Bạn cần biết

Bệnh sốt mò ở trẻ em

Vừa qua, Khoa Nhi – Bệnh viện Quốc tế Vinh tiếp nhận điều trị bệnh nhi 26 tháng tuổi, ở Thị trấn Thanh Chương – Nghệ An đến khám vì lý do sốt cao liên tục 5 ngày.

Trẻ vào khoa trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi và phát ban trên da. Qua thăm khám kỹ, các bác sỹ đã phát hiện trên da vùng ngực trái có 1 vết loét đường kính khoảng 1cm đã đóng vảy màu nâu đen, kèm theo đó là hồng ban dạng sẩn toàn thân, hạch ngoại biên không lớn, các cơ quan khác chưa phát hiện bất thường.

Vòng đời của con mò

Trẻ được điều trị ngay với: Kháng sinh Doxycycline, hạ sốt. Sau 2 ngày điều trị, trẻ tỉnh táo, linh hoạt, cắt sốt, hết ban da, ăn uống tốt hơn. Sau khi cắt sốt hoàn toàn, trẻ được xuất viện và điều trị ngoại trú, hẹn tái khám.

Bệnh sốt mò là gì?

Bệnh sốt mò là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do Rickettsia orientalis gây nên; trung gian truyền bệnh là mò Trombicula.

Mò Trombicula

Sốt mò lây sang người như thế nào?

Nguồn bệnh là các động vật hoang dã như: Loài gặm nhấm (chuột), thỏ, lợn, chim, gia súc…

Ổ bệnh và trung gian truyền bệnh là loài mò Leptotrombidium

Mò nhiễm vi khuẩn Rickettsia orientalis khi đốt người sẽ truyền bệnh qua nước bọt tại vết cắn.

Hình ảnh vết đốt trên người bệnh nhi

Ai là người có nguy cơ cao mắc bệnh sốt mò?

Mò Leptotrombidium thường sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm ... phía trên là các vòm cây cao; hoặc trong các hang đá có các loài gậm nhấm sống. Do đó người mắc bệnh sốt mò là người làm việc hoặc đi qua rừng, bụi cây, cỏ, ven suối, sông… Trẻ em thì có thể mắc bệnh khi chơi trong bụi cây, bãi cỏ, đất cát….

Diễn biến thời gian bệnh

Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt mò?

Sốt: Sốt nhẹ 1 - 2 ngày đầu, sau đó sốt cao liên tục có thể sốt lên 40 độ C, kèm ớn lạnh

Đau đầu, đau nhức hố mắt, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, khó chịu, đau cơ nhiều

Vết loét: Tại chỗ mò đốt xuất hiện một nốt sẩn nhỏ không đau, không ngứa. Nốt sẩn sau đó tiến triển thành nốt phỏng có quầng đỏ xung quanh. Khoảng 5 ngày sau, nốt phỏng vỡ, tạo thành một vết loét nông, hình tròn hoặc hình bầu dục, đường kính từ 3 đến 15 mm. Vết loét sau đó tiết dịch, tạo thành lớp vảy màu nâu hoặc nâu đen, sau 1 tuần, lớp vảy có thể bị bong ra, để lộ một vết loét nông, bờ nổi gờ, có màu đỏ, không đau.

Hạch to

Ban: Thường là ban dát sẩn, kích thước khoảng 1cm, mọc toàn thân (lưng, ngực, bụng, tứ chi).

Gan lách có thể to

Trường hợp nặng có thể suy gan, suy thận, nhiễm trùng nhiễm độc nặng, viêm cơ tim.

Cần làm gì để dự phòng bệnh sốt mò?

Phát quang bụi rậm quanh nhà.

Phun thuốc diệt mò, diệt chuột.

Khi đi vào rừng núi, vùng cây rậm rạp cần mặc quần áo dài tay, đi ủng, đeo tất tay để che kín cơ thể.

Đối với trẻ em không nên chơi ở bãi cỏ, đất cát, bụi rậm.

Tác giả: Kim Chung

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP