Giáo dục

Bài học cho người thầy trong ứng xử với trò

Chỉ trong một thời gian ngắn đã liên tiếp xảy ra những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo do giải quyết các tình huống sư phạm không đúng, có lời nói và hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực đối với học sinh, gây bức xúc dư luận xã hội.

Theo các chuyên gia, đây là những hành vi lệch chuẩn không đáng có trong môi trường học đường. Và qua các sự việc đáng tiếc này, các thầy cô giáo hãy xem đây là bài học cho mình trong ứng xử với học sinh.

Tối ngày 1/10, đoạn clip dài hơn 20 giây được chia sẻ trên mạng, thầy giáo đứng trên bục giảng, chỉ tay vào mặt và mắng một học sinh nam với nhiều từ ngữ không chuẩn mực, xưng "mày, tao" với học sinh. Nhiều bình luận bên dưới cho thấy, clip đăng tải vụ việc xảy ra tại tiết học tiếng Anh của lớp 10 Trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ngay sau khi sự việc được phản ánh, nhà trường đã mời cơ quan Công an vào cuộc xác minh làm rõ và cho biết sẽ xử lý nghiêm trên tinh thần không dung túng, bao che cho sai phạm.

Hình ảnh thầy giáo chỉ tay và xưng “mày, tao” với học sinh, ảnh cắt từ clip (ảnh minh họa).

Trước đó vào tối ngày 29/9, trên mạng xã hội cũng đã lan truyền những đoạn clip về một nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp đến kiệt sức, sau đó bị cô giáo chủ nhiệm túm áo lôi vào lớp; kèm theo bài viết là các video ngắn ghi lại cảnh nữ sinh quỳ khóc xin lỗi cô giáo phía ngoài hành lang lớp học. Theo báo cáo ban đầu của Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, sự việc bắt nguồn từ việc nữ sinh N.T.K.C là Bí thư Chi đoàn lớp, được cô N.T.P giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật tháng của các bạn trong lớp song em không làm theo sự thống nhất với cô giáo chủ nhiệm.

Liên quan đến sự việc này, ngày 2/10, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc tạm đình chỉ công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm lớp và tư vấn tâm lý học đường đối với cô N.T.P theo quy định; bố trí giáo viên thay thế bảo đảm đúng quy định hiện hành trong thời gian chờ các cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh, kết luận chính thức vụ việc…

Nhìn nhận về những sự việc trên, nhiều ý kiến cho rằng, đây rõ ràng là những hành vi lệch chuẩn, không đáng có trong môi trường học đường; thể hiện sự yếu kém trong ứng xử và xử lý tình huống sư phạm của giáo viên. Thực tế cho thấy, ngày nay, nghề giáo có nhiều áp lực và những áp lực này đòi hỏi nhà giáo cần phải giải quyết. Từ những áp lực đó, khi có những hành vi, hiện tượng mà mình cảm thấy bất lực do học sinh gây ra như học sinh thích làm theo ý mình, không nghe lời khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng, thậm chí là stress. Và một số giáo viên như trường hợp cô giáo chủ nhiệm ở Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn) hay thầy giáo dạy tiếng Anh ở Trường THPT Phan Huy Chú do thiếu kiểm soát cảm xúc đã có những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, đẩy sự việc trở nên phức tạp. Mong rằng, qua các sự việc không đáng có này, những người đang giữ vai trò là người thầy hãy xem đây là bài học cho mình trong cách cư xử với học sinh.

Là người nhiều năm gắn bó với giáo dục, NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người nhìn nhận, muốn trở thành giáo viên, trước hết phải yêu nghề nhưng hiện nay nhiều em chọn sư phạm vì không có khả năng thi vào các trường có đầu vào cao hơn; vì được miễn học phí, phù hợp với điều kiện gia đình; hy vọng sau này sẽ được trở về quê hương… cho nên chất lượng đào tạo ngay từ đầu vào đã không được như trước. Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo, chương trình, nội dung đào tạo hiện vẫn nặng về kiến thức, thiếu kỹ năng. Lẽ ra, phải đào tạo giáo viên là người tốt, sau đó mới thành nhà giáo tốt, tức là nhà giáo phải cao hơn so với người thường một bậc. Nhưng do yếu tố này chưa được chú trọng nên nhiều nhà giáo quên mất mình là “kỹ sư tâm hồn”; ngộ nhận về việc mình có quyền ra uy với học trò, chỉ có ra uy học trò mới sợ.

Ngoài ra, việc bồi dưỡng và đào tạo lại cho đội ngũ giáo viên trong các nhà trường hiện vẫn chủ yếu nặng về kiến thức chuyên môn. Các đợt tập huấn nếu có tổ chức cũng chỉ là nội dung, phương pháp dạy học chứ không đề cập đến các kỹ năng xử lý tình huống, đặc biệt là các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực. Trong khi đó, những vi phạm của một số giáo viên trong việc xử phạt học sinh gây bức xúc dư luận thời gian qua cũng có phần bắt nguồn từ sự thiếu hụt các kỹ năng này. Theo đề xuất của PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, trong thời gian tới ngành giáo dục nói chung, các trường học nói riêng cần chú trọng tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên, hãy cho giáo viên môi trường, cơ hội để thay đổi, để trở thành những người thầy chuẩn mực.

Nhấn mạnh việc bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên, đặc biệt là phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực là hết sức cần thiết, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cũng cho rằng, cách xử phạt truyền thống khi học sinh phạm lỗi hiện đang được nhiều giáo viên sử dụng là dùng hành vi và dùng lời nói, cử chỉ làm cho học sinh sợ hãi, đau đớn, xấu hổ để không tái phạm hành vi. Trong khi đó, hình phạt tích cực (kỷ luật tích cực) hiện đang được nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến áp dụng, lại chỉ ra cho trẻ thấy mình mất cơ hội, mất quyền lợi nếu phạm lỗi.

Do đó, ngoài các bồi dưỡng công tác chuyên môn, các nhà trường cũng cần trang bị cho giáo viên những kiến thức, kỹ năng về giáo dục kỷ luật tích cực và tạo điều kiện để các thầy cô được trải nghiệm quản lý lớp học tích cực trong nhà trường một cách thực chất.

Tác giả: Huyền Thanh

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

  Từ khóa: ứng xử ,thầy trò ,bài học

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP