Nữ sinh Trần Ngọc Thịnh sinh năm 1994, từng học chuyên Sinh, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Cuối năm lớp 10, em quyết định đi du học bằng học bổng bán phần (khoảng 35.000 USD/năm) từ trường nội trú Westtown, bang Pennsylvania, Mỹ.
Em lựa chọn du học sớm vì thấy bản thân khi ấy chịu nhiều áp lực về việc học đội tuyển, thi học sinh giỏi, phải thi vào những trường đại học top đầu mới xứng đang là học sinh trường chuyên... Áp lực đó làm em mệt mỏi nên đã quyết định đấu tranh tư tưởng với ba mẹ xin đi du học.
16 tuổi, một mình sang Mỹ, Ngọc Thịnh bị sốc văn hoá. Em mất khá nhiều thời gian để làm quen môi trường mới. Bậc phổ thông ở Mỹ khác với Việt Nam, ngay khi vào lớp 10, học sinh phải có định hướng và đăng ký trường đại học, ngành học dự kiến sẽ theo đuổi sau khi tốt nghiệp THPT. Thịnh không được tiếp nối kết quả học ở Việt Nam và em phải học lại từ lớp 10.
Năm 2017, sau khi tốt nghiệp bậc phổ thông ở Westtown- Mỹ, Ngọc Thịnh nhận được học bổng toàn phần hệ cử nhân tại Đại học New York ở Abu Dhabi (NYUAD- Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất).
Nữ sinh Trần Ngọc Thịnh |
Ở NYUAD, nữ sinh TP.HCM theo đuổi chuyên ngành Sinh học và Xã hội học. Em mong hai ngành này không chỉ cho mình kiến thức khoa học mà còn cả những hiểu biết về cộng đồng để có thể trở thành bác sĩ tốt trong tương lai.
Tuy nhiên, con đường của cô gái thay đổi hoàn toàn khi bắt đầu làm nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm về ung thư trong năm đầu tiên đại học.
Vì chỉ mới học được một học kỳ nên em sợ không đủ trình độ làm nghiên cứu. Nhưng khi thấy một giáo sư mới về trường đăng tin tìm sinh viên phụ việc trong phòng thí nghiệm, Thịnh đánh liều nộp đơn đăng ký. May mắn, em được nhận vào làm việc.
Tại đây, em học được nhiều điều nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của các anh chị trong nhóm. Khi đó nữ sinh mới thực sự nhận ra việc làm nghiên cứu giống như đang giải một bức tranh ghép hình phức tạp với nhiều mảnh ghép còn thiếu. Mặc dù nhiều lúc thấy nản vì tìm mãi mà không ra câu trả lời nhưng sự tò mò và lòng kiên trì đã thôi thúc em khám phá không ngừng mỗi ngày- đó cũng là cái duyên đưa em đến con đường nghiên cứu.
Hè năm thứ hai đại học, em nhận được học bổng nghiên cứu làm việc trực tiếp với giáo sư Claude Desplan ở New York. Sau này thầy cũng là người hướng dẫn em hoàn thành luận án tốt nghiệp loại xuất sắc. Giáo sư Claude Desplan nghiên cứu về não bộ của ruồi giấm (Drosophila melanogaster). Ông dành cả sự nghiệp để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tưởng chừng đơn giản - làm cách nào những tế bào gốc giống hệt nhau có thể biến thành rất nhiều loại tế bào thần kinh (neuron) đa dạng từ hình dáng đến chức năng
Sau khi tốt nghiệp từ NYUAD, Ngọc Thịnh tiếp tục nộp đơn và được Đại học Toronto (Canada) cấp học bổng toàn phần bậc thạc sĩ. Hai lý do em lựa chọn Canada vì số lượng, chất lượng giáo sư ở trường rất "khủng" và muốn khám phá môi trường học tập, nghiên cứu mới.
Năm đầu tiên ở Toronto, con đường của nữ sinh tuổi Tuất một lần nữa rẽ sang hướng mới nghiên cứu về Sinh - Tin học. Thay vì làm việc trong phòng nghiên cứu truyền thống với ống nghiệm và chuột bạch thì em nghiên cứu, phân tích dữ liệu Sinh học trên máy tính. Cụ thể là dữ liệu về định lượng protein trong máu của những bệnh nhân tiểu đường trước và sau khi thay đổi một số thói quen ăn uống.
Những dữ liệu này được thu thập từ hàng ngàn bệnh nhân và nếu được phân tích đúng cách có thể giúp chúng ta hiểu hơn về tác dụng của chế độ ăn lên bệnh tiểu đường.
Đây chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều cách mà thời đại của dữ liệu lớn (big data) đang thay đổi những nghiên cứu y-sinh học. Khối lượng dữ liệu mà các nhà nghiên cứu thu thập được càng nhiều và phức tạp, nhưng số lượng người được đào tạo để xử lý thông tin từ những dữ liệu này vẫn chưa bắt kịp được nhu cầu rất mới của ngành. Với chút vốn liếng về Khoa học Máy tính từ đại học, em quyết định dốc sức học thêm toán, thống kê và thuật toán để theo ngành Sinh-Tin học.
Nhận bằng tốt nghiệp bậc thạc sĩ, em cảm thấy tự tin hơn về những kỹ năng cũng như định hướng tương lai của bản thân trong ngành Sinh-Tin học. Em quyết định nộp đơn vào Trung tâm nghiên cứu ung thư Memorial Sloan Kettering (MSK), Mỹ.
Mỗi lần về nước, Ngọc Thịnh thường tranh thủ tham gia các hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm bài học của bản thân. |
Lần trở lại Mỹ này, Ngọc Thịnh nhận được học bổng toàn phần bậc tiến sĩ trị giá 88.000 USD/năm (trong vòng 5 năm). Đây cũng là trung tâm nghiên cứu về ung thư lớn nhất thế giới. Hàng năm trung tâm chỉ tuyển một vài nghiên cứu sinh nên sự cạnh tranh giữa các ứng viên vô cùng gắt gao.
Lợi thế của Thịnh là từng có thời gian dài tham gia nghiên cứu ngay từ những năm đầu tiên đại học, được làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành Sinh học, từ sinh học ung thư, sinh học phát triển đến sinh-tin học.
Mặc dù khi nộp đơn, chưa có đề tài nào được đăng trên các tạp chí khoa học nhưng Thịnh đã giải thích về mục tiêu và kết quả chính của những đề tài nghiên cứu từ đại học, thạc sĩ. Những kết quả nghiên cứu ở các bậc học trước là yếu tố quan trọng nhất giúp hội đồng tuyển sinh hiểu hơn về cách em suy nghĩ, làm việc và lựa chọn trao cho em học bổng.
Ngọc Thịnh bắt đầu nghiên cứu tại trung tâm MSK từ tháng 6/2020. Trung tâm chủ yếu tập trung nghiên cứu về cơ chế của bệnh ung thư và tìm ra các phương pháp chữa trị tiềm năng mới.
Tại đây, kho dữ liệu của bệnh nhân được sử dụng vào việc nghiên cứu vô cùng phong phú và nhiều loại thuốc mới được tìm ra từ các nghiên cứu được đưa vào thử nghiệm lâm sàng tại bệnh viện. Đây là môi trường liên ngành lý tưởng giúp em phát triển khao khát của mình.
Dù chuyên ngành là Sinh-Tin học, tập trung vào phân tích dữ liệu trên máy tính nhưng em vẫn thường xuyên cộng tác với những đồng nghiệp đang làm việc trong phòng thí nghiệm cũng như những bác sĩ đang trực tiếp tham gia khám chữa bệnh.
Em học hỏi được nhiều điều từ những người với chuyên môn khác nhau. Những góc nhìn và kiến thức của họ giúp em hiểu hơn về khía cạnh sinh học của những con số mình đang phân tích.
Ngọc Thịnh (hàng đầu, thứ ba từ trái qua) cùng bạn bè khi đi thực tập tại trung tâm nghiên cứu MSK. |
Chia sẻ thêm về đề tài đang theo đuổi, 9X cho biết, phía sau khối lượng dữ liệu khổng lồ mà em đang phân tích là những con người thật hằng ngày phải chống chọi với ung thư, và tất cả những gì mình có thể làm là nỗ lực hết sức để góp phần cải tiến cách chữa bệnh.
Đề án nghiên cứu của em tập trung vào việc giúp các bác sĩ dự đoán loại thuốc hoặc liệu trình điều trị tốt nhất cho mỗi bệnh nhân dựa vào thông tin từ những bệnh nhân tương tự.
Một trong những trở ngại lớn nhất trong việc điều trị ung thư là sự đa dạng và khả năng biến hóa của căn bệnh này. Nếu bác sĩ chỉ sử dụng một liệu trình điều trị cho tất cả các bệnh nhân thì không phải là cách tốt nhất. Nhưng để cá nhân hóa được phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân dựa trên các thông tin về lâm sàng và bộ gen thì hiện giờ gần như là không thể.
Do đó, em kỳ vọng những kết quả nghiên cứu của mình sẽ là một bước đệm để giúp y học cá nhân hóa từng bệnh nhân ung thư khả thi hơn phần nào.
Tác giả: Hà Cường
Nguồn tin: Báo VTC News