Đầu tháng 4/2020, Stark Corporation phát đi thông báo cho biết đã mua thành công 100% cổ phần của CTCP Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cables) và CTCP Kim loại màu và nhựa đồng Việt Nam (Dovina).
Theo đó, tập đoàn đến từ Thái Lan chi trả 240 triệu USD (khoảng hơn 5,5 nghìn tỷ đồng) cho thương vụ, tương đương khoảng 66.67 đồng cho mỗi cổ phần của Thipha Cables và Dovina. Trước đó, thương vụ đã được các cổ đông của Stark Coporation thông qua tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức hôm 23/2/2020. Giao dịch được thực hiện bởi công ty con của Stark Corporation, Phelps Dodge International.
Ông Võ Tấn Thịnh. |
Thương vụ này được cho là sẽ bổ sung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty và cũng tăng cường lợi thế cạnh tranh của Stark Corporation ở thị trường trong nước và quốc tế. Tập đoàn này có vốn hóa thị trường là 44 tỷ baht (1,3 tỷ USD).
Phelps Dodge International sản xuất, xuất khẩu dây và cáp sang nhiều nước khác nhau, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong cùng lĩnh vực cũng đã vươn tới một số thị trường Đông Nam Á, truyền thông châu Á đưa tin.
Theo Viettimes, Thipha Cables có xuất phát điểm là một cơ sở nhỏ do doanh nhân Võ Tấn Thịnh (SN 1962) thành lập năm 1987 tại TP.HCM. Sau gần 3 thập niên phát triển, Thipha Cables đã trở thành nhà sản xuất dây và cáp điện lớn thứ hai ở Việt Nam. Doanh nghiệp còn xuất khẩu sản phẩm ra một số nước ở Đông Nam Á.
Cuối năm 2009, các cổ đông của Thipha Cables thành lập Dovina để nhập khẩu và xử lý đồng và nhôm cho sản xuất dây và cáp điện. Dovina bán đồng và nhôm đã chế biến cho Thipha Cables, các doanh nghiệp khác ở Việt Nam và nước ngoài. Giai đoạn 2017 - 2018, tổng doanh thu hợp nhất của 2 doanh nghiệp này lên tới hơn 9.000 tỷ đồng.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, cơ cấu cổ đông Thipha Cables trước thương vụ với Stark Corporation bao gồm: ông Võ Tấn Thịnh (99,98%), Võ Tấn Nhựt (0,01%) và bà Nguyễn Thanh Tâm (0,01%). Trong khi đó, Dovina có vốn điều lệ đăng ký đạt 250 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông: Võ Tấn Thịnh (76,79%), Võ Tấn Nhựt (0,006%), Trác Văn Hùng (23,20%).
Với tỷ lệ sở hữu như vậy, theo Trí thức trẻ, số tiền mà doanh nhân sinh năm 1962 này thu về chắc chắn không dưới 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh lĩnh vực sản xuất cáp điện, Thịnh Phát từng xác định trụ cột khác là đầu tư bất động sản với dự án tiêu biểu là khu công nghiệp Thịnh Phát tại Long An.
Với khoản tiền không nhỏ vừa thu được, không loại trừ khả năng ông Võ Tấn Thịnh sẽ nổi lên thành một nhà đầu tư đình đám trong lĩnh vực bất động sản khi mà không ít doanh nghiệp lớn nhỏ đang gặp khó khăn về dòng tiền do tác động của dịch bệnh.
Ở một chi tiết đáng chú ý, Viettimes thông tin, trước thương vụ M&A kể trên khoảng 8 tháng, CTCP Địa ốc Cáp điện Thịnh Phát đã tách ra thành CTCP Cáp điện Thịnh Phát và CTCP Địa ốc – Cáp điện Thịnh Phát. Trong đó, CTCP Địa ốc – cáp điện Thịnh Phát đăng ký mảng kinh doanh chính là bất động sản.
Hay nói cách khác, ông Võ Tấn Thịnh đã tách mảng cáp điện thành công ty riêng để bán cho tập đoàn Thái Lan. Dù vậy, người sáng lập Thipha Cables vẫn sở hữu khá nhiều doanh nghiệp khác như: CTCP Đầu tư Kinh doanh tổng hợp Thịnh Phát, CTCP Đầu tư dự án Thịnh Phát, CTCP Điện Thịnh Phát,...
Tác giả: Thu Hà (T/h)
Nguồn tin: vietq.vn