|
Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước ở nước ta. Hầu hết trẻ mắc đều do lây nhiễm trong hộ gia đình, tuy nhiên, cũng có thể do biến chủng Delta dễ lây nhiễm cho trẻ em. Điều may mắn là hầu hết trẻ mắc COVID-19 đều thuộc nhóm không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ.
TS.BS Phan Hữu Phúc, khoa Điều trị tích cực nội khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, tuy hầu hết trẻ em nhiễm COVID-19 chỉ ở thể nhẹ, một số trẻ vẫn có thể bị diễn biến nặng, đặc biệt với những trẻ có các bệnh nền hoặc trẻ nhỏ, do sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch ở trẻ cũng chưa phát triển đầy đủ.
Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ tại nhà, tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng; Tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc; Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên.
Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc xin là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch. Hiện chưa có có chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ nhỏ nhưng người lớn tiêm vắc xin giúp hạn chế sự lây truyền, đồng thời giúp bảo vệ những người không đủ điều kiện tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em. Cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin khác theo đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Bác sĩ Phúc nhấn mạnh: “COVID-19 thường gây ra các triệu chứng giống như các bệnh nhiễm trùng hô hấp thông thường do các căn nguyên khác nhau, nhưng bệnh cũng có thể diễn biến nặng và tử vong, đặc biệt là những trẻ có bệnh nền. Do đó, khi trẻ có các dấu hiệu như: ho, sốt, khó thở, chảy nước mũi, mệt mỏi, chán ăn…, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời”..
Bác sĩ Phúc cho hay, theo thông tin từ Bộ Y tế Indonesia, tới ngày 28/7 nước này có hơn 3,2 triệu người mắc COVID-19; trong đó tỷ lệ mắc ở trẻ từ 0-5 tuổi là 2.9%; 6-18 tuổi là 9.9%. Tính từ đầu dịch đến nay, tổng số ca tử vong tại Indonesia là hơn 86000 ca, trong đó trẻ em dưới 18 tuổi là hơn 800 ca, chiếm tỷ lệ khoảng 1%.
Theo thống kê của UNICEF, số tử vong do COVID-19 ở trẻ em trên toàn cầu (78 nước) là 8700/2,7 triệu ca tử vong, chiếm khoảng 0,3% số tử vong. Những con số biết nói này cho thấy, số trẻ em tử vong do COVID-19 ở Indonesia cao gấp 3 lần so với số trẻ em tử vong do COVID-19 trên toàn cầu (tính từ đầu dịch).
Cũng theo thống kê tại nước này, số ca tử vong ở trẻ em tăng nhanh trong hơn 1 tháng gần đây, chiếm khoảng gần 1⁄2 số tử vong trẻ em từ đầu dịch. Trẻ tử vong thường có các bệnh nền kèm theo như suy dinh dưỡng, bệnh ác tính, tuy nhiên, có thể do quá tải của hệ thống y tế và do nhiễm biến chủng Delta. Thời gian gần đây, nhiều trẻ không có bệnh nền cũng đã diễn biến nặng và tử vong.
Tác giả: Hà Minh
Nguồn tin: Báo Tiền Phong