Pháp luật

Cần tăng chế tài xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm

Theo Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm, năm 2025, cần tiếp tục tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể, trường học, ngộc độc thực phẩm do thức ăn đường phố. Cần tăng chế tài xử phạt mang tính răn đe.

Mặc dù ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng được nâng lên, việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc xuất sứ đã giảm hơn trước, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu. Nhiều trường hợp chưa đánh giá đầy đủ, chính xác chất lượng sản phẩm. Việc quản lý các hoạt động kinh doanh thực phẩm trên không gian mạng đang gặp nhiều khó khăn, từ hệ thống pháp luật, cơ chế, trách nhiệm quản lý. Các địa điểm kinh doanh trực tuyến có tính ẩn danh, gây nhiều khó khăn trong kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Tình hình ngộ độc thực phẩm đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, trường học và ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố.

Cần tăng chế tài xử phạt hành vi vi phạm an toàn thực phẩm (Ảnh minh họa)

Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về Môi trường cho biết, tình trạng thức ăn đường phố vi phạm an toàn thực phẩm diễn ra phổ biến, do đó việc tuyên truyền, phòng ngừa cần tăng cường triển khai, đặc biệt trong các dịp lễ hội và dịp Tết nguyên đán này.

“Tôi đề nghị tuyên truyền chế tài, tuyên truyền vấn đề xử lý chứ không chỉ vận động. Vận động ở đây là phía người dân, còn đối tượng làm sai, đưa ra sản phẩm sai thì sẽ phải xử lý thế nào? Đối với an toàn thực phẩm, chúng ta không nên xác định xử lý hình sự là yếu tố làm đầu mà phải xác định phòng ngừa là chính để người dân không ăn, không sử dụng sản phẩm. Chúng tôi đề nghị tiếp tục phòng ngừa là chính và tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm, trong đó có xử lý hình sự”, Trung tướng Trần Minh Lệ nhấn mạnh.

Với sự vào cuộc của các ngành chức năng, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm, đảm bảo đúng pháp luật, công khai, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thông tin lựa chọn thực phẩm an toàn. Thế nhưng trên thực tế, số lượng các vụ vi phạm còn tăng, số người ngộ độc còn nhiều. Một số việc đã có trong kế hoạch nhưng vẫn triển khai chậm.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông là một trong những giải pháp cần được đẩy mạnh. Trong đó, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về an toàn thực phẩm. Đồng thời, tập trung công tác phòng ngừa, phát hiện xử lý nghiêm, tăng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.

“Về quản lý an toàn thực phẩm, một là phải tăng cường hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin để khi công bố là có thể áp vào ngay, có vấn đề gì thì cơ quan quản lý có thể thu hồi được. Thứ hai, những trường hợp đi theo hậu kiểm mà vi phạm thì phải xử thật nặng, kể cả những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thức ăn đường phố. Mục đích cuối cùng là đảm bảo thực phẩm an toàn cho người dân, không bị ngộ độc, không bị bệnh” - Thứ trưởng Nguyễn Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Tác giả: Kim Thanh

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP