Trong nước

Cán bộ bất an, sợ sai không dám làm..., do đâu?

Đại biểu Quốc hội tranh luận về nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ sợ sai, bất an, không dám làm, khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng 27/10.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận). Ảnh QH

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) gợi nhớ lại, thời điểm này một năm trước, khi thảo luận về KTXH, bối cảnh đó dịch COVID-19, tuy nhiên chúng ta đã dần khống chế dịch bệnh, kinh tế xã hội phục hồi tích cực, với 14/15 chỉ tiêu đạt được.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, thực tế có nhiều khó khăn thách thức, cần được giải quyết. Theo đại biểu, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều rủi ro… lương cán bộ, công chức còn thấp, xuất hiện tình trạng nghỉ việc với hơn 39 nghìn người nghỉ việc, là những thách thức lớn cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023.

Bài học đặt ra được ông nhấn mạnh đến "yếu tố con người", bởi con người luôn là trung tâm của trung tâm. Để đạt mục tiêu đề ra, ông đề nghị quan tâm giải quyết tình trạng “bất an, sợ sai” của một bộ phận cán bộ, công chức.

“Có ý kiến nói rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”, ông Thông nói.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam)

Ngay sau đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) tranh luận với đại biểu Thông về tình trạng sợ sai, né tránh của một bộ phận cán bộ, công chức. Theo ông Hạ, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ "nếu chỉ nói vướng mắc do chính sách pháp luật là chưa đủ".

Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, qua tìm hiểu, nguyên nhân chính ở đây là do công tác thực hiện, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị.

Qua tiếp xúc cử tri, ông Hạ nêu ra các vấn đề thường gặp, trong đó có tình trạng cán bộ không có năng lực, sợ không dám làm; cán bộ có năng lực nhưng tinh thần cũng hạn chế, né tránh.

Thủ tướng Chính phủ tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội

“Đẩy mạnh tự chủ là yêu cầu cấp thiết"

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) quan tâm đến vấn đề phát triển văn hoá. Theo đại biểu, kết quả đạt được thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu, phát triển văn hoá chưa tương xứng ngang hàng với phát triển kinh tế.

Theo ông, khó khăn nguồn lực đầu tư ảnh hưởng đến phát triển văn hoá. Về cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp, ông cho rằng, còn nhiều bất cập, văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả tự chủ.

“Đẩy mạnh tự chủ là yêu cầu cấp thiết giải quyết những vướng mắc tồn tại”, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao vấn đề này.

Chất lượng nguồn nhân lực quyết định tăng năng suất lao động, tuy nhiên chất lượng dù được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, nhiều ngành nghề còn thiếu nhân lực chất lượng cao. Từ đó, ông cho rằng, cần xây dựng đề án tổng thể, nỗ lực hơn trong việc tăng năng suất lao động.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đánh giá cao những kết quả đạt được về kinh tế xã hội trong thời gian qua nhưng vẫn còn những điểm nghẽn cần giải quyết. Tiền lương cơ bản chưa được điều chỉnh, giá cả lạm phát tăng làm lương thực tế của người lao động giảm.

Về phương hướng cho năm 2023, đại biểu đề nghị cần thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 với các biến thể mới và các bệnh dịch khác nhằm đảm bảo an toàn xã hội, ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá các mặt hàng.

Bên cạnh đó, cần theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới để thực hiện một cách linh hoạt trong quá trình kết hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Công khai, minh bạch các thông tin về điều hành giá, không điều chỉnh tăng giá bất hợp lý.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP