52 năm mỏi mòn…
Một ngày giữa tháng Bảy, Nghĩa trang quốc tế Việt – Lào đón một người con của quê hương Anh Sơn – liệt sỹ Lê Minh Hoài (1945 - 1967) ở xã Hoa Sơn. Tính đến nay đã 56 năm người lính ấy từ biệt gia đình, lên đường chiến đấu và 52 năm kể từ ngày anh ngã xuống bởi bom đạn của kẻ thù, nay anh mới trở về quê hương.
Vợ và những người em, họ hàng và con cháu gần xa không dấu được niềm xúc động, dẫu lúc anh ra đi các em còn rất bé, thế hệ con cháu chưa một lần gặp mặt. Sợi dây tình cảm đã gắn kết giữa người sống và người đã khuất, để rồi những giọt nước mắt không ngừng tuôn rơi…
Nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt Lào những ngày tháng 7. Ảnh tư liệu |
Ôm lấy tấm bia mộ, bà Nguyễn Thị Tứ (80 tuổi) nức nở: “Anh ơi! Anh về nhà có một đêm rồi anh đi, sao cuộc đời cay nghiệt đến thế?”. Rồi bà kể trong nước mắt: “Tôi và anh Hoài cưới nhau năm 1963, được 1 tuần thì anh ấy lên đường nhập ngũ. Ngày anh lên đường, tôi tiễn chân ra bến sông, con thuyền chở anh xuôi theo dòng sông Lam, chờ khi khuất hẳn mới trở về. Không ngờ anh lại ra đi mãi mãi…”.
Chồng ra chiến trường, bà Tứ ở nhà chăm lo sản xuất, phụng dưỡng bố mẹ và chăm sóc các em trong gia đình nhà chồng, mấy năm đằng đẵng không nhận được một dòng tin tức. Và rồi, 4 năm sau, khi đang làm đồng, có người chạy ra báo anh Hoài đã hy sinh, người vợ trẻ ngã quỵ bên ruộng lúa… Chồng hy sinh, bà Tứ tiếp tục ở lại gia đình nhà chồng phụng dưỡng bố mẹ và chăm sóc các em. Ba năm sau, bà xin bố mẹ chồng trở về nhà bố mẹ đẻ ở xã Đức Sơn, về sau sinh được một người con trai, nay có chỗ để nương tựa lúc chiều tà xế bóng.
Bà Nguyễn Thị Tứ (vợ liệt sỹ Lê Minh Hoài) bên mộ chồng. Ảnh: Công Kiên |
Cố nén niềm xúc động, bà Lê Thị Lực (62 tuổi) – em gái liệt sỹ Lê Minh Hoài kể lại, gia đình có 5 chị em. Liệt sỹ Hoài là con thứ hai, bà là em gái út. Năm anh Hoài hy sinh, bà mới hơn 10 tuổi nhưng đã cảm nhận được nỗi đau thương, mất mát khi chứng kiến sự suy sụp của các bậc sinh thành và người chị dâu. Năm ấy, bà chỉ nhớ mọi người nói rằng anh trai hy sinh ở Vĩnh Phúc trong khi chiến đấu bảo vệ sân bay Nội Bài và vùng trời Hà Nội. Qua thời gian, bố mẹ lần lượt qua đời, cuộc sống mưu sinh với bao khó khăn, vất vả nên dù thương nhớ người anh trai, bà Lực và các anh đành tạm gác lại ý định đi tìm và đưa mộ anh Hoài về quê.
Bộ đội Trường Sơn thời kỳ chống Mỹ. Ảnh tư liệu |
Đến khi gánh nắng mưu sinh nhẹ dần, những người em quyết định tìm mộ anh trai thì giấy báo tử đã thất lạc, nhiều loại giấy tờ liên quan cũng không còn, công việc gần như bế tắc, trong khi tuổi tác đã về già. Bao đêm trằn trọc không ngủ, hình bóng anh trai hiện về chập chờn trong những giấc mơ khiến bà Lực càng thêm quyết tâm tìm kiếm, cho dù khó như “mò kim đáy bể”. Với nguồn thông tin ít ỏi, bà Lực cùng chồng là ông Lê Văn Lý đã đi “gõ cửa” khắp các cơ quan chính sách từ cấp xã đến Trung ương, không thể nhớ bao nhiêu lần đón xe khách xuống Vinh, ra Hà Nội.
Liệt sỹ Lê Minh Hoài được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt Lào (Anh Sơn). Ảnh: Công Kiên |
Chưa kể, hồ sơ có sự nhầm lẫn về tên và quê quán, phải xác minh qua nhiều lần và xét nghiệm AND, cuối cùng nhờ có thêm sự kết nối của những người đồng đội của liệt sỹ Lê Minh Hoài, gia đình đã tìm thấy mộ anh ở nghĩa trang xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). “Tìm và đưa được anh Hoài về quê, đại gia đình chúng tôi ai cũng thỏa nguyện ước mong…”, bà Lực tâm sự.
Trở về sau nửa thế kỷ
Cận kề kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7), các thành viên gia đình ông Lê Văn Thỉnh (SN 1950) ở xóm Vạn Tràng, xã Long Thành (Yên Thành) sắp xếp vào tỉnh Bình Định đưa hài cốt anh trai – liệt sỹ Lê Tuấn Anh (1944 - 1969) trở về quê hương. Ông Thỉnh là em kề sau của liệt sỹ Lê Tuấn Anh, hai người chỉ cách nhau 1 tuổi, thuở nhỏ luôn đi theo nhau ra đồng chăn trâu, mót lúa và cùng cắp sách đến trường. Chiến tranh vào hồi ác liệt, anh trai vào chiến trường miền Nam, ít lâu sau ông Thỉnh cũng nhập ngũ và vượt vĩ tuyến 17 vào miền Nam chiến đấu, hai anh em bặt tin nhau từ đó. Ngày trở về, sau nỗi mừng vui, trái tim người em bỗng đau nhói khi hay tin anh trai đã nằm lại ở chiến trường.
Liệt sỹ Lê Tuấn Anh trở về quê hương, đất Mẹ. Ảnh: Công Kiên |
Con cái dần khôn lớn, ông Lê Văn Thỉnh và các con bắt đầu công việc tìm mộ anh trai. Ngặt nỗi, giấy báo tử chỉ ghi là hy sinh và an táng tại mặt trận phía Nam, ngoài ra không có một thông tin gì cụ thể, trong khi mặt trận phía Nam quá rộng lớn, bao la. Chỉ còn cách là tìm gặp, dò hỏi những người đồng đội cũ, nhưng rồi cũng chẳng ai cung cấp được thông tin về địa điểm hy sinh và chôn cất. Nhờ bạn bè, người quen ở miền Nam dò tìm cũng không có người nguồn tin nào giá trị; mấy lần cất công vào các nghĩa trang lớn cũng không thấy tấm bia nào khắc tên và quê quán của anh. Có lúc ông Thỉnh cảm thấy càng kiếm tìm càng trở nên vô vọng.
Gần đây, nhờ một người cùng xã chuyên tìm kiếm thông tin liệt sỹ qua mạng Internet, gia đình ông Lê Văn Thỉnh rất bất ngờ khi biết tin liệt sỹ Lê Tuấn Anh đang yên nghỉ tại một nghĩa trang ở Bình Định. Ông và con cháu quyết định hoàn tất các thủ tục để kịp vào Bình Định đưa anh trai về quê an táng trước ngày 27/7 năm nay. “Suốt chặng đường vào Bình Định, rồi từ đó trở về quê, tôi không cầm được nước mắt. Thương anh lắm, ra đi để rồi hơn 50 năm sau mới trở về với một ít hài cốt…” - ông Thỉnh trải lòng.
Vậy là, tháng Bảy này có thêm những người con của Nghệ An hy sinh ở các chiến trường khác nhau được trở về với đất Mẹ trong niềm rưng rưng xúc động của gia đình...
Tác giả: Công Kiên
Nguồn tin: Báo Nghệ An