Trong nước

Bác sĩ nói về bệnh của người tự cắt chân: "Họ cũng bị ám ảnh muốn cắt chi người bên cạnh"

Bệnh nhân bị rối loạn nhận dạng cơ thể thường gặp ở độ tuổi thanh niên đến trung niên, nhưng ngày nay bệnh xuất hiện nhiều ở lứa tuổi 14 đến 15.

Lời khai rùng rợn của nhân viên y tế tự cắt chân rồi giấu trong tủ
Xác định nguyên nhân vụ tự cắt cụt chân rồi đem giấu trong tủ
Nhân viên y tế nghi tự cắt lìa chân rồi... giấu chân trong tủ

Bệnh viện quận Cái Răng - nơi anh K. tự cắt chân mình. Ảnh: Vietnamnet


Về việc, anh P.D.K (công tác tại Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng, tỉnh Tiền Giang) tự chốt cửa phòng rồi cắt chân của mình ngày 10/11, Đại tá Trần Ngọc Hạnh – Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân tự cắt chân là do anh K. mắc chứng bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể cộng với việc có sử dụng ma túy đá gây ảo giác.

Giải thích cho hành động của mình, anh K. cho rằng bản thân bị bệnh rối loạn nhận dạng cơ thể (RLDNCT), bệnh này khiến anh muốn cắt rời tay chân của mình. Chính anh K. đã phát hiện căn bệnh trên từ nhỏ, nhưng không nói cho ai biết.

Đến khi vào học tại Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, anh K. tự tìm hiểu căn bệnh của mình thông qua mạng Internet để tìm cách chữa trị nhưng không tìm ra cách. Cách duy nhất mà anh K. biết được là phải loại bỏ phần nhận dạng não bộ xem là phần dư thừa (đối với K. là phần dưới chân trái từ đầu gối trở xuống).

Báo cáo của Bệnh viện quận Cái Răng về vụ việc của anh K., ảnh: GĐVN


Hành động tự cắt chân của anh K. đã gây xôn xao dư luận. Nhiều người bàn tán và cho rằng đây là bệnh lạ, hiếm gặp.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Tuấn Khương – Bác sĩ Chuyên khoa Nội thần kinh của BV Chợ Rẫy TPHCM cho hay, bệnh rối loạn nhận dạng cơ thể (RLNDCT) không phải hiếm gặp. Ngược lại, bệnh này ngày càng phổ biến trong xã hội, nhất là với người 15 tuổi.

Bác sĩ Khương cho biết, bệnh RLDNCT là bệnh liên quan đến thần kinh chức năng, chứ không phải thần kinh thực thể. Bệnh xuất hiện khi một người chịu nhiều yếu tố tác động như: áp lực đám đông, áp lực công việc, trạng thái thần kinh không vững… ảnh hưởng đến tâm lý.

"Bệnh RLNDCT thường gặp ở lứa tuổi từ 15 đến 40 tuổi và ngày càng phổ biến. Nhất là ở lứa tuổi 14 đến 15, giai đoạn này các em có những biến chuyển lớn về thể chất và tâm lý.

Ở khoa thần kinh của bệnh viện, ngày càng có nhiều bệnh nhân bị bệnh này. Riêng phòng cấp cứu thì mỗi ca trực có khoảng 2 trường hợp. Thông thường người bệnh vào đây thường giả liệt, giả co giật hay giả những bệnh khác.

Ngoài việc người bệnh muốn cắt chi của mình, người bệnh cũng muốn tự vẫn. Thậm chí, họ cũng bị ám ảnh muốn cắt chi người bên cạnh. Nhưng đa số các bệnh nhân bị bệnh này thường chỉ dừng lại ở việc ảo tưởng, ảo giác là chi của họ thừa thãi mà thôi chứ rất hiếm người tự cắt chi.

Trường hợp bệnh nhân ở Cần Thơ tự cắt chân mình thì phải làm các xét nghiệm xem anh ta có sử dụng chất kích thích dẫn đến kích động, ảo tưởng nặng hay không chứ thực ra bệnh này chỉ gây nên ám ảnh cơ thể dư thừa, chứ không đến nỗi bệnh nhân tự cắt tay chân mình", bác sĩ Khương nói.

