Giáo dục

Các đại học dần mở cửa đón sinh viên

Trong khi một số trường đã cho sinh viên lên lớp học thực hành, thí nghiệm, một số trường khác lên kế hoạch mở cửa trường sau Tết Nguyên đán.

ĐH Kinh tế TP.HCM vừa thông báo về phương án tổ chức giảng dạy, học tập theo hình thức lớp học kết hợp trực tuyến và trực tiếp (Hybrid Class) áp dụng cho học kỳ đầu năm 2022. Người học tùy theo điều kiện y tế, đi lại của cá nhân để tự lựa chọn hình thức học trực tuyến hay trực tiếp.

Đây là một trong những trường đã có kế hoạch dần đón sinh viên đến lớp sau thời gian dài học online. Ngoài ra, nhiều trường khác ở cả Hà Nội và TP.HCM đã từng bước chuyển sang dạy học trực tiếp.

ĐH Bách khoa Hà Nội đã cho một bộ phận sinh viên đến trường học thực hành, thí nghiệm. Ảnh: HUST.

Cho sinh viên đến trường với biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt

Tại Hà Nội, ĐH Bách khoa bố trí lịch đến trường cho sinh viên năm cuối và năm thứ 4 từ sau ngày 25/11.

Trường triển khai dạy và học trực tiếp cho thí nghiệm, thực hành, thực tập trong trường, thể chất, nghiên cứu, mượn sách, kiểm tra, thi, bảo vệ khóa luận/đồ án/luận văn/luận án tiếp tục cho sinh viên có mặt trên địa bàn Hà Nội và bố trí mới cho sinh viên từ các tỉnh thành về Hà Nội.

Theo thông báo trường đưa ra cuối tháng 11, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục dạy, học, kiểm tra, thi trực tuyến với tất cả học phần lý thuyết, bài tập cho các khóa đến hết kỳ I năm 2021.

Trường dạy học trực tiếp cho các nội dung còn lại theo bố trí lịch linh hoạt từ Phòng Đào tạo và các đơn vị chuyên môn với nguyên tắc triển khai dứt điểm gọn cho sinh viên đang có mặt tại Hà Nội. Sinh viên năm thứ 3 và năm thứ 2 từ các tỉnh thành về Hà Nội triển khai sau ngày 15/12. Sinh viên năm thứ nhất chưa đến trường.

Sinh viên, giảng viên phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trên 2 m và khử khuẩn khi tổ chức công việc trực tiếp.

Sinh viên từ các tỉnh thành chuẩn bị về Hà Nội liên tục cập nhật tình trạng tiêm vaccine để bố trí các đợt tiêm cho đủ liều.

Trường cũng bắt buộc quét mã QR tại cổng trường, cửa nơi làm việc. Phòng an ninh, bảo vệ tăng cường giám sát chặt chẽ tại cổng các khu vực.

Ở TP.HCM, sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM có thể học lý thuyết, thi, thực hành tại các cơ sở của nhà trường từ ngày 29/11.

ĐH Công nghệ TP.HCM cho sinh viên thuộc các khoa là Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Viện Kỹ thuật, Thú y - Chăn nuôi, Truyền thông và Thiết kế học phần thực hành, thí nghiệm trực tiếp tại trường từ ngày 22/11.

Các trường như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM… cũng từng bước chuyển sang dạy học trực tiếp, bắt đầu với các học phần thực hành, thí nghiệm…

Để đảm bảo an toàn trong dịch Covid-19, các trường đều đưa ra hướng dẫn, quy định cụ thể, nghiêm ngặt về đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, quét mã QR, tiêm vaccine…

Trong khi đó, ĐH RMIT cho tất cả sinh viên đủ điều kiện đến trường học trực tiếp tại cả Hà Nội và TP.HCM, đồng thời dạy trực tuyến cho những em chưa thể quay lại trường.

Trường cũng trường đưa ra các yêu cầu cùng biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt đối với người học và cán bộ giảng viên (khai báo y tế trực tuyến hàng ngày, xuất trình thư xác nhận thẻ xanh, đo thân nhiệt, quét mã QR để vào trường).

