Giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025

Sáng 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các Trường Đại học. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Chính phủ và kết nối trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành phố Trung ương; các chuyên gia, đại diện các cơ sở giáo dục.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT cùng chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số Sở, ngành liên quan; lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Các đồng chí chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: Báo GD&TĐ)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ đạo và định hướng quan trọng là “học thật, thi thật, nhân tài thật”, phương châm “nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh sinh là trung tâm”; cùng sự phối hợp hiệu quả của các Ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương; sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp nhân dân, phụ huynh học sinh; đặc biệt với sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên, học viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2023 - 2024, trong đó có nhiều kết quả tốt đẹp, tích cực, có tác động gia tăng niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội.

Năm học 2023 – 2024 cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra

Năm học 2023 - 2024, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành Giáo dục đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra.

Ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từng bước tháo gỡ các nút thắt, những vướng mắc từ thực tiễn đặt ra; Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển giáo dục và đào tạo; các Sở GD&ĐT Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố ban hành các chính sách phát triển GD&ĐT tại địa phương để kịp thời triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ GD&ĐT trong lĩnh vực giáo dục.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục trên phạm vi cả nước. Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Khó khăn, vướng mắc trong việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới đã cơ bản được tháo gỡ. Học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng; hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến. Các cơ sở giáo dục phổ thông ngày càng phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình; việc tổ chức quản lý đã dần chuyển theo hướng quản trị nhà trường.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định. Kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học năm học 2023 - 2024 cấp quốc gia, quốc tế và các Kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực tiếp tục đạt kết quả cao. Thành tích xuất sắc của các đội tuyển tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông, đồng thời hướng đi đúng đắn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng tập huấn học sinh giỏi.

Bộ đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung 27.826 biên chế giáo viên năm học 2023 - 2024; các địa phương tích cực tuyển dụng biên chế giáo viên được giao; theo đó, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Các địa phương thực hiện rà soát, dồn dịch điểm trường lẻ, sáp nhập trường có quy mô nhỏ để tập trung đầu tư, bảo đảm điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục mầm non, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018...

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành: Điện Biên, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo các cơ sở giáo dục, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đã làm được của các địa phương, đơn vị; đồng thời tham gia đóng góp các giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025 và các nhiệm vụ trọng trách của ngành Giáo dục được Đảng và Nhà nước giao phó. Trong đó, một số ý kiến đề nghị không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn, không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập và bố trí đủ giáo viên hưởng lương từ ngân sách theo định mức đối với các tỉnh này. Giao tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật và giáo viên tiểu học cho các cơ sở đào tạo giáo viên để đáp ứng nhu cầu nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương...

Chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới 2024-2025

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, chúc mừng và biểu dương những kết quả quan trọng Ngành giáo dục đạt được trong năm học 2023-2024, đóng góp chung vào thành quả mà đất nước đạt được trong thời gian qua.

Điểm lại những kết quả nổi bật, lưu ý một số tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục, phân tích bối cảnh, tình hình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành GD&ĐT, các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2024-2025.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới như: Trang thiết bị, cơ sở vật chất, sách giáo khoa; đảm bảo môi trường, vệ sinh, an toàn, an ninh cho thầy cô và các em học sinh; tổ chức tốt Lễ khai giảng năm học mới, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, phấn khởi, đặc biệt nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tổ chức triển khai Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện kịp thời thể chế, chính sách về đổi mới giáo dục đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo.

Tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu phát triển toàn diện chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu đề ra trong giai đoạn mới, kịp thời báo cáo Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức Kỳ thi chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh.

Cùng với đó, đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đại học theo hướng thực chất, chiều sâu, gắn với trách nhiệm, giải trình, công khai minh bạch. Tập trung tổ chức triển khai có hiệu quả các đề án, dự án liên quan tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn...

Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục đào tạo đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hơn nữa hợp tác công tư trong phát triển giáo dục đào tạo. Đẩy mạnh phát triển giáo dục phi lợi nhuận bậc đại học...

Rà soát, xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên cho phù hợp với các ngành, nghề khác và phù hợp với tình hình; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở các cơ sở giáo dục, đảm bảo nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên nhưng phải hài hòa, hợp lý, hiệu quả.

Tiếp tục thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới giáo dục, trong đó lưu ý đến việc sử dụng quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số, dịch chuyển cơ cấu lao động...

Tác giả: PQ

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP