Tranh minh họa - LAP |
Như đã thông tin, tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (giai đoạn 2012 - 2022), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí kiến nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cho chủ trương giao Ban Nội chính trung ương hoặc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.
Theo ông Trí, làm như vậy sẽ thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để họ không bị xử lý hình sự nữa.
Ông Trí cho rằng cách làm này vừa hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vừa nhân văn và thuyết phục.
Nhiều ý kiến của chuyên gia, đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với kiến nghị này và cho rằng cần có quy định cụ thể để người dân hiểu rằng không có nghĩa "ăn không được trả lại là xong".
Còn đối với bạn đọc báo Tuổi Trẻ, những ngày qua kiến nghị này cũng làm "dậy sóng" ở chuyên mục bạn đọc, diễn đàn.
Cho rằng mục đích cuối cùng của việc chống tham nhũng là làm sao cho những cán bộ biến chất "không muốn, không thể và không dám tham nhũng", bạn đọc Toàn Nguyễn viết: "Không phải để dính rồi thì xử lý thế này thế kia, gây ảnh hưởng cho xã hội. Tôi cho rằng đã là công bộc của dân thì phải tự rèn luyện bản thân mình để tư tưởng vững vàng trước những vật chất quý giá kia".
Đồng tình với quan điểm phải làm cho một bộ phận cán bộ biến chất có chức có quyền "sợ" thì họ mới "không dám", bạn đọc Hoài Lâm Võ Công cho rằng: "Muốn họ sợ thì có rất nhiều biện pháp như kiểm tra, kiểm soát... Đến khi vụ việc phát hiện thì phát mãi tài sản đền bù thiệt hại gấp rưỡi, gấp đôi kèm theo xử tù nặng. Chắc chắn giảm 99% số vụ tham nhũng, tham ô, ăn hối lộ".
Bên cạnh các ý kiến đồng tình, ở góc nhìn ngược lại, một số bạn đọc lại cho rằng miễn truy tố hình sự, trả lại tài sản tham nhũng chưa thể là cương quyết chống tham nhũng.
Về ý này, bạn đọc Lão Nông Tri Điền bày tỏ quan điểm: "Cá nhân tôi không đồng tình chuyện tham nhũng rồi trả lại tiền là xong, không truy cứu hình sự! Thứ nhất, những người tham nhũng là những người được học hành tử tế, hiểu biết pháp luật, là lãnh đạo thì phải biết làm gương. Nếu xem hành động tham nhũng là không có tội thì mới không truy cứu hình sự. Tham nhũng là vơ vét, ăn cắp tài sản của nhân dân, Nhà nước đem về làm sở hữu riêng, khác gì ăn trộm, ăn cướp. Không lẽ rồi đây truy bắt được ăn cướp và lấy lại được đồ là xong cho đi?".
Cùng quan điểm, bạn đọc Khánh Hòa bày tỏ băn khoăn: "Miễn truy tố hình sự, nếu trả lại tài sản tham nhũng chưa thể là cương quyết chống tham nhũng. Như vậy, họ sẽ tham nhũng thoải mái mà không cần phải đắn đo, suy nghĩ. Nếu không bị phát hiện thì hưởng trọn. Nếu đổ bể thì trả lại. Coi như huề cả làng, chẳng mất mát gì mà phải sợ".
Ủng hộ ý kiến này, bạn đọc Anh Lộc viết: "Có trả lại phần nào thì không bao giờ là đủ. Tiền đã được phân tán khắp nơi. Chỉ có cách chống tham nhũng bằng cách cho dân giám sát, mọi lúc mọi nơi. Không có nơi nào là bóng tối thì cho dù tham nhũng cũng sẽ ít thiệt hại cho Nhà nước (thay vì bị mất vài trăm, nghìn tỉ thì còn vài trăm triệu là phát hiện rồi). Và phải có cơ quan độc lập phòng chống tham nhũng mới mong bớt được tình trạng này thôi".
Cụ thể hơn, bạn đọc Pham Minh Chau bổ sung: "Tham nhũng nhiều quen tay, xui bị phát hiện chỉ rút một phần tiền ngân hàng trả là xong. Tài sản chỉ có chiếc xe đạp, còn tất cả của cha, mẹ, anh em dòng họ thì làm sao thu hồi cho đủ. Xử đúng tội, thu hồi, bồi thường phải đủ số là nhiệm vụ phải làm hết mình, nếu không sẽ khuyến khích tham quan ngày càng nhiều".
Cho rằng việc đền bù, trả lại tài sản chỉ là những bước tiếp theo, một khi vướng vào tham nhũng là phải bị xử lý hình sự, bạn đọc Nguyễn Hà viết: "Xử lý hình sự phạt tù khi tham nhũng bị phát hiện xét xử, ấy vậy mà còn chưa sợ, huống chi không phạt tù. Còn việc thu hồi tài sản, tiền bạc là trách nhiệm của các cơ quan tư pháp. Nếu anh không làm được cũng sẽ xử lý anh luôn. Nếu khắc phục trả lại tài sản, tiền vàng thì xem xét giảm nhẹ hình phạt, chứ không tha bổng".
Đồng ý với biện pháp phải phạt tù, bạn đọc Viet Hung bổ sung: "Đã tham nhũng thì phải chịu trách nhiệm hình sự tương xứng với mức độ phạm tội. Việc thu hồi tài sản tham nhũng là việc phải làm rốt ráo. Theo tôi, điều quan trọng là làm sao kiểm soát được tài sản của các quan chức để đến khi anh ta tham nhũng thì dễ dàng kê biên thu hồi. Không thể chỉ dựa vào việc tự nguyện nộp lại và không nên xem đó là tình tiết giảm nhẹ, vì tham nhũng là một loại tội phạm đặc biệt không thể dung thứ nếu muốn đất nước phát triển".
Để làm sao nạn tham nhũng không còn đất sống, bạn đọc Trần Thi viết: "Trong giai đoạn hiện nay, khi mà ý thức về sự liêm chính, liêm sỉ của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ đang xuống thấp, tôi thấy nên xử lý thật nặng. Phải làm sao để họ phải chùn tay khi bắt đầu làm chuyện sai trái. Hậu quả nặng nề hơn cái họ nhận được".
Tác giả: M.N (tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