TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết bên cạnh nhiều lợi ích, khi chúng ta ăn quá nhiều dưa hấu sẽ phải đối mặt với các tình trạng dưới đây:
Rối loạn tiêu hóa: Người ăn có thể bị trướng bụng, đầy hơi, chán ăn, đi tả, do tỳ vị bị tổn hại khi nạp vào cơ thể quá nhiều loại quả này. Do đó, những người có đường ruột yếu kém do tuổi tác hay bệnh lý không nên ăn dưa hấu.
Có hại cho người bệnh viêm loét dạ dày: Dưa hấu chứa nhiều nước, có tác dụng lợi tiểu. Ăn nhiều dưa hấu sẽ khiến hệ bài tiết nước tiểu tăng, làm mất đi lượng nước cần thiết khiến các vết loét khó được phục hồi.
Gây đầy hơi, buồn nôn: Tác dụng phụ của chất chống oxy hóa lycopene chứa trong dưa hấu là gây nên hiện tượng đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn nếu khối lượng lớn chất này được đưa vào cơ thể và không được hấp thụ hết. Do đó, khi có hiện tượng nôn và buồn nôn, bạn nên dừng ngay việc ăn dưa hấu lại và có biện pháp giải độc kịp thời.
Dễ gây đau tim: Tuy tác dụng của dưa hấu là làm ổn định nhịp tim, giúp phòng tránh các bệnh về tim mạch nhờ vào lượng kali dồi dào. Ăn quá nhiều dưa hấu khiến lượng kali quá cao sẽ làm rối loạn nhịp tim và hệ thần kinh trung tâm gây ra những cơn đau tim bất thường.
Gây tổn thương thận: Khi ăn nhiều dưa hấu, lượng nước vào cơ thể nhiều, khiến thận phải hoạt động với tần suất cao, điều này có thể gây tổn thương thận và dẫn đến các bệnh về thận. Bên cạnh đó, dưa hấu còn làm giảm lượng đường trong máu khi ăn quá nhiều. Điều này làm rối loạn việc sản xuất insulin gây hại đến thận.
Giảm huyết áp: Dưa hấu có tác dụng hạ huyết áp vì vậy nó rất tốt cho người bị cao huyết áp, nhưng nếu ăn quá nhiều, huyết áp hạ quá mức lại cũng là một mối lo lớn tới sức khỏe.
Ăn quá nhiều dưa hấu không có lợi cho sức khỏe. Ảnh: Boldsky. |
Những thời điểm không nên ăn dưa hấu
Trước và ngay sau bữa ăn: Thành phần nước trong dưa hấu có thể làm loãng dịch tiêu hóa trong dạ dày, ăn trước và ngay sau bữa ăn có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ tiêu hóa thức ăn. Đồng thời với lượng nước lớn vào cơ thể sẽ chiếm phần lớn dung tích chứa của dạ dày gây cảm giác no, giảm yếu tố kích thích ăn uống, ảnh hưởng tới sức khỏe (đặc biệt là sức khỏe trẻ em, thai phụ).
Buổi tối: Đường trong dưa hấu là fructose. Các nghiên cứu từ lâu đã tìm thấy fructose mặc dù không làm tăng đáng kể lượng đường trong máu, nhưng nó làm tăng sự thèm ăn.
Ai không nên ăn dưa hấu?
Người bị đau dạ dày: Dưa hấu có tính hàn, vì thế những người bị đau dạ dày ăn nhiều dưa hấu rất dễ bị tổn thương dạ dày.
Người đang bị cảm cúm: Người bị cảm cúm, đặc biệt là lúc vừa chớm bệnh, nếu ăn nhiều dưa hấu sẽ không tốt cho sức khỏe do dưa hấu có tính hàn, sẽ làm cơ thể nhiễm lạnh, khiến bệnh lâu khỏi hơn.
Người mắc bệnh tiểu đường: Dưa hấu có chứa rất nhiều đường, dưa càng đỏ, ngọt sắc thì lượng đường càng cao. Bệnh nhân mắc chứng tiểu đường nếu ăn dưa hấu quá nhiều sẽ khiến thận làm việc quá tải.
Người bị mắc chứng rối loạn chức năng thận: Người mắc chứng rồi loạn chức năng thận nếu ăn nhiều dưa hấu sẽ khiến cơ thể trữ nước, khó bài tiết, gây phù nề, dẫn đến đầy hơi khó chịu, ngoài ra còn làm tăng nguy cơ bị suy tim cấp tính.
Người bị loét miệng: Khi bị loét miệng, nhiều người lầm tưởng nếu ăn nhiều dưa hấu sẽ mau khỏi bệnh, giúp thanh nhiệt cơ thể nhanh chóng. Tuy nhiên, dưa hấu có tác dụng lợi tiểu, làm lượng nước trong cơ thể bị bài tiết ra ngoài, gây thiếu nước ở khoang miệng, khiến bệnh lâu khỏi hơn.
Phụ nữ mang thai và phụ nữ vừa sinh con: Phụ nữ mang thai thường sẽ bị giảm lượng insulin, ảnh hưởng đến chức năng ổn định lượng đường trong máu. Nếu ăn quá nhiều dưa hấu sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao, không tốt cho sức khỏe của thai phụ. Bà mẹ khi vừa sinh con cũng không nên ăn dưa hấu do cơ địa còn khá yếu, dễ bị nhiễm lạnh, dưa hấu lại có tính hàn dễ gây đau bụng, tiêu chảy.
Người cao tuổi: Người lớn tuổi thường mắc các bệnh về tim mạch và dạ dày, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng ngày hè. Đối tượng này không nên ăn quá nhiều dưa hấu để tránh ảnh hưởng đến chức năng dạ dày, tim, thận.
Tác giả: Hà Thanh
Nguồn tin: zing.vn