Thế giới

Báo Mỹ: Vỉa hè ở Sài Gòn là một bài học với các thành phố Mỹ

"Trong một chuyến đi gần đây đến Việt Nam, tôi chắc chắn rằng mình đã tìm thấy một chìa khóa cho cuộc sống đô thị hạnh phúc và hài hòa", tác giả Soleil Ho viết trên tờ San Francisco Chronicles.

Chúng tôi xin được phép lược dịch bài viết của tác giả Soleil Ho trên tờSan Francisco Chronicles.

Trong những giờ trưa oi ả, uể oải của cái nóng giữa trưa ở Thành phố Hồ Chí Minh, hay còn gọi là Sài Gòn, tôi thường chui vào từng con hẻm để tìm một chút bóng mát. Các con hẻm nhanh chóng trở thành địa điểm yêu thích của tôi trong thành phố.

Dọc hai bên con hẻm, những ngôi nhà và mặt tiền cửa hàng mở thẳng ra đường, những con hẻm này đầy những bãi đậu xe tay ga, những chậu cây tươi tốt, những xưởng thủ công, những ngôi đền phảng phất khói hương và những quầy hàng bày bán đủ loại hàng hóa. Ô tô thỉnh thoảng đậu ở lối vào các con hẻm.

Ở những con hẻm này, nơi có đại đa số cư dân sinh sống, cuộc sống tràn ra khỏi nhà và tỏa ra khắp nẻo đường phố, nơi những người hàng xóm tụ tập uống cà phê đá và phơi quần áo. Nhiều thế hệ chủ nhà hàng nấu ăn và phục vụ đồ ăn ngay trước cửa nhà họ.

Điều tôi thích ở những con hẻm đa chức năng của Việt Nam là chúng là nơi tự do và gần gũi để la cà, tán gẫu và bắt gặp ánh mắt của những người khác - để có những cuộc gặp gỡ tình cờ đặc trưng cho những địa điểm gắn kết các cộng đồng với nhau. Đối với tôi, nó giống như một phần thiết yếu của một thành phố "thực sự": Một nơi năng động, nơi mọi người được kết hợp với nhau; một thế giới đầy tiềm năng.

Annette M. Kim, chuyên gia chính sách công và nhà nghiên cứu về văn hóa vỉa hè của Việt Nam, giải thích rằng, nếu một hoạt động diễn ra tốt ở cấp độ khu phố, chính quyền thành phố sẽ đáp ứng bằng cách điều chỉnh các chính sách để các khu vực khác của thành phố được phép làm điều tương tự.

"Điều khác biệt ở Sài Gòn là họ cho phép các thí nghiệm diễn ra, miễn là không gây rắc rối", Kim nói.

Điều đó thật mới mẻ so với San Francisco, bạn có thể chạy bộ hoặc đạp xe, nhưng không có địa điểm để vui chơi hay tán gẫu. Trong thời kỳ đại dịch, đã có một sự bùng nổ của các công viên nhỏ, nhưng phần lớn thuộc sở hữu tư nhân và không được sử dụng trừ khi các doanh nghiệp trực thuộc mở cửa hoạt động.

Cũng có một vài điểm sáng như Quảng trường Portsmouth ở Khu Phố Tàu và Công viên Dolores, đoạn đường cấm ô tô John F. Kennedy Drive ở Công viên Cổng Vàng đang bắt đầu nhộn nhịp với các tác phẩm điêu khắc, một vài xe bán đồ ăn và những bức tranh tường... Tuy nhiên, các vị trí tương đối khó tiếp cận.

So với thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố của Mỹ như San Francisco, có cảm giác cô đơn hơn nhiều.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, đã có rất nhiều câu chuyện về "đại dịch cô đơn" ở người Mỹ. Vào năm 2021, công ty chăm sóc sức khỏe Cigna báo cáo rằng hơn một nửa số người được hỏi trong một cuộc khảo sát cho biết họ thường xuyên phải chịu đựng cảm giác cô đơn, bao gồm cả việc thiếu các mối quan hệ và tương tác xã hội có ý nghĩa.

Nhưng các báo cáo này thường bỏ qua việc sự cô đơn cũng là một vấn đề của chính sách công.

Một nghiên cứu của UC Berkeley về các thành phố cho thấy những cư dân da trắng, có thu nhập cao có nhiều khả năng tiếp cận các nguồn lực thiết yếu hơn, bao gồm cả không gian giải trí trong khi người Mỹ da đen và người Mỹ Latinh phải đối mặt với tỷ lệ cô đơn cao hơn. Báo cáo của Cigna đề cập rằng 63% số người được hỏi kiếm được ít hơn 50.000 USD/năm thường cảm thấy cô đơn.

Như vậy, việc duy trì các mối liên hệ với bạn bè có ích gì nếu người dân không có nơi nào an toàn, giá cả phải chăng hoặc dễ tiếp cận trong khu phố?

Kim chỉ ra các trạm xăng ở Los Angeles biến thành những quán cà phê nhộn nhịp vào ban đêm như những ví dụ điển hình về không gian đa chức năng trong thành phố.

"Khi bạn nhìn vào một không gian, đừng chỉ nghĩ về nó dưới dạng những mét vuông bê tông. Vào những giờ khác nhau và những ngày khác nhau, nó có thể trở thành rất nhiều không gian khác nhau", bà nói thêm.

Ngay cả Singapore, nơi nổi tiếng là một thành trì cực kỳ trật tự và sạch sẽ, cũng đã yêu cầu Kim đề xuất các cách để đem lại "hơi thở" cuộc sống cho đường phố của họ.

"Họ nhận ra chất lượng cuộc sống cũng quan trọng chứ không chỉ phát triển kinh tế bằng mọi giá", Kim cho hay.

Tác giả: Minh Khôi

Nguồn tin: Thể thao & Văn hóa

  Từ khóa: Mỹ ,Việt Nam ,vỉa hè

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP