Bác sĩ Hoàng Công Lương |
Trước đó, ngày 30/01/2019, Hội đồng xét xử sơ thẩm (HĐXX) - Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã tuyên án (Bản án số 08/2019/HSST) đối với Vụ án "Vô ý làm chết người" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến sự cố y khoa làm 08 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Theo đó, HĐXX đã tuyên xử phạt: Bị cáo Hoàng Công Lương - Nguyên Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - BVĐK tỉnh Hòa Bình 42 tháng tù; Bị cáo Hoàng Đình Khiếu - Nguyên Phó Giám đốc - BVĐK tỉnh Hòa Bình 36 tháng tù; Bị cáo Trương Quý Dương - Nguyên Giám đốc - BVĐK tỉnh Hòa Bình 30 tháng tù; Bị cáo Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn 30 tháng tù..
Được biết ngày 13/5/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình sẽ xét xử phúc thẩm vụ án trên (Quyết định số 23/2014/QĐXXPT-HS ngày 26/4/2019).
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ cho các bác sĩ, nhân viên y tế của BVĐK tỉnh Hòa Bình trong vụ án này mà còn cho cả ngành y tế trong hiện tại và tương lai, trước khi phiên tòa phúc thẩm được xét xử, Bộ Y tế cho rằng việc định tội danh và tuyên phạt trong phiên xét xử sơ thẩm đối với một số bị cáo còn thiếu khách quan và chưa bảo đảm khoa học pháp lý.
Để xác định chính xác tội danh "Vô ý làm chết người" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" cần phải được xem xét, đánh giá dưới góc độ khoa học pháp lý về chủ thể, khách thể, chủ quan, khách quan và các chứng cứ luận tội.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Hòa Bình đã 03 lần thay đổi tội danh đối với bị cáo Hoàng Công Lương, từ: "Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác", "Tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" cho đến "Tội Vô ý làm chết người" cho thấy Cơ quan này khá lúng túng trong việc xác định tội danh do không đủ cơ sở để buộc tội. Ngay cả việc Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình tuyên xử phạt bị cáo Hoàng Công Lương về tội "Vô ý làm chết" cũng chưa phù hợp.
"Vô ý làm chết người" là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình tác động vào cơ thể nạn nhân có khả năng gây ra chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi tác động vào cơ thể nạn nhân của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra (Vô ý ở đây là vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả).
Về chủ thể: Chủ thể của tội danh này trong quan hệ pháp luật là chủ thể thường như lái xe vô ý gây chết người hay người vô tình đẩy ngã, bắn nhầm, cho ăn gây chết người... nhưng ở Vụ án này, bị cáo Lương là bác sĩ - là chủ thể đặc thù nên hành vi của Lương khi ra y lệnh là hành vi cụ thể trong hoạt động nghề nghiệp, trong hoạt động chuyên môn kỹ thuật. Do đó, xác định chủ thể tội danh này đối với bác sỹ Lương là không thuyết phục.
Về khách thể: Người phạm tội vô ý làm chết người cũng có những hành động tương tự hành vi của tội giết người, chỉ khác ở chỗ thái độ tâm lý của người phạm tội đối với cái chết của nạn nhân là không mong muốn, không bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra nên nếu không có sự tác động đến thân thể nạn nhân thì không phải là hành vi khách quan của tội danh này. Do đó, Bản án cho rằng bị cáo Lương "Ký đề xuất sửa chữa nhưng chưa nhận lại bàn giao hoặc chưa hỏi người có trách nhiệm sửa chữa hay có thẩm quyền để biết nước chạy thận đã an toàn mà đã ra y lệnh chạy thận cho bệnh nhân dẫn đến hậu quả. Xác định lỗi vô ý do cẩu thả" là chưa phù hợp với hành vi khách quan của của tội danh này vì lỗi này là lỗi hành chính, không tác động trực tiếp lên cái chết của nạn nhân.
Từ các phân tích trên cho thấy, việc xác định bị cáo Lương phạm tội "Vô ý làm chết người" là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về chủ thể, khách quan.
Ảnh hưởng tới nhân viên y tế
Ngoài ra, theo Bộ Y tế, hậu quả của vụ án này đối với ngành y tế, với đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế trong cả nước.
Việc tuyên án như bản án sơ thẩm sẽ gây ra tâm lý bất an cho toàn thể thấy thuốc, nhân viên y tế trong cả nước, những người đang hàng ngày trực tiếp cứu chữa, điều trị, chăm sóc bệnh nhân vì lý do an toàn nghề nghiệp của họ.
Từ đây, bất kỳ sự cố y khoa nào xảy ra dẫn đến tử vong của bệnh nhân thì không trừ ai, thầy thuốc, nhân viên y tế nào trực tiếp tham gia công tác cứu chữa, điều trị, chăm sóc người bệnh đến người bệnh (như bị cáo Lương) hay người làm công tác quản lý, điều hành phụ trách chuyên môn y tế của cơ sở y tế (như bị cáo Dương, bị cáo Khiếu) hay những người gián tiếp cung cấp dịch vụ có liên quan đến công tác y tế thông qua việc thực hiện công tác xã hội hóa trong cơ sở y tế.
Theo đại diện Bộ Y tế phiên tòa phúc thẩm vẫn tuyên bị cáo Lương tội danh "Vô ý làm chết người" sẽ tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm trong ngành y tế vì ai cũng có thể bị điều tra, truy tố xét xử với tội danh này mà bỏ qua việc truy tố các tội danh đặc trưng cho ngành y tế là "Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" hay "Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính".
Từ đây, các thầy thuốc, nhân viên y tế để thủ thân, an toàn cho mình sẽ bám vào thủ tục hành chính, bám vào quy trình nhiều hơn, mất rất nhiều thời gian cho các công việc ngoài chuyên môn thay vì cho sự xả thân có tính mạo hiểm của nghề nghiệp để tận tâm chữa bệnh.
Tác giả: Khánh Chi
Nguồn tin: Báo Infonet