Đã có không ít lần người dân địa phương kiến nghị các cấp có thẩm quyền vào cuộc, ngăn chặn tình trạng các CCN trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Nghệ An xả thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng thực trạng này hiện nay vẫn đang loay hoay xử lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, nơi được xem là “thủ phủ” của đá trắng của Nghệ An có 9 CCN với hơn 100 cơ sở sản xuất lớn nhỏ đang hoạt động chế biến, cưa xẻ, chế tác các loại đá tự nhiên.
Đáng quan tâm là các CCN này chưa được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định của pháp luật về môi trường. Ở các CCN như Châu Quang, Châu Lộc, Châu Hồng, Thọ Sơn 1, Thọ Sơn 2, Thung Khuộc, Đồng Cạn, Đồng Hợp, Đồng Lèn gần chưa hề có hệ thống thu gom nước thải sản xuất tập trung để xử lý mà theo lối “mạnh ai, người đó xả”.
Tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường từ nhiều cơ sở sản xuất, chế biến khoáng sản hoạt động trong các CCN trên địa bàn Quỳ Hợp lâu nay vẫn chưa được kiểm soát |
Vì vậy, nguy cơ “bức tử” môi trường sống bao năm nay đang là nỗi ám ảnh của người dân địa phương khi họ đang phải hàng ngày sống chung với nguồn nước thải chưa qua xử lý từ các CCN phát tán ra ngoài.
Đơn cử, tại CCN Thung Khuộc nằm trên địa bàn thị trấn Quỳ Hợp, nơi tập trung cơ quan hành chính, dân cư đông đốc…được xây dựng từ năm 2005 với gần 30 cơ sở sản xuất, chế biến đá tự nhiên nhưng đến nay vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu so với quy định đặt ra. Có chăng chỉ là hệ thống kênh mương sơ sài rồi xả thẳng ra môi trường.
“Lo mua bò về trước, sau đó mới lo làm chuồng”, là câu chuyện mà người dân địa phương khi được hỏi về tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến khoáng sản tại các CCN trên địa bàn huyện Quỳ Hợp hiện nay.
Tình trạng các CCN không có hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung diễn ra lâu nay khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng |
Bởi ngay như ông Lang Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp cũng cho rằng, vấn đề xử lý, kiểm soát môi trường hiện nay chính quyền cũng đang phải chạy theo quá trình hoạt động của các CCN.
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp thừa nhận rằng, lâu nay tình trạng các doanh nghiệp về địa phương xây dựng nhà xưởng chế biến nhưng chính quyền lại phải chạy theo quy hoạch cho họ.
Từ vấn đề này không chỉ nảy sinh tình trạng quy hoạch theo kiểu chắp vá, manh mún mà việc đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải tập trung cũng không được quan tâm.
Bởi ngay như trên địa bàn xã Thọ Hợp hiện nay đang tồn tại 02 CCN đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết từ năm 2015 với 34 doanh nghiệp đang đầu tư máy móc hoạt động nhưng lại không hề có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định.
Chính vì vậy, bức tranh ô nhiễm luôn hiện hữu tại các CCN ở huyện Quỳ Hợp tồn tại lâu nay nhưng cách xử lý của cơ quan có thẩm quyền lại theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Thảm cảnh ô nhiễm do các CCN tại huyện Quỳ Hợp gây ra vẫn đang đua nhau “bức tử” môi trường sống ở đây.
Các cống nước thải lộ thiên vô tư chảy thẳng ra sông Dinh |
Theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An thì từ năm 2018-2020, đơn vị này đã ban hành 14 văn bản chỉ đạo về việc đảm bảo môi trường ở từng địa phương nơi có các CCN đang hoạt động.
Tuy nhiên, chỉ đạo là vậy nhưng giải pháp xử lý triệt để tình trạng các CCN xả thải trực tiếp ra môi trường thì các cấp, ngành ở Nghệ An đang loay hoay giải quyết vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tâm lý phát triển “nóng” các CCN mà không quan tâm đến hạng mục xử lý môi trường, cơ chế quản lý, giám sát lỏng lẻo… đang là nguyên nhân tác động trực tiếp đến những hệ lụy về môi trường nêu trên ở các CCN của huyện Quỳ Hợp mà người dân địa phương đang phải đánh đổi sức khỏe, sinh mạng của mình.
Tác giả: NGỌC THÁI
Nguồn tin: enternews.vn