Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí Tỉnh ủy viên: Bùi Đình Long –Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Văn Thành –Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An |
Hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022
Năm học 2021-2022, dịch COVID -19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương. Bộ GD& ĐT đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các nghị định, đề án, kế hoạch về phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó đã phân công trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong triển khai thực hiện. Qua đó, đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 được tổ chức thành công đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Kết quả phân tích phổ điểm cho thấy đề thi có sự phân hóa phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, với 37/39 thí sinh đạt giải, trong đó có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối.
Chất lượng giáo dục đại học có những cải thiện rõ rệt, năm 2021 cả nước có 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng GDĐH giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số lượng các sản phẩm công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học gia tăng nhanh chóng. Văn hóa kiểm định gắn với chất lượng đào tạo đã bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học.
Toàn ngành đã tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, trên truyền hình và kiểm tra, đánh giá trong bối cảnh dịch COVID-19….
Ngành Giáo dục và Đào tạo xác định chủ đề năm học 2022-2023 là: “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”.
Năm học 2021 -2022, Nghệ An giữ vững vị trí tốp 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về học sinh giỏi
Đ/c Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong năm học 2021 -2022, tỉnh Nghệ An đã ban hành các Nghị quyết, triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ giáo dục Nghệ An phát triển đột phá trong giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, tỉnh đã thí điểm thành công mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục góp phần phát triển bền vững; giữ vững vị trí tốp 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về học sinh giỏi…
Ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã đột phá xây dựng và triển khai hiệu quả các mô hình nâng cao chất lượng giáo dục: Mô hình phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non; Mô hình trường trọng điểm chất lượng cao, trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; Mô hình trường giúp trường, phòng giúp phòng…
Ngành đã tổ chức sắp xếp, dồn dịch điểm trường đảm bảo thực hiện dạy học tin học, ngoại ngữ cho học sinh tiểu học. Chỉ đạo hoàn thành biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương và thực hiện quy trình chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10, theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; dạy học chương trình tăng cường ngoại ngữ, tin học, Giáo dục STEM; Tổ chức bồi dưỡng trực tiếp, trực tuyến cho 100% giáo viên giảng dạy chương trình mới; tổ chức khảo sát năng lực 2.500 giáo viên tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục Nghệ An còn ưu tiên tập trung nguồn lực, chỉ đạo triển khai nhanh chuyển đổi số trong giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, cải cách hành chính và phòng chống dịch; Tổ chức các kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, trung thực và đúng quy chế…
Tại hội nghị, tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và bộ, ngành liên quan tiếp tục ban hành, triển khai các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông; quan tâm đặc biệt đến chương trình, chính sách về giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao cho Chuyển đổi số. Đề nghị Chính phủ có cơ chế thí điểm trường mầm non, trường THPT công lập tự chủ; trường PTDT bán trú THPT thuộc các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ Phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học”.
Đảm bảo việc dạy và học thực chất
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, “Năm học vừa qua là năm học vượt khó. Chúng ta trân trọng với những kết quả của toàn ngành; trân trọng sự đóng góp của các em học sinh và đội ngũ giáo viên. Yêu cầu của ngành Giáo dục rất cao nhưng phụ thuộc rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội. Ngành Giáo dục được rất nhiều người quan tâm nhưng phải chịu rất nhiều áp lực”.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ thì ngành Giáo dục còn rất nhiều bất cập. Hiện nay ngành đang loay hoay trước vấn đề thi cử, sách giáo khoa, dạy thêm học thêm…
Nhấn mạnh, giáo dục là một quá trình liên tục, luôn phải đổi mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục bám sát thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Phát triển giáo dục toàn diện gắn với phát triển “đức – trí – thể - mỹ”. Quyết liệt trong công tác đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo bền vững; đảm bảo dân chủ trong trường học.
Bên cạnh đó, cần rà soát, chủ động đề xuất cơ chế học phí, cơ chế tự chủ tại các trường học để đảm bảo số lượng giáo viên, đảm bảo sỹ số học sinh theo quy định tại các lớp học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học, quản lý số lượng giáo viên và học sinh, thực hiện chuyển đổi số. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động, phối hợp với Ủy ban Dân tộc để xây dựng các phương án để nâng cao chất lượng dạy và học tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; rà soát lại các tiêu chuẩn về trường chuẩn quốc gia để đảm bảo các trường đạt chuẩn quốc gia thực chất.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, đề xuất những nội dung liên quan đến việc huy động các nguồn lực xã hội hóa, học phí. Rà soát các quy định về dạy thêm, học thêm, sách tham khảo… để đảm bảo việc dạy và học thực chất.
Tổ chức việc dạy bù kiến thức do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các địa phương thực hiện việc phân bổ giáo viên mới được bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cường công tác truyền thông về các giá các dịch vụ giáo dục…
Tác giả: PT
Nguồn tin: nghean.gov.vn