Thế giới

Căng thẳng Ukraine: Đồng minh của Nga ở châu Á lo cuống- Tên lửa BrahMos sẽ nếm đòn từ Mỹ?

Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga có thể đe dọa hợp đồng xuất khẩu tên lửa hành trình BrahMos trị giá 375 triệu USD của Ấn Độ với Philippines.

Theo tờ EurAsian Times, hiện vẫn chưa rõ một số biện pháp trừng phạt khác của Mỹ và phương Tây đối với Nga sẽ tác động đến Ấn Độ như thế nào.

Các cường quốc lớn trên thế giới đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào sáng sớm 24/2.

Ấn Độ là nhà nhập khẩu vũ khí lớn của Nga. Vì vậy, EurAsian Times đã phỏng vấn nhiều chuyên gia để tìm hiểu xem liệu các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga có ảnh hưởng gì đến các thỏa thuận hiện có giữa Moscow và New Delhi hay không.

Theo báo cáo năm 2020 của Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn của Mỹ, 86% vũ khí của Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga. Từ năm 2014 -2020, Ấn Độ đã mua 55% vũ khí từ Nga.

Sau các lệnh trừng phạt của phương Tây với Moscow, một số chuyên gia quốc phòng bày tỏ lo ngại quân đội Ấn Độ phải đối mặt với "viễn cảnh nghiệt ngã và đáng lo ngại khi Bộ quốc phòng Nga bị gián đoạn và liên tục trì hoãn". "Điều này khiến New Delhi khó đảm bảo sự sẵn sàng hoạt động", một bài báo đăng trên The Wire nhận định.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik

Ấn Độ rơi vào thế khó

Theo nhận định, những gián đoạn như vậy gây ra "sự chia rẽ nghiêm trọng" vào thời điểm Ấn Độ đối mặt với mối đe dọa dọc theo biên giới phía bắc và phía tây đang tranh chấp từ các đối thủ hạt nhân Pakistan và Trung Quốc.

Trước đó Nga đã đảm bảo với Ấn Độ rằng, dù các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ gây ra lo lắng và những ngờ vực, thì Moscow vẫn mong muốn thực hiện "các kế hoạch phòng thủ lớn" với New Delhi.

Nhưng thực tế thì khi các lệnh trừng phạt mới hơn tiếp tục được áp dụng, hệ quả là chuỗi cung ứng bị phá vỡ là khó tránh khỏi.

Ấn Độ đang mua sắm các hệ thống phòng không S-400 từ Nga, một số được đóng tại Punjab, phía bắc Ấn Độ để ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng từ cả Trung Quốc và Pakistan.

Gần đây, họ cũng đã ký hợp đồng thương vụ súng trường AK-203 với Nga, trong đó việc sản xuất ở ngay lãnh thổ Ấn Độ dự kiến sẽ sớm bắt đầu.

Vì vậy, bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể khiến bộ binh Ấn Độ ở khu vực biên giới với Trung Quốc và Pakistan, sẽ gặp thêm nhiều khó khăn.

Ấn Độ cũng đang mua sắm tàu chiến từ Nga và khó khăn nhất, theo các quan chức, là hợp đồng trị giá 950 triệu USD được ký vào năm 2018 trong đó Moscow cung cấp 4 khinh hạm tàng hình tinh vi lớp Talwar cho Hải quân Ấn Độ.

Các chiến hạm này được cho là chạy bằng động cơ turbin khí do một công ty Ukraine cung cấp. Cuộc chiến ở Ukraine hiện nay khiến cho quá trình này trở nên phức tạp.

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất có thể là BrahMos. Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga có thể gây nguy hiểm cho hợp đồng xuất khẩu tên lửa hành trình BrahMos trị giá 375 triệu USD gần đây của Ấn Độ với Philippines.

Tên lửa BrahMos trong một cuộc diễu binh của quân đội Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Động cơ và bộ phận tìm kiếm của hệ thống tên lửa này đều phải công ty NPO Mashinostroyenia (NPOM) của Nga cung cấp.

Công ty này đã liên doanh với Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) do chính phủ Ấn Độ điều hành để thiết kế, nâng cấp và sản xuất BrahMos.

Và, nếu bị cấm vận, nó có thể gây nguy hiểm cho thỏa thuận lớn ở nước ngoài đầu tiên của Ấn Độ. Đây là dự án được Bộ Quốc phòng (MoD) công bố trong mục tiêu tăng xuất khẩu quốc phòng của nước này lên 5 tỷ USD vào năm 2025.

Trong trường hợp gặp trở ngại liên quan đến kỹ thuật và chuỗi cung ứng, đó sẽ là một thảm họa đối với Ấn Độ.

Ấn Độ bị ảnh hưởng như thế nào?

Chỉ huy Phi đội Vijainder K Thakur, một nhà phân tích quân sự và cựu phi công Jaguar của IAF, cho biết rõ ràng rằng các lệnh trừng phạt này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Ấn Độ.

"Tôi không nghĩ rằng các lệnh trừng phạt mới sẽ ảnh hưởng đến việc mua sắm hệ thống vũ khí hiện có của Ấn Độ từ Nga. Ví dụ: việc mua sắm S-400 của chúng tôi không liên quan đến các giao dịch USD và BrahMos Aerospace là một công ty do Ấn Độ nắm giữ phần lớn", ông nói.

"Về hậu cần và bảo trì các thiết bị quốc phòng mua sắm từ Nga, cả hai nước ngày càng phụ thuộc vào việc sản xuất nội địa hóa các phụ tùng thay thế và liên doanh bảo dưỡng với các công ty mà Ấn Độ chiếm thế đa số".

Thủ tướng Ấn Độ Modi (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: EurAsia Times

"Một khía cạnh khác của cuộc xung đột Nga-Ukraine là Ấn Độ đã tìm được nguồn cung ứngnhiều thiết bị quân sự thời Liên Xô từ Ukraine vì Nga đã nâng cấp thiết bị tân tiến hơn và chúng tôi chỉ sử dụng các thành phần phụ của Nga. Bây giờ chúng tôi sẽ chỉ phải đối phó với Nga mà thôi", ông nói thêm.

Để tự bảo vệ mình khỏi các lệnh trừng phạt CAATSA trong tương lai, Ấn Độ và Nga đang tránh các lệnh trừng phạt bằng USD. Có khả năng trong những ngày tới, Ấn Độ và Nga cũng sẽ phải tránh các giao dịch bằng đồng Euro, ông nói thêm.

Theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAATSA), Mỹ đang tiếp tục trao đổi với Ấn Độ về những rủi ro của các lệnh trừng phạt đối với việc mua hệ thống tên lửa S-400 từ Nga.

Tuy nhiên, hồi tháng 1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vẫn chưa đưa ra quyết định "liên quan đến giao dịch này".

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price, Mỹ tiếp tục "thúc giục tất cả các nước tránh các giao dịch lớn mới đối với các hệ thống vũ khí của Nga".

Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua hệ thống phòng không S-400 và cũng loại Ankara khỏi danh sách mua tổ hợp F-35.

Mỹ sẽ không "hy sinh" Ấn Độ?

Tuy nhiên, cho đến nay, các chuyên gia và nhà quan sát vẫn lạc quan về việc từ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ, do ý nghĩa chiến lược của nước này đối với Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương

"Hiện tại, nỗi lo lớn nhất của Ấn Độ là việc miễn trừ CAATSA vẫn chưa được thông qua. Nếu Mỹ quyết định không miễn trừ lệnh trừng phạt CAATSA vì mua hệ thống S-400 của Nga, thì đó sẽ là một bước lùi lớn đối với New Delhi", một chuyên gia nói.

Hiện tại vẫn chưa rõ một số biện pháp trừng phạt khác của Mỹ và phương Tây đối với Nga sẽ tác động đến Ấn Độ như thế nào.

"Nhưng có khả năng nó sẽ không gây đình trệ quân sự kéo dài, sẽ không tác động tiêu cực đến hợp tác quốc phòng Ấn Độ-Nga ", Happymon Jacob, Giáo sư An ninh Quốc gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, cho biết.

Theo chuyên gia quân sự Joseph P Chacko, các khoản thanh toán của Nga sẽ được giải quyết ngay cả khi nước này bị cắt khỏi hệ thống SWIFT.

Các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ không ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán vũ khí của Ấn Độ-Nga. Nhưng CAATSA là luật có khả năng ảnh hưởng đến việc cung cấp vũ khí của Nga cho Ấn Độ và cho đến nay vẫn chưa được sử dụng.

Một khía cạnh quan trọng khác là dù là khách hàng mua vũ khí lớn của Nga nhưng Ấn Độ chỉ góp phần rất nhỏ vào GDP của Nga. Ngay cả tổng kim ngạch thương mại hàng năm của Ấn Độ với Nga cũng dưới 10 tỷ USD.

Vậy nên tại sao Mỹ lại để mất một đồng minh chống Trung Quốc chỉ vì những lý do nhỏ nhặt như vậy?

Tác giả: Nam Anh

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị

  Từ khóa: tên lửa BrahMos ,Nga ,ukraine

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP