Kinh tế

Bóc loạt bất cập, kiểm toán đề nghị Đắk Lắk xử lý tài chính hơn 729 tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước phát hiện Đắk Lắk có 646 trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp/cổ phần tại các doanh nghiệp, nhưng Cục Thuế chưa phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư... để quản lý nguồn thu.

Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa ban hành Báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 của tỉnh Đắk Lắk.

Qua loạt bất cập được phát hiện, KTNN đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk xử lý tài chính hơn 729 tỷ đồng và chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Cụ thể, qua kiểm toán, KTNN phát hiện trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 646 trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp/cổ phần tại các doanh nghiệp, nhưng Cục Thuế chưa phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan để quản lý nguồn thu.

Chi cục Thuế khu vực Ea HTeo - Krông Búk, huyện Ea HTeo chưa thông báo và tổng hợp đầy đủ số liệu nợ vào báo cáo nợ số tiền 266,8 triệu đồng theo Thông báo số 929 của Cục Thuế về việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2021 của Công ty TNHH một thành viên Văn Chương.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý tài chính hơn 729 tỷ đồng tại tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: Mạnh Quân)

Trong chi đầu tư phát triển, cơ quan kiểm toán cho biết tỉnh đã bố trí vốn nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho các dự án đầu tư công đã được xác định rõ nguồn vốn, thời gian cấp vốn từ những năm trước là chưa phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) số tiền 69 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh còn bố trí số tiền gần 68 tỷ đồng cho 4 dự án có thời gian hoàn thành trong năm 2022, không đảm bảo theo yêu cầu đưa dự án vào hoạt động ngay trong năm 2021.

Ngoài ra, HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư của 6 dự án khi chưa đảm bảo khả năng cân đối vốn theo quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019 số tiền 896,7 tỷ đồng.

Tại dự án Kho lưu trữ chuyên dụng tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh đề nghị và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương số tiền 40 tỷ đồng đồng, ngân sách tỉnh bố trí số tiền hơn 27 tỷ đồng để thực hiện dự án nhưng ngân sách tỉnh không bố trí vốn dẫn đến dự án phải điều chỉnh Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Do vậy, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, dự án không được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng do việc đầu tư không đảm bảo tính đồng bộ.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương 1 dự án chưa đúng thẩm quyền theo quy định tại Luật Đầu tư công năm 2014 (thẩm quyền thuộc HĐND tỉnh). Cấp huyện phê duyệt 5 dự án chưa đúng thẩm quyền theo quy định tại Luật Đầu tư công năm 2014 và Luật Đầu tư công năm 2019.

Trong công tác chi thường xuyên, KTNN phát hiện ngân sách cấp tỉnh trích lập dự phòng ngân sách từ nguồn thu tiền sử dụng đất 33 tỷ đồng và 2 huyện bố trí tiền sử dụng đất cho các nhiệm vụ quy hoạch, trả nợ duy tu, sửa chữa công trình 27,94 tỷ đồng.

KTNN xác định nguồn cải cách tiền lương năm 2021 của tỉnh Đắk Lắk tăng 150 tỷ đồng so với số liệu địa phương báo cáo Bộ Tài chính. Việc phân bổ nguồn tiết kiệm chi năm 2020 số tiền hơn 47 tỷ đồng cho chi thường xuyên cũng chưa phù hợp với quy định của Luật NSNN.

Đáng chú ý, theo cơ quan kiểm toán, tại tỉnh Đắk Lắk còn một số khoản tạm ứng ngân sách đã quá thời gian quy định nhưng chưa bố trí hoàn ứng số tiền hơn 188 tỷ đồng.

Các huyện thuộc tỉnh không giao dự toán mà thực hiện tạm ứng đối với các nhiệm vụ chi thường xuyên không đúng quy định của Luật NSNN số tiền hơn 4,3 tỷ đồng. Thậm chí, kinh phí ứng trước nhiều năm đã quá hạn nhưng ngân sách các cấp của tỉnh chưa bố trí vốn để thu hồi 340 tỷ đồng.

Báo cáo kiểm toán cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế trong công tác lập, phân bổ, giao dự toán NSNN.

Ngân sách các cấp bổ sung có mục tiêu cho cấp dưới thực hiện một số nhiệm vụ chi thường xuyên số tiền hơn 175 tỷ đồng, chưa đảm bảo phân cấp nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách theo Luật NSNN, Nghị quyết số 07/2016/NQ-HĐND, đồng thời, không thuộc trường hợp bổ sung có mục tiêu theo quy định tại Luật NSNN.

Đáng lưu ý, KTNN phát hiện các đơn vị thực hiện chi khi chưa có nguồn tài chính, dự toán chi ngân sách, làm phát sinh nợ chi thường xuyên không đúng quy định tại khoản 4 Điều 8 Luật NSNN số tiền hơn 19 tỷ đồng.

Tổng số tiền được kiến nghị để xử lý tài chính 729 tỷ đồng, bao gồm: Tăng thu NSNN hơn 3 tỷ đồng; thu hồi và giảm chi NSNN 716 tỷ đồng; giảm lỗ 10,1 tỷ đồng; xử lý khác 13,7 tỷ đồng.

KTNN cũng đề nghị UBND tỉnh thực hiện và chỉ đạo các đơn vị có liên quan chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Ngoài ra, cơ quan kiểm toán cũng đề nghị tỉnh này chỉ đạo các đơn vị có liên quan xác định rõ trách nhiệm của tập thể, rút kinh nghiệm trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư không đúng thẩm quyền…

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP