Kinh tế

Nam Định phá bỏ Nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương một thời

Những ngày qua, nhiều người dân Nam Định không khỏi tiếc nuối khi nhà máy liên hợp dệt Nam Định được phá đi để phục vụ cho việc xây dựng một khu đô thị dệt may ngay tại vị trí này.

Việc tồn tại của khu liên hợp dệt ở giữa lòng thành phố Nam Định đã không còn thích hợp bởi bao quanh là dân cư đông đúc việc sản xuất công nghiệp cần được di dời ra địa điểm khác cách xa khu dân cư để đảm bảo độ an toàn và sự ảnh hưởng tới con người và môi trường xung quanh .

Tuy nhiên, với nhiều người, nhất là với những người, những gia đình có truyền thống gắn bó với Nhà máy này không khỏi nuối tiếc khi nhớ về quá khứ vàng son của nhà máy từng một thời lừng lẫy cả xứ Đông Dương…

Nhà máy liên hợp dệt Nam Định là biểu tượng tự hào một thời của thành phố Nam Định khiến nơi đây thậm chí từng còn được gọi là thành phố Dệt. Lịch sử xây dựng, phát triển của Nhà máy Dệt gắn với thời kỳ kháng chiến cứu nước của dân tộc và những trang sử của thành phố Nam Định. Những thăng trầm của Nhà máy Dệt từng làm ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của tỉnh Nam Định.

Tổng công ty Cổ phần Dệt May Nam Định tiền thân là Nhà máy Sợi Nam Định, được thành lập năm 1889, tới năm 1954 được Nhà nước tiếp quản và đổi tên thành Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định.

Đến tháng 6/1995 được đổi tên thành Công ty Dệt Nam Định, tháng 7/2005 được đổi tên thành Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Dệt Nam Định, là doanh nghiệp hạch toán độc lập trực thuộc Tổng công ty Dệt May Việt Nam (VINATEX), nay là Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Đến ngày 1/1/2008, Công ty đã chính thức chuyển sang hoạt động công ty cổ phần, có tên là Tổng công ty Cổ Phần Dệt May Nam Định (Natexco)

Nhà máy này được biết đến là nhà máy lớn nhất Đông Dương. Vào năm 1924 số công nhân của nhà máy lên tới 6.000 người và lên tới gần 13.000 công nhân viên chức vào năm 1985. Vào thời điểm những năm 1985, người ta tính trung bình cứ mỗi gia đình ở thành Nam lại có một người là công nhân nhà máy này.

Theo quy hoạch chung phát triển Thành phố Nam Định, toàn bộ diện tích khu vực sau khi di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất ra khu công nghiệp sẽ được đầu tư xây dựng thành Khu đô thị Dệt may Nam Định, thiết lập nên trung tâm hành chính mới của thành phố với khu trung tâm thương mại, dịch vụ, chung cư cao tầng tạo nên một khu đô thị “cốt lõi” hiện đại của thành phố trong tương lai. Tổng diện tích quy hoạch là 24,81ha do Cty CP Phát triển đô thị dệt may Nam Định (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 412 tỷ đồng.

Theo báo cáo điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị Dệt may do Viện Quy hoạch xây dựng (Sở Xây dựng) lập, khu đô thị này sẽ có: khu trung tâm thương mại dịch vụ tại cửa ngõ phía đông về phía đường Trần Phú và Công viên 25-3 gồm khối công trình cao 5 tầng. Khu trung tâm thương mại tại cửa ngõ phía tây bao gồm tổ hợp các khối công trình cao trung bình 14 tầng với các chức năng hỗn hợp thương mại dịch vụ, chung cư cao tầng.

Ngoài ra, còn có các công trình xã hội phụ trợ khác như bệnh viện 5 tầng, khu trường học tập trung, các khu vực xây dựng nhà ở chia lô; khu vực nhà ở dạng biệt thự, nhà vườn với mặt tiền từ 10-15m, chiều sâu từ 20-27m, Công viên trung tâm 25-3, sân thể dục thể thao, hệ thống cây xanh được bố trí dọc các tuyến phố. Các khu vực còn lại được giữ nguyên trạng và tiến hành chỉnh trang bao gồm Bảo tàng Dệt may; nâng cấp khu dân cư hiện hữu, các công trình nhà xưởng sản xuất và khu nhà điều hành quản lý của Cty CP May 3…

Trên thực tế, từ năm 2016, Natexco đã hoàn toàn không còn nằm trong Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ về di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp bị ô nhiễm khi toàn bộ khu vực sản xuất nhuộm, dệt mới đã được hình thành ở KCN Hòa Xá. Lĩnh vực Dệt - May - Sợi vẫn được duy trì trong thành phố 3 - 4 năm nữa vừa để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động và tích lũy tài chính cho Tổng Công ty trước khi chuyển ra khu vực mới một cách hoàn chỉnh cả về công nghệ và kỹ thuật.

Dưới đây là những hình ảnh gần như cuối cùng được ghi tại Nhà máy Dệt Nam Định trước khi bị phá bỏ hoàn toàn.


















Tác giả bài viết: Phương Dung - Ảnh: Trần Vũ Long

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP