Sau khi được Apple đưa vào iPhone X, "tai thỏ" nhanh chóng tạo cơn sốt trong năm 2018. Mục đích của phần notch này là giúp tăng diện tích hiển thị của điện thoại. Tuy nhiên, nó khiến màn hình trông thiếu tự nhiên, bị coi là "khiếm khuyết" trên thiết bị.
Do đó, nhiều nhà sản xuất bắt đầu tìm cách loại bỏ notch nhưng vẫn muốn đảm bảo màn hình tràn viền nhất có thể. Một số giải pháp đã được triển khai như dùng màn hình "đục lỗ", khoét hình viên con nhộng hay sử dụng camera ẩn trong thân máy và trồi lên khi cần. Trong số đó, giải pháp được nhiều hãng lựa chọn là camera dạng pop-up (thò thụt).
Dù còn nhiều tranh cãi, camera pop-up vẫn là giải pháp phù hợp để sản xuất điện thoại viền siêu mỏng. Ảnh: Vivo. |
Camera thò thụt manh nha xuất hiện từ triển lãm di động MWC 2018 tại Tây Ban Nha với nguyên mẫu Vivo Apex, sau trình làng với tên gọi Vivo Nex. Tiếp đó, Oppo cũng giới thiệu camera dạng trượt trên mẫu Find X thuộc dòng cao cấp. Khi mới ra mắt, giá của hai smartphone này tương đối cao, càng khó tiếp cận nhiều người dùng vốn đã e dè với cơ chế trượt lên của camera.
Phải tới 2019, hai hãng này mới tập trung hơn cho thiết kế này và bắt đầu tung ra một số mẫu điện thoại với camera thò thụt cho người dùng ở phân khúc tầm trung. Các nhà sản xuất khác như Samsung, Motorola, Xiaomi, Honor... cũng dần gia nhập cuộc chơi.
Ban đầu, thiết kế này chỉ xuất hiện trên một số phiên bản cao cấp của các hãng, nhưng những sản phẩm như OnePlus 7 Pro, Xiaomi Redmi K20, Realme X hay Oppo K3 đã giúp đưa giá của dòng điện thoại này xuống mức tầm trung, phù hợp với số đông người dùng. Trong khi đó, Samsung tiếp cận theo hướng hơn khác biệt. Camera trên Galaxy A80 không chỉ "thò thụt" mà còn có thể xoay 180 độ để đóng vai trò vừa là camera selfie vừa là camera chính phía sau máy.
Không ít người vẫn lo lại việc trang bị camera giấu kín không đảm bảo độ bền, độ chắc chắn về lâu dài. Vivo, hãng đầu tiên tung ra smartphone với camera "thò thụt" khẳng định, theo thử nghiệm của họ, ống kính này chịu được sức nặng 45 kg và có thể trượt ra trượt vào khoảng 50.000 lần. Họ thậm chí xếp tám chiếc Vivo Nex thành vòng tròn, đặt một tấm kính có trọng lượng 40 kg trên camera thò ra của điện thoại. Sau đó, diễn viên với cân nặng 50 kg múa trên tấm kính. Mỗi lần nhảy lên, cô gái có thể tạo sức ép lên đến 60 kg vào bề mặt kính.
Diễn viên múa trên tấm kính có bệ đỡ là 8 camera "thò thụt" của Vivo Nex. Ảnh: Vivo. |
Dần quen với sự hiện diện của dòng thiết bị này, người dùng không còn coi đây là những sản phẩm mang tính thử nghiệm. Giới phân tích nhận định, người tiêu dùng sẽ đón nhận điện thoại với camera pop-up nhiệt tình hơn trong năm 2020.
Có nhiều lý do cho sự đón nhận xu hướng mới này. Người dùng vốn "tham lam", họ muốn có mọi thứ trên điện thoại: màn hình lớn, viền siêu mỏng, pin "trâu", camera đa ống kính. Smartphone với màn hình gập đôi đáp ứng được những yêu cầu trên, nhưng mức giá lại quá đắt đỏ, thấp nhất là 1.500 USD của Motorola Razr trong khi Samsung Galaxy Fold hay Huawei Mate X đều trên 2.000 USD.
Lúc này, smartphone với camera giấu kín mới được lựa chọn khi vừa đảm bảo màn hình tràn viền, vừa có giá hợp túi tiền của số đông người dùng. Xét đến mức giá, điện thoại với camera pop-up rẻ nhất trên thị trường hiện nay lại thuộc về điện thoại thương hiệu Việt. Đầu tháng 1, VinSmart đã tung ra mẫu Vsmart Active 3 với giá 4,5 triệu đồng. Sản phẩm có cấu hình tương đương cùng thiết kế camera thò thụt như Oppo F11 Pro, nhưng điện thoại đến từ Trung Quốc được bán giá lên tới gần 7 triệu đồng. Active 3 cũng là điện thoại có màn hình lớn nhất của VinSmart với kích thước 6,39 inch độ phân giải màn hình Full HD+.
|
Trong năm 2019, có gần 20 mẫu điện thoại với camera dạng "thụt thò" "cập bến" thị trường Việt Nam, phủ rộng trên nhiều phân khúc. Giới phân tích nhận định, năm 2020, camera pop-up sẽ thực sự phổ biến khi những nó sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa trên cả model cao cấp lẫn tầm trung. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn cần cải tiến cơ chế pop-up để giải pháp này thực sự làm yên tâm người dùng.
Chẳng hạn, một số người vẫn lo ngại ống kính vô tình bị kích hoạt và trồi lên khi đang nằm trong túi quần, túi xách... và có thể bị xước. Việc mở camera dạng này cũng lâu hơn, dù chỉ một chút, so với camera truyền thống và gây tốn pin hơn trong khi chụp ảnh là một trong những tính năng được người dùng sử dụng nhiều nhất trong ngày. Bên cạnh đó, camera trượt cũng đồng nghĩa với việc phải hy sinh tính năng chống nước.
Về tương lai của camera pop-up, trang công nghệ TechRadar cho rằng camera trước của smarpthone cũng giống như bàn phím vật lý. Bàn phím từ chỗ chiếm phần lớn diện tích của điện thoại, sẽ dần được chuyển thành dạng bàn phím trượt, cảm ứng... và có thể biến mất trong tương lai. Một số nguồn tin cũng cho biết, Samsung đang phát triển camera ẩn. Người dùng chỉ nhìn thấy camera này khi nó được kích hoạt và tự ẩn dưới màn hình khi không hoạt động.
Tuy nhiên, công nghệ này còn quá mới mẻ và có thể chỉ được đưa vào dòng cao cấp, chứ chưa thể phổ biến ngay trong năm 2020. Chưa kể, các chuyên gia cho rằng chất lượng chụp của loại camera này trên những phiên bản đầu tiên sẽ chưa thể tốt như mong đợi do nhà sản xuất phải giải quyết những vấn đề như: làm màn hình OLED trong suốt ở điểm đặt camera, khả năng cân bằng sáng có thể bị ám vàng hay độ chi tiết bị giảm khi có lớp màn hình che phủ...
Do đó, trong khi camera ẩn dưới màn hình chưa xuất hiện và chưa hoàn thiện, camera với cơ chế "thò thụt" vẫn đang là một trong những giải pháp phù hợp để người dùng có thể sở hữu một chiếc smartphone toàn màn hình với mức giá dễ chịu.
Tác giả: Châu An
Nguồn tin: Báo VnExpress