Trao đổi với Zing, GS Rick Bennett, Giám đốc cấp cao phụ trách đào tạo và sinh viên đại học RMIT, cho biết gần 90% sinh viên trong học kỳ này đã tiêm chủng đầy đủ hoặc từng mắc Covid-19 đã bày tỏ mong muốn quay trở lại học trực tiếp.

Bên cạnh đó, tất cả cán bộ giảng viên và sinh viên trường đã tiêm chủng đầy đủ hoặc đã phục hồi hoàn toàn khỏi Covid-19 mới có thể quay trở lại trường. Quy định này nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả sinh viên và cán bộ giảng viên trường, nhất là những sinh viên chưa được tiêm vaccine đầy đủ.

Nhà trường đã tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn và biện pháp an toàn, lên kế hoạch cho sinh viên quay trở lại trường trong khi cam kết bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của các em và cộng đồng.

ĐH Nông Lâm TP.HCM đã chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón sinh viên trở lại nhưng thời điểm còn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh. Ảnh: HCMUAF.

Đã có kế hoạch đón sinh viên trở lại trường

Bên cạnh đó, nhiều trường khác cũng đã có kế hoạch cho sinh viên chuyển sang học trực tiếp vào học kỳ sau.

Cụ thể, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, thông báo các khoa, bộ môn tiếp tục triển khai đào tạo trực tuyến đối với sinh viên năm 2, 3, 4 từ đầu học kỳ II năm học 2021-2022 đến ngày 22/1/2022.

Sinh viên năm nhất bắt đầu học phần Giáo dục Quốc phòng và An ninh từ ngày 7/2/2022, hình thức học theo thông báo của trung tâm. Sau khi kết thúc học phần này, các em sẽ học trực tiếp tại trường từ ngày 21/3/2022.

Sinh viên năm 2 và năm 3 đến trường từ ngày 28/2/2022 trong khi sinh viên năm 4 chuyển sang học trực tiếp từ ngày 14/2/2022.

Tại ĐH Nông Lâm TP.HCM, trường tiếp tục triển khai công tác dạy học trực tuyến cho sinh viên bậc đại học đối với các học phần lý thuyết theo kế hoạch đào tạo cả học kỳ I năm học 2021-2022.

Trường dự kiến sớm tổ chức giảng dạy, học tập trực tiếp đối với các học phần thực hành, thực tập, thí nghiệm cho sinh viên bậc đại học trong học kỳ II năm học 2020-2021 và học kỳ I năm học 2021-2022 theo hướng dẫn của cơ quan y tế và đảm bảo đủ điều kiện phòng, chống dịch theo quy định của UBND TP.HCM.

Đối với các học phần thực tập, thí nghiệm, thực hành tại trường, sinh viên đủ điều kiện chủ động đăng ký tham gia học trực tiếp. Những em chưa đủ điều kiện đến trường được lùi lịch học các học phần này.

TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho hay trường đã lên kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón sinh viên trở lại. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện còn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh chung tại TP.HCM.

Căn cứ thực tế, trường có thể cho người học đến trường đồng loạt hoặc dần chuyển sang học trực tiếp theo nguyên tắc ưu tiên sinh viên năm cuối có nguy cơ quá hạn tốt nghiệp, tạo điều kiện để các em lo chuẩn đầu ra, thực hành, thực tập, làm khóa luận tốt nghiệp nhằm ra trường đúng thời điểm.

Ông Lý thông tin thêm trường đã tiến hành khảo sát trong sinh viên về tình hình tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng như nhu cầu học tập của các em, hạn cuối là ngày 18/12.

Kết quả tính đến ngày 16/12 cho thấy 92% sinh viên tham gia khảo sát đã tiêm đủ 2 mũi, 7% được tiêm mũi 1 và 1% chưa được tiêm mũi nào. Ngoài ra, 82 sinh viên (khoảng 1%) từng mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh.

Ngày 17/12, ĐH Ngân hàng TP.HCM thông báo khảo sát tình hình sinh viên đã tiêm vaccine phòng Covid-19. Dữ liệu thống kê này sẽ là một trong những căn cứ để trường xây dựng kế hoạch tổ chức học tập trong thời gian tới.

Tác giả: Nguyễn Sương

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP