Giáo dục

Bất an bữa ăn bán trú cho học sinh

Sau việc phát hiện thực phẩm hư hỏng tại bếp ăn của một đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh ở TP Thủ Đức, TPHCM, dư luận lo ngại về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho học sinh. Công tác quản lý hiện nay còn nhiều kẽ hở khiến nguy cơ mất VSATTP vẫn hiện hữu.

Đổi nhà cung cấp là xong?

Trong hai ngày 26 và 27-10, Trường Tiểu học Phú Hữu (TP Thủ Đức) tạm dừng tổ chức bữa ăn bán trú cho hơn 700 học sinh của trường, sau khi phụ huynh phản ánh đơn vị cung cấp suất ăn cho trường lưu trữ thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng và sử dụng gia vị không rõ nguồn gốc.

Ông Phan Thanh Phải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Hữu, cho biết, công tác bán trú sẽ được tổ chức lại khi trường chọn được nhà cung cấp suất ăn mới đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh. Đây là trường hợp thứ 2 ngưng hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn TPHCM trong năm học này. Vào giữa tháng 10-2023, Trường THCS Vân Đồn (quận 4) cũng chấm dứt hợp đồng với một đơn vị cung cấp suất ăn bán trú sau khi khoảng 60 học sinh của trường dùng bữa ăn trưa vào ngày 9-10 và bị đau bụng, nôn ói.

Hình ảnh chân gà có dấu hiệu hư hỏng, được cắt ra từ clip do phụ huynh Trường Tiểu học Phú Hữu (TP Thủ Đức, TPHCM) quay tại đơn vị cung cấp suất ăn cho nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức

Biện pháp chấm dứt hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm VSATTP là cách xử lý duy nhất của các trường hiện nay. Tuy nhiên, điều khiến phụ huynh lo lắng là một đơn vị cung cấp suất ăn thường ký hợp đồng với nhiều trường học, thậm chí cung cấp suất ăn cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau (gồm học sinh, người lao động...). Khi bị phát hiện có dấu hiệu vi phạm VSATTP, nhà cung cấp chỉ bị ngưng hợp đồng với một số trường học, song vẫn tiếp tục cung cấp suất ăn cho các trường khác trên cùng địa bàn, dù sử dụng chung nguồn thực phẩm và bếp nấu.

Đại diện Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và các quận, huyện đều cho biết, hiện nay việc lựa chọn nhà cung cấp suất ăn thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng. Nhà trường chủ động phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường thẩm định hồ sơ năng lực của các đơn vị cung cấp suất ăn, từ đó chọn nhà cung cấp phù hợp. Trong quá trình tổ chức bữa ăn bán trú, trường học có kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất đơn vị cung cấp suất ăn để đảm bảo an toàn và chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Thực tế, công tác kiểm tra thường được các trường thực hiện 1-2 lần/năm học nên chưa thể kiểm soát hết chất lượng vệ sinh thực phẩm. Theo phó hiệu trưởng phụ trách bán trú một trường tiểu học ở TP Thủ Đức, việc kiểm tra chủ yếu trên hồ sơ giấy, với 2 giấy tờ quan trọng nhất là minh chứng nguồn gốc thực phẩm và chứng nhận VSATTP do cơ quan có thẩm quyền cấp cho đơn vị cung cấp suất ăn. “Trường học không có đủ thẩm quyền kiểm tra tất cả hoạt động của bếp ăn, trong đó có việc lưu trữ thực phẩm ở tủ cấp đông của đơn vị cung cấp. Việc đó chỉ được thực hiện khi có đoàn kiểm tra liên ngành hoặc đại diện cơ quan y tế”, đại diện trường cho biết.

Lo ngại chất lượng thực phẩm ở căn tin

Mới đây, nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình) phản ánh tình trạng bữa ăn trưa kém chất lượng do “hôm thì cá ôi, hôm thịt bò cứng, khoai tây ngoài cháy, trong sống khiến nhiều bạn ăn bị đau bụng”. Qua tìm hiểu, trường không tổ chức bếp ăn nên các suất ăn bán trú do căn tin của trường cung cấp. Sau khi có phản ánh của học sinh, trường đã yêu cầu căn tin chấn chỉnh, tuy nhiên chất lượng bữa ăn vẫn chưa đáp ứng mong đợi của học sinh.

Cùng cảnh ngộ, một học sinh Trường THPT Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) than thở: “Muỗng ăn cơm ở căn tin nhiều hôm bị nhớt dầu, thỉnh thoảng có mảng trắng bám trên thành do rửa không sạch”. Hiện nay, hầu hết các trường THPT không tổ chức bếp ăn tại trường mà căn tin sẽ phục vụ các suất ăn trưa theo đăng ký của học sinh. Phụ huynh và học sinh được lựa chọn giữa việc ăn trưa tại căn tin, tự mua suất ăn bên ngoài hoặc về nhà nghỉ trưa chờ đến giờ học buổi chiều. Do đó, số lượng học sinh ăn trưa tại trường thay đổi theo tháng, thực đơn bữa trưa gồm nhiều món theo đăng ký của học sinh chứ không cố định như ở các bậc mầm non, tiểu học và THCS. Điều này dẫn đến chất lượng các món ăn không đồng đều.

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, một trong những nhiệm vụ y tế trường học trong năm học này là đảm bảo yêu cầu về dinh dưỡng, VSATTP trong tổ chức bữa ăn học đường. Trường học triển khai có hiệu quả thực đơn cân bằng dinh dưỡng, phù hợp lứa tuổi học sinh. Từ nay đến hết tháng 12-2023, Sở GD-ĐT phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM tổ chức các lớp tập huấn VSATTP tại trường học, đồng thời phối hợp với ngành y tế tổ chức kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo VSATTP tại trường học.

Năm học 2023-2024, TPHCM triển khai Nghị quyết 04 quy định 26 khoản thu, mức thu đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập. Trong đó, suất ăn bán trú được quy định mức thu tối đa đối với từng cấp học, bậc học. Tuy nhiên, mức thu này thấp hơn mức thu của nhiều trường học trong năm học trước. Trước thực tế này, các trường ở khu vực trung tâm TPHCM như quận 1, quận 3 đã tổ chức lấy ý kiến phụ huynh.

Các trường không thể thu tiền ăn trưa cao hơn quy định của Nghị quyết 04, do vậy để bù vào khoản chênh lệch, nhà trường buộc phải cắt giảm bữa ăn xế hoặc phát phiếu để phụ huynh đăng ký thêm đồ ăn cho học sinh nếu có nhu cầu. Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, cho biết, HĐND TPHCM sẽ phối hợp Sở GD-ĐT ghi nhận thực tế triển khai ở các trường học để có sự điều chỉnh phù hợp hơn trong các năm học sau.

Tác giả: THU TÂM

Nguồn tin: sggp.org.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP