Bộ Công Thương cho biết, có 17 địa phương chưa gửi văn bản (gửi sau ngày 15/1) đề xuất danh mục các dự án năng lượng tái tạo, bị Thường trực Chính phủ phê bình do làm chậm trễ việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, được yêu cầu phải thực hiện xong trước ngày 10/4.
Do đó, Bộ Công Thương yêu cầu 17 địa phương nói trên khẩn trương đề xuất phát triển danh mục các dự án năng lượng tái tạo, khẩn trương phối hợp với Bộ để xác định danh mục các dự án năng lượng tái tạo tại địa phương.
17 tỉnh bị điểm tên gồm: Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Giang, Thái Nguyên, Đồng Tháp, Hoà Bình, Sơn La, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Thuận, Gia Lai, Bình Dương, Long An.
17 địa phương làm chậm kế hoạch Quy hoạch điện VIII. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ) |
Bộ Công Thương đề nghị các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện nghiêm túc, khẩn trương hoàn thiện các nội dung được giao.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng danh mục nguồn điện theo từng loại nguồn điện và thứ tự ưu tiên (trong đó lưu ý tới tính kế thừa) đáp ứng 9 tiêu chí do Bộ hướng dẫn.
Trong đó, Bộ Công Thương lưu ý về việc cung cấp mới/bổ sung thông tin các dự án (bao gồm cả các dự án mở rộng các nhà máy thủy điện hiện hữu và thủy điện trên các hồ thủy lợi).
Cụ thể, đối với các dự án nguồn điện đã hoàn thành thi công hoặc đã được bổ sung quy hoạch/cấp chủ trương đầu tư, để đảm bảo tính kế thừa, thông tin về 9 tiêu chí của dự án nguồn điện cần phải được cung cấp đầy đủ để Bộ Công Thương đánh giá, thẩm tra.
Còn với dự án mới, hiện nhiều dự án năng lượng tái tạo tại một số địa phương đã được Thủ tướng phê duyệt tại quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 nhưng chưa có trong quy hoạch ngành. Để đảm bảo sự phù hợp với các quy hoạch ngành, Bộ Công Thương đề nghị địa phương lưu ý các dự án trên để có cơ sở triển khai, phát triển trong thời gian tới.
"Các địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước Thủ tướng về tính trung thực, chính xác đối với thông tin, số liệu và phù hợp với các quy hoạch tại địa phương... đối với danh mục các dự án đề xuất (ưu tiên tính kế thừa) để đảm bảo dự án có thể triển khai khả thi, hiệu quả", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 1/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII); đồng thời xây dựng lộ trình tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án/dự án đáp ứng mục tiêu đề ra của Quy hoạch điện VIII, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, đảm bảo điện đi trước một bước.
Kế hoạch nêu cụ thể danh mục các dự án lưới điện truyền tải quan trọng, ưu tiên đầu tư, lưới điện liên kết với các nước láng giềng; thực hiện mục tiêu đấu nối đồng bộ các dự án nguồn điện nhập khẩu (từ Lào, Trung Quốc...) vào hệ thống điện Việt Nam, đấu nối đồng bộ (cấp điện áp 220 kV trở lên) các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII với hệ thống điện quốc gia.
"Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng để thống nhất khi triển khai các dự án cụ thể", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Tác giả: Thành Lâm
Nguồn tin: Báo VTC