Thị trường tài chính thế giới chao đảo ngay sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump dồn thêm đòn hiểm, đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lên một mức mới. Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đỏ lửa. Hoạt động bán tháo diễn ra trên hầu khắp các nhóm cổ phiếu, dẫn đầu bởi nhóm ngân hàng.
Cổ phiếu VPBank (VPB) của nhà ông Ngô Chí Dũng và Techcombank (TCB) của ông Hồ Hùng Anh chứng kiến áp lực bán tháo rất, chốt phiên đồng loạt giảm sàn “trắng bên mua”. Túi tiền của các đại gia giảm cả ngàn tỷ đồng.
Cổ phiếu Techcombank (TCB) của chủ tịch Hồ Hùng Anh trong phiên 11/7 cũng giảm sàn 6,9% xuống còn 25.750 đồng/cp. Trong hơn 1 tháng qua, cổ phiếu TCB cũng đã giảm gần 30% khiến vốn hóa của TCB bốc hơi khoảng 45 ngàn tỷ đồng (2 tỷ USD).
Hôm 6/7 vừa, Techcombank đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 200%. Vốn điều lệ do vậy tăng từ mức 11.655 tỷ đồng lên 34.965 tỷ đồng, trở thành 1 trong 3 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam.
Sacombank (STB) của chủ tịch Dương Công Minh hôm 11/7 giảm 3,8% xuống còn 10.000 đồng/cp. Trong hơn 3 tháng qua, cổ phiếu này giảm gần 45%. Ông Dương Công Minh hiện nắm giữ gần 63 triệu cổ phiếu STB và chứng kiến túi tiền bốc hơi hàng trăm tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch 11/7, cổ phiếu VPBank (VPB) của nhà ông Ngô Chí Dũng giảm sàn 6,8% xuống còn 25.900 đồng/cp. Tính chung trong hơn 3 tháng qua, cổ phiếu VPBank đã giảm tổng cộng hơn 41%.
Cổ phiếu BIDV (BID) của nguyên chủ tịch Trần Bắc Hà thậm chí còn giảm mạnh hơn. Cổ phiếu này giảm hơn 50% trong vòng hơn 3 tháng qua, xuống hiện còn 22.100 đồng/cp.
Ông Dương Công Minh -Chủ tịch Sacombank. |
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đã đóng góp chính vào sự tụt giảm của TTCK trong quý 2 và đầu quý 3, khiến VN-Index đứng ở vị trí số 1 trong số các chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới. Nhà các đại gia ngân hàng bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng.
Trong thời gian vừa qua, cú lao dốc của cổ phiếu VPBank trên sàn chứng khoán đã khiến túi tiền của gia đình ông Ngô Chí Dũng giảm từ đỉnh cao hơn 14.000 tỷ đồng xuống 8.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn hóa của VPBank bốc hơi khoảng 2 tỷ USD.
Trước đó, VPBank đã có những bước tăng giá thần tốc trước và sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE. Trước năm 2016, đa số các cổ phiếu trên thị trường OTC đều nằm dưới mệnh giá trong một thời gian dài. Trong nửa cuối 2016 nhiều cổ phiếu trong đó có VPBank bứt phá nhanh và trước khi lên sàn ngày 17/8/2017 đã ở mức 3.x.
Cổ phiếu Techcombank gần đây cũng giảm mạnh khiến vốn hóa của ngân hàng này bốc hơi hàng chục ngàn tỷ đồng. Nhà ông Hồ Hùng Anh, một đại gia gốc Đông Âu, cả nhà có tỷ USD, giàu nhất ngân hàng Việt chứng kiến túi tiền bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng.
Trên TTCK, ngoài ngân hàng, nhiều nhóm cổ phiếu khác cũng giảm sâu như: bất động sản, chứng khoán, xây dựng… Thị trường chịu áp lực bán tăng cao không ngừng. Tuy nhiên, có một số điểm tích cực là: khối ngoại trở lại mua ròng 100 tỷ đồng sau chuỗi ngày bán tháo. Thanh khoản trên thị trường cải thiện đôi chút.
Một số CTCK cho rằng rủi ro trên thị trường vẫn đang ở mức cao và xu hướng có thể là tiếp tục điều chỉnh nhẹ.
VDS cho rằng, hiện thời VN-Index vẫn giữ được ngưỡng hỗ trợ 890 điểm và khả năng nhà đầu tư sẽ sớm lấy lại bình tĩnh trong 1-2 phiên sắp tới, giúp thị trường cân bằng trở lại. Tuy vậy, nhìn chung mức độ rủi ro vẫn đang ở mức cao và nhà đầu tư nên tiếp tục ưu tiên nắm giữ tiền mặt.
BVSC cho rằng, sau phiên giảm điểm sâu 11/7, nhiều mã cổ phiếu đã về vùng giá hấp dẫn trong ngắn hạn, qua đó thúc đẩy dòng tiền bắt đáy hoạt động trong các phiên sắp tới. Tuy nhiên, nhiều khả năng 2 chỉ số tiếp tục xu hướng điều chỉnh nhẹ đi kèm diễn biến phân hóa trong các phiên sắp tới.
Kết thúc phiên giao dịch 11/7, VN-index giảm 17,96 điểm xuống 893,16 điểm; HNX-Index giảm 3,1 điểm xuống 98,52 điểm. Upcom-Index giảm 0,68 điểm xuống 48,88 điểm. Thanh khoản đạt 210 triệu cổ phần. Giá trị đạt 4,5 ngàn tỷ đồng.
Tác giả: V. Hà
Nguồn tin: Báo VietNamNet