Xuân Trường (giữa) lên tuyển dù chỉ về tập trung đúng hai ngày trước trận gặp Syria. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Trung thành với triết lý kiểm soát bóng
Kiểm soát bóng là miêu tả ngắn gọn nhất về hình hài tuyển Việt Nam dưới thời Nguyễn Hữu Thắng. Trong ngày nhậm chức, Hữu Thắng đã tuyên bố: “Tôi khẳng định chắc chắn 100% rằng tôi sẽ chọn lối chơi phù hợp với thể trạng con người Việt Nam. Với thể hình, thể lực hiện tại, chúng ta phải thực hiện lối chơi kiểm soát bóng, đá cự ly ngắn, cự ly trung bình. Chúng ta phải học cách chịu đựng áp lực từ đối thủ, phải tập nhuần nhuyễn phản công.”
Để thực hiện triết lý ấy, Hữu Thắng đã gọi lên đội tuyển hàng loạt cầu thủ thuộc biên chế Hoàng Anh Gia Lai - những người có trình độ kỹ thuật và khả năng kiểm soát trận đấu tốt nhất. Cùng với đó, những cái tên như Thành Lương cũng được trọng dụng đặc biệt.
Bằng chứng sống cho sự trung thành với triết lý ấy: Xuân Trường về Việt Nam hôm 29/5, tập đúng một ngày nhưng ngay lập tức được ra sân đá chính. Bộ đôi Tuấn Anh, Xuân Trường cũng đá chính cả ba trận gần nhất của tuyển Việt Nam ở đợt tập trung này. Cùng với những cầu thủ Hà Nội T&T như Thành Lương, Văn Quyết, Hữu Thắng đã phần nào thành công trong việc “tiki-taka hóa” tuyển Việt Nam.
Huy Hùng là học trò cưng của huấn luyện viên Toshiya Miura nhưng không được đá chính một trận nào ở tuyển Việt Nam. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Nói không với các tiền vệ phòng ngự
Ba trận gần nhât trước Syria, Hong Kong và Singapore, không có một tiền vệ phòng ngự nào được đá chính trong đội hình tuyển Việt Nam. Có hai nguyên nhân dẫn tới việc này. Thứ nhất, tuyển Việt Nam đá 4-4-2 nên hai suất tiền vệ trung tâm buộc phải dành cho Tuấn Anh - Xuân Trường.
Thứ hai, tiền vệ phòng ngự duy nhất là Huy Hùng không có khả năng kiểm soát bóng ấn tượng. Trước anh, Duy Mạnh và Hoàng Thịnh cũng không phải những cầu thủ quá khéo léo. Tổng thời gian ra sân của ba cầu thủ này ở tuyển Việt Nam cũng là rất thấp.
Tuy nhiên, Hữu Thắng sẽ phải xem xét lại bài toán tiền vệ phòng ngự ở những đợt tập trung tới. Bởi ngay cả những đội bóng lớn cũng phải có một tiền vệ “càn quét” trong đội hình nếu muốn chơi bóng kiểm soát. Barcelona có Sergio Busquet hay Arsenal từng có Mathieu Flamini là những ví dụ điển hình.
Đình Hoàng lần đầu lên tuyển nhưng giành suất đá chinh dưới thời Hữu Thắng. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Sử dụng cầu thủ chạy cánh kỹ thuật
Dưới thời huấn luyện viên Toshiya Miura, cầu thủ chạy cánh của đội tuyển thường rất giàu thể lực (sức bền và sức mạnh). Đó là Võ Huy Toàn, Nguyễn Trọng Hoàng, Hồ Ngọc Thắng. Thanh Hiền, Quế Ngọc Hải hay cả Hoàng Lâm cũng từng được sử dụng ở vị trí hậu vệ cánh. Lựa chọn ấy khiến khả năng phòng ngự ở hai biên của tuyển Việt Nam được nâng cao rõ rệt nhưng khả năng hỗ trợ tấn công khá hạn chế.
Đến thời Hữu Thắng, các cầu thủ chạy cánh bắt đầu có xu hướng... thấp đi. Họ cũng khéo léo hơn, nhanh hơn, kỹ thuật và giỏi tấn công. Vũ Văn Thanh, Nguyễn Văn Toàn, Trần Đình Hoàng, Trần Đình Đồng là bốn cầu thủ chạy cánh lần đầu lên tuyển dưới thời Hữu Thắng trong khi Âu Văn Hoàn trở lại và bắt đầu được trọng dụng./.
Tác giả bài viết: Thùy Minh