Giáo dục

Anh ngữ Apax của Shark Thủy nợ bảo hiểm xã hội hơn 52 tỷ đồng

Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, Cty cổ phần Anh ngữ APAX của Shark Thủy nợ hơn 52 tỷ đồng tiền BHXH đối với người lao động cả trong nước và nước ngoài.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) một số địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa công khai danh sách các đơn vị sử dụng lao động nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 2 tháng trở lên.

Theo thông báo của Bảo hiểm xã hội quận Cầu Giấy công bố đầu tháng 9/2022, trên địa bàn quận có 3.438 đơn vị còn nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền nợ hơn 290 tỷ đồng.

Shark Nguyễn Ngọc Thuỷ.

Đáng chú ý, Cty cổ phần anh ngữ APAX (Trung Kính, Cầu Giấy), nợ 31 tháng, số tiền hơn 48,8 tỷ đồng (456 lao động); Cty này cũng nợ 33 tháng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng với 96 người nước ngoài.

Trước đó, đầu năm 2021, BHXH thành phố Hà Nội vừa công bố 50 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nợ đọng BHXH kéo dài tính đến tháng 1-2022...

Anh ngữ APAX của Shark Thủy có địa chỉ tại tầng 10, tòa nhà Láng Hạ, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội cũng đội sổ khi nợ BHXH 24 tháng của 855 nhân viên với tổng nợ là 44,52 tỷ đồng.

Bị tố 'ôm tiền' bỏ rơi học sinh

Apax English và EnglishNow vốn là "gà đẻ trứng vàng" của Apax Holdings, là thành viên trực thuộc Tập đoàn Egroup của Shark Thủy (Nguyễn Ngọc Thủy- Chủ tịch Tập đoàn Egroup và là Tổng giám đốc Anh ngữ Apax).

Nhiều phụ huynh kéo đến Trung tâm Apax English để tìm câu trả lời cho những lớp học tự nhiên bốc hơi. Ảnh cắt từ Clip VTV.

Vào sáng 14/9, hàng chục phụ huynh cùng những nhân viên bị nợ lương đã tới trụ sở củ Egroup tại Hà Nội, để yêu cầu ban lãnh đạo xử lý triệt để việc nơi này đã nhận tiền nhưng không tổ chức dạy học theo kế hoạch cho học viên. Nhiều tháng nay, việc học của trẻ bị đình trệ, không có giáo viên đứng lớp. Trung tâm này cũng không thông báo để nói rõ vấn đề với phụ huynh và các học viên.

Lập đoàn kiểm tra Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Buôn Mê Thuột

Ngày 23/9, tin từ Sở GD&ĐT Đắk Lắk, cho biết đã thành lập đoàn kiểm tra thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Buôn Ma Thuột (tầng 3, toà nhà trên đường đường Lý Thường Kiệt, thành phố Buôn Ma Thuột).

Theo ông Đoàn Đình Duẩn, Phó Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Đắk Lắk, sau khi nhiều phụ huynh có đơn phản ánh sự việc trung tâm Anh ngữ nói trên bất ngờ đóng cửa và không hoàn trả học phí, phía Sở đã thành lập đoàn kiểm tra đối với Trung tâm Anh ngữ nói trên.

Vào thời điểm kiểm tra (20/9), tại Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Buôn Ma Thuột đã đóng cửa, không tổ chức dạy học. Hiện phía Sở đang xác minh các nội dung liên quan đến phản ánh của phụ huynh có con học tại trung tâm này. Sau khi có kết quả, Sở sẽ xem xét có cho trung tâm này hoạt động hay không?.

Ông Duẩn cũng cho biết, đã yêu cầu trung tâm Anh ngữ này ngừng chiêu sinh, quảng cáo chiêu sinh cho đến khi khắc phục các phản ánh của phụ huynh.

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh đăng ký cho con học tại trung tâm Enghlishnow, trong thời gian dịch bệnh, nhiều người đã tin tưởng đăng ký các khóa học online 1 kèm 1 của hệ thống Anh ngữ Englishnow thuộc Cty Cổ phần đầu tư và Phát triển Egame, đóng tiền và theo học dài hạn trong 1-2 năm. Tuy nhiên, sau 1 năm học, lớp học Online không có giáo viên.

Phụ huynh tá hỏa, đi tìm câu trả lời, theo địa chỉ ghi trên trang web, nhiều phụ huynh đã tìm đến Trung tâm Tiếng Anh Englishnow ở phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, thế nhưng tầng 3 đã đóng cửa, còn tầng 4 là hội sở chính thì trống trơn.

Thất vọng và lo lắng của phụ huynh tăng lên khi tài khoản học trực tuyến của nhiều con lần lượt không thể đăng nhập. Trái ngược với lời giới thiệu hấp dẫn cách đây hơn 1 năm rằng Englishnow hỗ trợ các con cập nhật tình hình học tập hàng tuần, hàng tháng thông qua hệ thống ứng dụng trên smartphone.

Anh Lê Hoàng Long (Hà Nội) có con học tại Hệ thống Anh ngữ Englishnow cho biết, mặc dù anh đã đóng tiền cả năm gần 20 triệu đồng cho trung tâm vào thời điểm mới đăng ký cho con học, tuy nhiên, khi con anh Long mới học được 10 tháng (tức còn 2 tháng nữa mới hết hợp đồng) thì trung tâm bất ngờ dừng dạy.

Việc đòi lại tiền học phí tại Trung tâm Apax Leaders không chỉ diễn ra tại Hà Nội. Hiện nhiều nhóm phụ huynh tại Tp.HCM cũng bức xúc kéo đến trụ sở Trung tâm Apax Leaders tại đường Trần Đình Xu (Quận 1) để đòi lại học phí vào ngày 22/9.

Hầu hết các phụ huynh này đều đóng học phí theo gói cả năm học, thậm chí nhiều người đóng đến 3 năm vì được ưu đãi. Mức học phí họ đóng thấp nhất từ 20 triệu đến cả trăm triệu đồng, nhưng học sinh chỉ được học online hoặc chưa học buổi nào. Theo chia sẻ của một phụ huynh sau buổi làm việc, trung tâm hứa sẽ hoàn tiền cho nhóm phụ huynh này vào đầu tháng 11 nhưng chỉ là hứa, chưa có xác nhận nào.

Chị Hồng Thắm (32 tuổi, Gò Vấp, Tp.HCM) cho biết con chị theo học tại Trung tâm Apax Leaders từ năm 2021 với mức học phí khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, mỗi tuần 2 buổi. Nhưng sau một thời gian học chị nhận thấy chất lượng trung tâm ngày càng đi xuống, giáo trình dạy không giống nhưng những gì đã cam kết, nên cho con nghỉ học.

Không chỉ tại 2 thành phố lớn, tại các tỉnh thành khác phụ huynh cũng bàng hoàng với câu chuyện Apax Leaders. Mới đây, thông tin Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Buôn Ma Thuột (Tp Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bất ngờ biến mất, và ôm theo học phí của hàng trăm học sinh. Cũng tình trạng tương tự như tại Tp.HCM, nhiều người đóng chả chục triệu đồng nhưng con chỉ học được 1-2 buổi rồi các lớp học đóng cửa, không có giáo viên. Phụ huynh liên hệ giám đốc chi nhánh thì được biết người này đã nghỉ việc, và cũng là nạn nhân của trung tâm vì bị nợ lương. Nhiều phụ huynh đã làm đơn tố cáo lên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk.

Trả lời những phụ huynh tìm đến công ty Egroup, đại diện pháp lý của hệ thống Anh ngữ đã thống nhất, sẽ thanh toán lại tiền cho phụ huynh theo 2 đợt 30/10 và 15/11.

Theo đại diện trung tâm này, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, hoạt động giáo dục mới được quay lại khoảng 5 tháng gần đây vì thế đã gây ảnh hưởng đến việc duy trì hoạt động của Hệ thống Englishnow.

Lợi nhuận tăng vẫn nợ tiền giáo viên, nhân viên

Theo BCTC 6 tháng đầu năm 2022 tại Apax Holdings, công ty đạt doanh thu 669 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế lại đạt 23 tỷ đồng, tăng 276% so với cùng kỳ.

Công ty giải thích nguyên nhân lợi nhuận tăng là do toàn hệ thống thực hiện tái cơ cấu bộ máy, giảm đáng kể chi phí bán hàng, chi phí hoạt động và các đơn vị quay trở lại hoạt động hiệu quả.

Tổng tài sản của Apax Holdings tại ngày 30/6 tăng 2% so với thời điểm đầu năm, đạt 4.723 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.601 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Apax Holdings, cổ đông doanh nghiệp đã thông qua phương án phát hành 83,1 triệu cổ phiếu (tương đương 831,5 tỷ đồng) cho cổ đông hiện hữu, để tăng vốn điều lệ lên 1.663 tỷ đồng.

Mặc dù lợi nhuận tăng nhưng Apax Holdings giáo viên tố "bùng" lương.

Chị Phạm Thị Minh – Giám đốc quản lý 3 trung tâm Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders tại thành phố Vinh - Nghệ An bức xúc chia sẻ những vấn đề đang xảy ra tại Apax Leaders tỉnh này.

Theo chị Minh, chị đã làm việc 5 năm tại Apax Leaders, nhưng sau khi bùng nổ của dịch Covid- 19, Apax Leaders dựa đó liên tục vi phạm cam kết với khách hàng của mình từ việc sử dụng giáo trình hoàn toàn khác so với giáo trình đã cam kết giảng dạy với phụ huynh và học sinh. Khi phụ huynh đăng ký và nộp tiền không được xếp lớp học, khách hàng muốn rút lại học phí luôn viện lý do để khiến phụ huynh không rút được tiền học phí.

Ngoài ra, việc không trả tiền mặt bằng khiến trung tâm luôn trong tình trạng bị đòi nợ bởi 3 điểm thuê mặt bằng, liên tục phải nói dối phụ huynh do dịch chưa quay lại dạy, nhưng thực ra là toà nhà niêm phong và cắt điện nước khiến trung tâm không thể hoạt động. Và việc không trả lương cho giáo viên nước ngoài khiến họ đình công không tiếp tục dạy học…

Apax Leaders và EnglishNow đều là thành viên trực thuộc Tập đoàn Egroup, sở hữu bởi "Shark" Thủy, tên thật là Nguyễn Ngọc Thủy, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Egroup.

Tập đoàn Egroup là một công ty Công nghệ Giáo dục tại Việt Nam, có trụ sở chính đặt tại Hà Nội.

Tiền thân của Egroup là Công ty Cổ phần Trò chơi Giáo dục Trực tuyến - Egame, hoạt động trong lĩnh vực trò chơi giáo dục trực tuyến.

Năm 2008, Công ty Cổ phần Trò chơi Giáo dục Trực tuyến Egame chính thức được thành lập, người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Ngọc Thủy.

Tới thời điểm hiện tại, Tập đoàn Egroup đã có 12 công ty hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo tiếng Anh, giáo dục mầm non, giáo dục trực tuyến, phát triển tư duy sáng tạo cho trẻ em thông qua robot thông minh và tính nhẩm, giáo dục kỹ năng nghề và du học.

Trong đó, công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán: IBC) của Shark Thủy đang kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục. Hiện nay, IBC đang có 3 công ty con là CTCP Anh ngữ Apax (Apax English), CTCP Phát triển giáo dục Igarden và CTCP Trường liên cấp Firbank Australia, cùng 3 công ty liên kết là CTCP Tập đoàn hạ tầng giáo dục, CTCP Giáo dục tư duy và Sáng tạo CMS, CTCP Hạ tầng Trường liên cấp STEAME.

Trong các công ty con của Apax Holdings thì Apax English đang là công ty con hoạt động hiệu quả nhất. Theo giới thiệu, hệ thống này đang có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng hơn 120.000 học viên đang theo học. Tính đến cuối tháng 6/2022, Apax Holdings đang sở hữu 66,36% cổ phần Apax English.

Tác giả: Hoàng Nhung

Nguồn tin: taichinhdoanhnghiep.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP