Đề nghị lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch UBND phường ở Hà Nội
Tờ trình do Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày cho biết, dự thảo nghị quyết giữ nguyên kết cấu như Nghị quyết số 85/2014/QH13, trong đó sửa đổi, bổ sung 13/18 điều và bổ sung 3 biểu mẫu mới. Tại tờ trình, Ban Công tác đại biểu xin ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường ở thành phố Hà Nội. Nghị quyết về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội quy định “Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm trước HĐND quận, thị xã” nhưng không quy định HĐND quận, thị xã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường.
Bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh cho Quốc hội bầu. Ảnh: TTXVN |
Trong khi đó, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và Đà Nẵng quy định “HĐND thành phố lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận”. Vì vậy, để tương đồng với quy định này, Ban Công tác đại biểu đề nghị tại thành phố Hà Nội, HĐND quận, thị xã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường. Đề xuất này được lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp đồng tình, ủng hộ.
Với quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, bà Thanh cho biết, Nghị quyết số 85/2014/QH13 chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng không quy định rõ về thời hạn và thời điểm thực hiện. Điều đó dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước. Do đó, Ban Công tác đại biểu đã bổ sung quy định về thời hạn và thời điểm tại Điều 10, Điều 15 và khoản 4 Điều 18 của dự thảo Nghị quyết.
Cụ thể, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức. Trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà không từ chức thì Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Có thể thiết kế hai phương án trình Quốc hội
Đại diện cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, Thường trực Ủy ban này đánh giá, các nội dung quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong dự thảo nghị quyết đã bảo đảm phù hợp với yêu cầu xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức có mức độ “tín nhiệm thấp” theo tinh thần của Quy định số 96-QĐ/TW và Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Tuy nhiên, theo ông Giang, về hệ quả đối với người được bỏ phiếu tín nhiệm, có ý kiến cho rằng, bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là một hình thức xem xét kỷ luật đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Theo Điều 11 của dự thảo Nghị quyết, các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND thường là do phát hiện có dấu hiệu sai phạm hoặc qua thăm dò cho thấy người được Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn đạt mức tín nhiệm thấp.
Trong khi đó, hệ quả nặng nhất đối với người được lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm quy định trong dự thảo nghị quyết đều là trình Quốc hội, HĐND quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm. “Do đó, ý kiến này đề nghị trong trường hợp người được bỏ phiếu tín nhiệm có từ quá nửa tổng số đại biểu trở lên đánh giá không tín nhiệm thì Quốc hội, HĐND tiến hành bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị cách chức đối với người đó”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang lý giải.
Giải trình về lý do đề xuất thời hạn 10 ngày, 30 ngày kể trên, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, căn cứ pháp lý dựa vào Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Quy định số 69 về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên bị kỷ luật.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Ban Công tác đại biểu tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ, sau đó sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Về hệ quả lấy phiếu tín nhiệm, ông Định yêu cầu, dự thảo nghị quyết cần viện dẫn theo các quy định của Đảng. Về thời hạn cụ thể không nên đưa rõ, trong trường hợp vẫn quy định thì phải bảo đảm tính khả thi, hoặc có thể thiết kế hai phương án để trình Quốc hội thảo luận, quyết định.
Theo Dự thảo Nghị quyết, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. |
Tác giả: Thành Nam
Nguồn tin: Báo Tiền Phong