Trong nước

Bán tín bán nghi cuộc chiến giữa 'đá oan hồn' và 'cây thần' ở Phú Hiệp

Dân Phú Hiệp (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) bao đời nay vẫn cho rằng hòn đá mặt quỷ nằm trên ngọn núi Xà Kính phía sau làng là nơi trú ngụ của oan hồn, ma quỷ, chuyên tác oai tác quái, gieo rắc tai họa. Và cây đa ở đầu làng xuất hiện là để trấn yểm hòn đá mặt quỷ, hóa giải kiếp nạn cho dân…


Cây đa “thần” ở đầu thôn Phú Hiệp

Đá mặt quỷ gieo rắc tai họa

Theo cụ Đặng Trang (SN 1934, một bậc cao niên am tường sử sách ở thôn Phú Hiệp, xã Tây Phú), những câu chuyện tâm linh của làng do các thế hệ trước truyền lại đều liên quan đến núi Xà Kính, còn gọi là Kính Sơn.

Tương truyền, khi mới lập làng, trên núi Xà Kính có nhiều hòn đá. Trong đó, hòn đá lớn nhất trên đỉnh núi có bề mặt quay về phía làng Phú Hiệp, tên là đá mặt qủy. Mặt đá có nhiều vết nứt, lồi lõm, trông như gương mặt người nhăn nheo, dữ tợn, ai nhìn cũng phải khiếp sợ. Hầu hết thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh... ở làng Phú Hiệp đều bị người dân quy kết là do đá mặt quỷ gây ra.

Theo cụ Nguyễn Thị Giai (SN 1934), một trong những bậc cao niên còn minh mẫn ở thôn Phú Hiệp thì từ khi cụ 17 tuổi, đêm đêm được nghe cha kể về hòn đá mặt quỷ trên ngọn núi cuối làng. Gọi tên như vậy là vì quả núi dựng đứng, tuy không cao lắm nhưng lại dốc vô cùng, đứng từ xa nhìn lên hòn đá chẳng khác gì một tấm kính chắn ngang lưng trời.

Chuyện là cha cụ Giai trước đây có phát rừng làm rẫy dưới chân núi. Khi đốt rẫy, đám lửa từ chân núi theo chiều gió cháy lan về phía đỉnh núi, thiêu rụi cánh rừng phía trên. Nhìn ngọn lửa cao cả chục mét, cháy ngùn ngụt như muốn nuốt chửng cả ngọn núi, dân làng ai cũng hốt hoảng.

Thế nhưng ngọn lửa như vũ bão khi đến cách hòn đá mặt quỷ khoảng trăm mét thì bỗng nhiên tắt ngúm. Sự việc này sau đó lặp lại nhiều lần, thế nên dù bốn phía chân núi là nương rẫy thì đỉnh núi vẫn là rừng nguyên sinh. Nghĩ rằng đá mặt quỷ là nơi trú ngụ của ma quỷ nên các cao niên cũng cho rằng chính những thế lực vô hình đó là căn nguyên đã dập tắt lửa.

Theo lời cụ Trang, cuộc sống dân làng thời đó chẳng được bình yên no ấm mà luôn bị thiên tai, dịch họa hoành hành. Truyền rằng, trong những đêm mưa gió, nơi đỉnh núi vang lên những tiếng gầm gừ, rên rỉ của các oan hồn.

Sau mỗi lần như vậy, trong làng không sớm thì muộn cũng xảy ra điều chẳng lành. Từ thiên tai như lũ lụt, hạn hán, mất mùa đói kém đến bệnh tật và thậm chí là những cái chết bất đắc kỳ tử.

Tai họa cứ mỗi năm lại đến một lần. Ngôi làng mới lập chưa được bao lâu thì ngày một lụi tàn vì người lớn chết yểu, con trẻ sinh ra cũng còi cọc chậm lớn. Thuở ấy, nhiều người nảy ý định phá bỏ hòn đá mặt quỷ để mong được sống yên ổn.

Thế nhưng sức người có hạn, hòn đá lại nặng đến hàng trăm tấn, mỗi năm lại càng lún sâu vào lòng núi nên dân làng đành bất lực. Đau lòng hơn, những ai lên núi tìm cách bỏ hay có ý định mạo phạm hòn đá sau đó đều bị trừng phạt, rơi vào kết cục bi thảm.

Các bậc tiền nhân làng Phú Hiệp quan niệm tảng đá trên núi Xà Kính như đã hóa thành quỷ nên trong phong tục cũng có nhiều điều kiêng kị. Ví như, khi đào huyệt chôn cất người chết, theo phong tục thì phải tuân theo thế “tọa sơn vọng thủy”, tức là một đầu huyệt mộ quay về núi Xà Kính, đầu còn lại quay về phía cánh đồng.

Tuy nhiên, để tránh mạo phạm tới hòn đá mặt quỷ, dân làng đều đào huyệt mộ chệch đi một góc để sao cho quan tài không được hướng thẳng vào tảng đá trên non cao.

Cụ Đặng Trang kể lại những câu chuyện rợn người liên quan đến hòn đá mặt quỷ

Sự xuất hiện của cây “thần”

Người dân thôn Phú Hiệp truyền rằng, cách đây hơn 200 năm, sau một đêm mưa to gió lớn, ở mảnh đất ven con đường làng Phú Hiệp mọc lên một cây đa. Ban đầu chẳng mấy ai để ý tới cây bé nhỏ, mọc bờ mọc bụi này. Đồn rằng, sau khi cây đa mọc được vài năm, nhiều người bị ốm đau, điên dại trong làng bỗng nhiên khỏi bệnh.

Thấy sự lạ, dân làng vui mừng vô cùng nhưng không biết vì sao mình tai qua nạn khỏi. Theo năm tháng, cây đa cứ thế lớn dần lên rồi trở thành cây cổ thụ cao lớn, uy nghi. Dù nhận thấy vị trí cây đa mọc nằm trên đường thẳng nối liền đỉnh núi Xà Kính và xóm làng nhưng không ai nghĩ đến cây đa chính là “bùa hộ mệnh” của làng.

“Thuở ông nội của cố Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh còn sống, nhà cụ ở sát bên cây đa, mỗi khi bọn tôi chăn bò ở gò đất gần đó hỏi cụ cây đa có từ khi nào. Cụ bảo, khi lớn lên đã thấy cây đa to đùng rồi. Theo cách nói của cụ, đến nay cây đa ít nhất cũng hơn 200 năm tuổi”, cụ Đặng Lang (SN 1936, Trưởng Ban tín ngưỡng thôn Phú Hiệp) cho biết.

Sau nhiều năm chiêm nghiệm, những bậc cao niên phát hiện ra rằng từ ngày có cây đa án ngữ ở cuối làng, từ thiên tai đến dịch họa đều giảm đi. Từ đó, các cụ cho rằng ông trời muốn ngăn chặn hòn đá mặt quỷ gieo rắc tai họa lên con dân nên ban cho cây đa để án ngữ nơi cuối làng. Khi cây đa cao lớn, dùng thân mình che khuất tầm nhìn của mặt quỷ trên tảng đá lại, những tai ương vì thế cũng dần dần được đẩy lùi.

Trong những lần họp làng, các cụ trịnh trọng đem chuyện cây đa là vật trấn yểm hòn đá mặt quỷ ra để kể lại cho con cháu. Truyền thống cha ông cùng với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, dân làng xem cây đa nhưng một vị thần sức mạnh chống lại hòn đá mặt quỷ.

Cụ Lang cho biết, những gia đình ở xóm Phú Lộc, gần cây đa, sinh con cháu có người làm đến cấp tướng (cố Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh), cấp tá trong quân đội; có người làm cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, bác sĩ, nhà giáo.

Cụ Đặng Lang nói về cuộc chiến đấu chưa có hồi kết giữa cây đa “thần” và hòn đá mặt quỷ

Cuộc chiến chưa có hồi kết

Đến nay, dân gian vẫn còn lưu truyền về những lần đối đầu giữa hòn đá mặt quỷ và cây đa “thần”. Truyền rằng, vào những đêm mưa to gió lớn, khi hòn đá mặt quỷ phát ra những tiếng gầm gừ, gào thét thì dưới cánh đồng, cây đa “thần” cũng rung chuyển, thổi gió ào ào hướng về phía ngọn núi.

Hòn đá càng hung hăng bao nhiêu thì những trận cuồng phong đáp trả cũng uy lực bấy nhiêu. Cuộc chiến diễn ra một hồi đến khi hòn đá im lặng thì cây đa mới chịu đứng yên. Nhờ cây đa gồng mình che chắn, những hôm sau đó người làng không hề gặp phải bất cứ điềm xấu hay tổn hại gì.

Theo cụ Lang trận chiến đấu đầu tiên giữa hòn đá mặt quỷ và cây đa “thần” diễn ra vào tối rằm tháng Giêng. Do đó, từ xưa đến nay, người dân thôn Phú Hiệp chọn ngày 16 tháng Giêng hàng năm làm ngày cúng tế thần linh, cũng là ngày ăn mừng chiến thắng của cây đa “thần” trước hòn đá mặt qủy.

Ngày này, người dân trong làng nghỉ làm việc, tất cả mọi người đều tập trung tại cây đa “thần” để cúng kính thần linh. Sau đó, tổ chức các trò chơi dân gian từ sáng đến chiều tối.

Chứng minh cho cuộc chiến đấu chưa có hồi kết này, người dân thôn Phú Hiệp cho rằng trận lũ lịch sử ngày 15/11/2013 đã tàn phá dữ dội các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, thị xã An Nhơn của tỉnh Bình Định.

Xã Tây Phú cũng nằm trong tọa độ bị tàn phá ấy, thế nhưng tất cả những thôn xung quanh Phú Hiệp đều bị nhấn chìm trong lũ dữ, thì thôn này lại bình yên. Thôn Phú Hiệp thoát khỏi kiếp nạn này là nhờ có cây đa “thần” bảo hộ, che chở cho dân làng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều “thầy” địa lý khi đến thôn Phú Hiệp đều cho rằng hòn đá mặt quỷ chính là điềm xấu của vùng đất này. Tuy vậy, vạn vật tương sinh tương khắc, nếu trời đã sinh ra hòn đá mặt quỷ thì cũng ắt có vật chế ngự. Vạn vật hữu linh, nếu đá là ma quỷ, đại diện cho cái ác thì cây đa lại là hiển linh của thánh thần.

Hơn 200 năm qua, hòn đá mặt quỷ không ngừng tác oai tác quái, luôn tìm cách gieo rắc tai họa xuống làng. Cây đa “thần” mỗi năm một cao lớn, vươn cành tỏa lá che chắn tầm nhìn của hòn đá mặt quỷ giúp dân làng dần thoát khỏi tai kiếp. Hai thế lực thiện - ác ấy giao tranh từ năm này qua năm khác mà phần thắng thường nghiêng về bên thiện.


Tác giả bài viết: Nhuận Oanh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP