Trong nước

Cầu cứu Bộ trưởng Y tế khi bị cưa chân do BS chẩn đoán sai

Bị cưa chân phải do bác sĩ “chẩn đoán nhầm”, cho rằng phía bệnh viện bồi thường chưa thỏa đáng, nam thanh niên 27 tuổi người Long An đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ trưởng Y tế.

Mẹ nạn nhân bị cưa chân phản bác kết luận của Sở Y tế
'Tỉnh dậy thấy chân bị cưa, con tôi chỉ muốn tự tử'

Anh Lê Hoàng Lâm (27 tuổi, ngụ ấp Xuân Hòa 1, xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An, Long An) – người bị cưa chân phải do bác sĩ Trần Chí Khôi, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM chẩn đoán nhầm đã làm đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Anh Lê Hoàng Lâm bị cưa chân do bác sĩ “chẩn đoán nhầm”.

Nam thanh niên 27 tuổi nói rằng, bác sĩ Trần Chí Khôi thăm khám chủ quan, không đúng quy trình, thiếu trách nhiệm, đánh giá chẩn đoán sai dẫn đến việc bị cắt mất chân phải trên gối làm anh vô cùng đau khổ, nhiều lần có ý định tự tử.

Sau khi sự việc xảy ra, gia đình anh Lâm đã lần liên hệ với BV để yêu cầu xin lỗi, bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, BV này luôn lảng tránh.

Gần đây nhất, BV dựa vào bản kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở y tế TP.HCM cho rằng bác sĩ Khôi đã “làm đúng quy trình” và xem đây là một ca khó nên không chịu bồi thường thiệt hại, mà chỉ hỗ trợ một phần.

Anh này lý giải, thời điểm được chuyển lên BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM với chai dịch truyền còn trên tay, chân phải đau nhức, mẹ anh đã nói với bác sĩ Khôi về tình trạng bệnh, lý do chuyển viện và lời cảnh báo của bác sĩ tuyến dưới nghi tắc mạch máu.

Thế nhưng bác sĩ Khôi chỉ thăm khám sơ sài, chẩn đoán chấn thương phần mềm (bong gân), không cho nhập viện theo dõi để xác định chính xác bệnh mà cho về nên mới dẫn đến tình trạng hoại tử phải cắt bỏ chân.

“BV cấp huyện hạn chế về chuyên môn và phương tiện mà đã chẩn đoán gần như chính xác trình trạng bệnh của tôi (bị tắc mạch khoeo (P), chấn thương gối cẳng chân (P) có bán trật gối) thì bác sĩ chuyên khoa II Trần Chí Khôi không thể cho rằng đây là ca khó chẩn đoán” – anh Lâm nói rõ trong đơn.

Trước đó, tại cuộc làm việc với BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, gia đình bệnh nhân Lê Hoàng Lâm đã yêu cầu bồi thường thiệt hại sức khỏe với số tiền 818 triệu đồng.

Tuy nhiên, phía bệnh viện không đồng ý việc bồi thường mà chỉ chấp nhận hỗ trợ 150 triệu đồng chi phí chuyển đổi nghề nghiệp và làm chân giả cho bệnh nhân này.

Anh Lê Hoàng Lâm kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y Tế xem xét chỉ đạo Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM nghiêm túc nhìn nhận sai sót về chuyên môn trong quá trình khám chữa bệnh đối với trường hợp của mình, đồng thời bồi thường thiệt hại theo đúng quy định pháp luật.

Anh này đề nghị nếu cần thiết, Bộ Y tế thành lập Hội đồng chuyên môn với đầy đủ thành phần theo luật định, thu thập tất cả tài liệu bệnh án tại các bệnh viện có liên quan và bản tường trình của bác sĩ Khôi về vụ việc, lấy ý kiến từ người bệnh, gia đình để đưa ra bản kết luận chuyên môn chính xác, khách quan, đúng pháp luật.

Nội dung sự việc:

Ngày 20/6, anh Lê Hoàng Lâm (27 tuổi, Long An) bị ngã xe máy khiến chân phải sưng to nên gia đình đưa vào BV tuyến huyện cấp cứu.

Tại đây bác sĩ đã thăm khám chẩn đoán bị tắc mạch khoeo (P), chấn thương gối cẳng chân (P) có bán trật gối và cho xử lý truyền dịch, giảm đau, hỗ trợ, nắn trật, cố định, chống nề, sau đó chuyển lên bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM để điều trị.

Bác sĩ CK II Trần Chí Khôi đã khám, chỉ định chụp X-quang, kết luận bệnh nhân chỉ bị bong gân nên cho kê thuốc về uống, hẹn 1 tuần sau tái khám.

Tuy nhiên bệnh nhân về nhà uống thuốc 3 ngày vẫn không đỡ, chân ngày càng sưng, tím tái, không cử động được nên gia đình vội đưa lên bệnh viện Chấn thương chỉnh hình khám lại.

BS trực đánh giá đây là ca bệnh nguy hiểm, đáng ra phải nhập viện theo dõi 36 - 72h, không được cho về nhà. Sau hội chẩn, bệnh nhân được chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy vào rạng sáng 25/6.

Bệnh viện Chợ Rẫy kết luận, chân của anh Lâm đã bị hoại tử do tắc động mạch khoeo phải, chấn thương gối phải, cần phẫu thuật cắt bỏ gấp nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Sau sự việc, Sở Y tế TP.HCM đã lập hội đồng chuyên môn để đánh giá lại toàn bộ quá trình thăm khám, điều trị.

Bước đầu thống nhất kết luận, bệnh nhân bị cưa chân do bác sĩ hạn chế về chuyên môn, chưa có kinh nghiệm trong chẩn đoán và xử trí trường hợp khó dẫn đến chưa đánh giá đầy đủ tình trạng tổn thương, chưa tiên lượng được diễn tiến phức tạp của tổn thương động mạch khoeo.


Tác giả bài viết: Văn Đức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP