc rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành.
Trong những chuyến du đấu, việc sử dụng những thực phẩm quen thuộc với cầu thủ là yếu tố quan trọng. Ở một bài phỏng vấn khác của đội tuyển nữ Tây Ban Nha trong đợt tập trung tại New Zealand, chuyên gia dinh dưỡng Gonzalo Garea cũng nhấn mạnh về việc đa dạng nguồn thực phẩm để khuyến khích cầu thủ tự chọn thực phẩm mong muốn.
"Các cầu thủ thường thích cá ngừ và cá hồi ướp, cùng với thịt nguội, thịt gà, đậu hũ, hoặc các lựa chọn chay," Gonzalo giải thích. Về mặt dinh dưỡng, một kỳ World Cup là giải đấu rất phức tạp, với thời gian tập trung có thể kéo dài gần hai tháng, trong đó các yếu tố như thực đơn, bổ sung dinh dưỡng, khối lượng công việc, dinh dưỡng cụ thể, di chuyển, hậu cần... đều cần được xem xét.
Chúng tôi thường gặp khó khăn với vấn đề nguyên liệu do ở một quốc gia xa xôi như New Zealand. Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng do thời gian hồi phục và nghỉ ngơi rất ít giữa các trận đấu, do vậy chúng tôi cần phải làm sao để các cầu thủ hồi phục tốt nhất có thể."
Tác giả: ALICE TRÂM ANH
Nguồn tin: bongdaplus.vn