Bác sĩ Trần Tuấn Khương trong ca trực tại phòng cấp cứu của BV Chợ Rẫy.


Theo bác sĩ Khương, đôi khi các bác sĩ điều trị cũng có thể nhầm lẫn bệnh RLNDCT với bệnh khác, vì những biểu hiện lâm sàng và cách bệnh nhân trả lời khi khai thác bệnh.

Khi thấy nghi ngờ, hoặc kết quả xét nghiệm không giống như biểu hiện bệnh, bác sĩ phải chủ động khai thác bệnh sử, tiếp xúc với gia đình bệnh nhân, phán đoán qua thực thể bệnh, làm các xét nghiệm để biết chắc chắn bệnh nhân có bị RLNDCT hay không.

Trong chẩn đoán RLNDCT cần chẩn đoán phân biệt với rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn thần kinh tim, giả bệnh và tâm thần phân liệt. Cũng có thể rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm là các tổn thương phối hợp với RLNDCT. Chính vì thế, chẩn đoán bệnh RLNDCT là một việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và khai thác bệnh sử, triệu chứng một cách thận trọng.

Bệnh RLNDCT nguy hiểm ở chỗ bệnh ít có biểu hiện lâm sàng, trong khi người bệnh liên tục bị những ám ảnh thừa thãi, chán ghét các bộ phận trên cơ thể và ngày càng stress nặng.

Thế nên, khi những ám ảnh về các bộ phận cơ thể xuất hiện, người bệnh cần phải tự cứu mình bằng cách đến gặp bác sĩ tâm lý, chuyên gia y tế… để được tư vấn, điều trị, giải tỏa tâm lý sớm. Tránh tình trạng tâm lý bị đè nén dẫn đến những ám ảnh nặng nề gây tổn hại đến bản thân và người xung quanh.

Bệnh Rối loạn nhận dạng cơ thể (RLNDCT) là chứng bệnh mà người mắc phải bị ám ảnh bởi những bộ phận trên cơ thể mình, nhất là các chi. RLNDCT được ví như một chứng rối loạn nhận dạng giới tính và cũng có thể là sự rối loạn tâm thần.

Người mắc bệnh này vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường, nhưng do áp lực công việc, gia đình... gây ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh khiến họ bị stress, trầm cảm... dẫn đến không tự tin về chính mình.

Người mắc chứng RLNDCT luôn có cảm giác những bộ phận trên cơ thể như tay hay chân là bộ phận thừa. Họ bị ám ảnh và luôn có ý nghĩ phải cắt chính một phần cơ thể của mình, nhưng rất hiếm khi xảy ra tình huống này (trừ khi bệnh nhân sử dụng chất kích thích gây ảo giác mạnh).

Theo văn y thế giới, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân tự cho rằng có nhiều bộ phận trên cơ thể mình là vô dụng và cắt bỏ (nhiều nhất là các chi).

Nhà khoa học thần kinh người Mỹ Vilayanur Ramachandran gần đây đã khám phá ra nguyên nhân của chứng bệnh này là: bản đồ hình ảnh về cơ thể trong não của những người mắc bệnh bị thiếu mất một phần nào đó.

Hiện tại bệnh RLNDCT không có phương pháp điều trị. Tuy nhiên, những người đang bị ám ảnh về cơ thể mình có sự dư thừa hay có cảm thấy chúng... vô dụng thì nên tự cứu mình bằng cách đến gặp bác sĩ tâm lý, chuyên gia tâm lý,... để được tư vấn và điều trị đúng cách.

Khi phát hiện bệnh nhân đã tự ý cắt bộ phận trên cơ thể mình thì người phát hiện nên đưa ngay bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Thời gian vàng để nối lại các bộ phận bị cắt rời cơ thể là 6 tiếng.

Tác giả bài viết: Phạm An

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP