Phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2018 |
Ngày 4/9, Uỷ ban Tư pháp họp phiên toàn thể thẩm tra báo cáo của Chính phủ về phòng chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật năm 2018.
Trình bày nội dung thẩm tra báo cáo công tác phòng chống tội phạm của Bộ Công an, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha nhận định, có một số tội phạm xảy ra ngay trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm, có sự tiếp tay hoặc tham gia của một số sĩ quan cấp cao trong lực lượng công an.
Bên cạnh đó, một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo nhóm lợi ích hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ để tạo các tổ chức bình phong nhằm tạo ảnh hưởng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước, ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý nhà nước tại địa phương, sự lành mạnh trong môi trường kinh doanh. Đáng chú ý, có một số vụ việc liên quan đến một số sĩ quan công an, quân đội đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới bị phát hiện, xử lý.
Về nguyên nhân, cơ quan thẩm tra cho rằng, công tác quản lý cán bộ trong lực lượng chức năng nói chung và lực lượng phòng, chống tội phạm nói riêng vẫn còn sơ hở. Đặc biệt, tổ chức bộ máy có nhiều điểm chưa hợp lý, dẫn đến một số cán bộ, sĩ quan lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Uỷ ban Tư pháp trong báo cáo thẩm tra của mình cũng đề cập đến tình trạng mua bán, chuyển nhượng tài sản công, nhất là đất đai với giá rẻ cho tư nhân không thông qua bán đấu giá, không đúng thẩm quyền xảy ra tại một số địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố lớn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát lớn cho tài sản, đất đai của nhà nước.
Liên quan đến giáo dục, tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018, một số đối tượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để làm sai lệch kết quả thi tại tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình gây bất bình trong xã hội, làm mất lòng tin của người dân, nhất là giới trẻ, vào sự công bằng, nghiêm minh, khách quan...
Việc này được nhận định do quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia có nhiều sơ hở dẫn đến một số đối tượng lợi dụng để can thiệp, sửa điểm thi.
Trong lĩnh vực xã hội, cơ quan thẩm tra lưu ý hiện tượng đánh bạc và tổ chức đánh bạc diễn ra rất công khai trên mạng viễn thông, internet, lôi kéo nhiều người tham gia, lợi dụng mạng viễn thông, internet, mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các thủ đoạn như giả mạo người có thẩm quyền của cơ quan chức năng, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền; lừa đảo bằng cách thông báo trúng thưởng qua mạng xã hội; kinh doanh đa cấp... vẫn diễn ra tràn lan nhưng chưa được ngăn chặn.
Thẩm tra báo cáo của VKSND Tối cao, Uỷ ban Tư pháp đánh giá VKS đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; truy tố và đề nghị đưa ra xét xử đúng tiến độ, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, điển hình là các vụ Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Phan Văn Anh Vũ…
Về mặt hạn chế, theo Uỷ ban Tư pháp, số tố giác, tin báo về tội phạm quá thời hạn giải quyết là gần 3.000 tin. Đây là hạn chế đã kéo dài qua nhiều năm (năm 2017 quá hạn 596 tin; năm 2016 quá hạn 1.006 tin), tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm.
Đặc biệt, theo phản ánh của cử tri, nhiều tố giác, tin báo về xâm hại tình dục trẻ em chưa được quan tâm xử lý rốt ráo, kịp thời , ảnh hưởng nghiêm trọng tới các trẻ em là nạn nhân của loại tội phạm này, gây bất bình trong dư luận.
Vì thế, Uỷ ban Tư pháp đề nghị VKSND tối cao có biện pháp khắc phục triệt để hạn chế nêu trên nhằm chống việc bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng. Đặc biệt, trước thực trạng xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng diễn biến nghiêm trọng, phức tạp như hiện nay, đề nghị VKSND tối cao chỉ đạo kiểm sát chặt chẽ, bảo đảm 100% tố giác, tin báo về loại tội phạm này được xử lý kịp thời, đúng pháp luật.
Tác giả: Hoài Vũ
Nguồn tin: Báo Giao thông