Nữ chính trong câu chuyện có mối tình đẹp từ thời cấp ba, cả hai cùng bước vào đại học. Những tưởng đôi bạn sẽ cùng vẽ lên tương lai với ngôi nhà và những đứa trẻ, song chàng trai bắt cô gái bỏ đứa bé trong bụng.
Mất tương lai vì mang bầu
Bụng cô gái ngày càng to, người yêu thì chần chừ không chịu cưới. Chàng trai dọa không bỏ thai sẽ chia tay. Không lâu sau, mẹ thiếu nữ biết chuyện mắng chửi cô thậm tệ và cương quyết không cho con gái bỏ đứa bé. Mẹ bắt cô nghỉ học vào Sài Gòn sống với chú dì để sinh con, tránh dị nghị từ làng xóm.
Trước ngày đi, thiếu nữ hẹn nửa còn lại ra nói chuyện và nhận được sự thờ ơ, lạnh lùng. Cô đau đớn chấp nhận sự bội bạc của người mình từng yêu hơn cả bản thân. Nữ sinh cho rằng lỗi do mình dại dột nên không oán trách.
Con gái được 3 tuổi, cô đưa con ra bắc, hàng xóm cũng biết chuyện, song họ có cái nhìn thoáng hơn về vấn đề này nên bà mẹ một con không có nhiều áp lực. Đứa bé càng lớn càng giống bố khiến cô không khỏi chạnh lòng.
Mang theo sự mặc cảm và đứa trẻ không có bố, song nữ chính trong câu chuyện may mắn gặp một người đàn ông cùng quê thông cảm và yêu thương mẹ con cô hết lòng.
Trong một lần đi đám cưới, cô gặp lại người đàn ông đã rũ bỏ mình năm nào. Anh ngỡ ngàng khi thấy cô dắt theo đứa bé giống mình như đúc. Chàng trai muốn nhận lại con, song đã bị cô gái khước từ.
Theo cô, người đàn ông ấy không xứng đáng làm bố. Hiện, bé gái được 10 tuổi, sống trong sự yêu thương của gia đình. Nữ chính muốn chia sẻ câu chuyện để nói ra nỗi lòng đầy day dứt chỉ vì sai lầm của tuổi trẻ để con phải gánh chịu nhiều thiệt thòi.
Câu chuyện của những nữ sinh tuổi vừa 19, đôi mươi trót mang bầu rồi rơi vào cảnh “bỏ thì thương vương thì tội” không còn hiếm gặp. Không ít người trong số đó can đảm giữ lại giọt máu của mình, dù người đàn ông chối bỏ trách nhiệm làm cha.
Những chia sẻ trải lòng của cô gái trong câu chuyện nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Có những bình luận cảm thông, nhưng cũng có ý kiến trách móc cho rằng cả hai đều sai khi vượt quá giới hạn thời trẻ.
Thu Huyền, sinh viên năm thứ ba, Đại học Công Nghiệp Hà Nội, bày tỏ cô ủng hộ cách giải quyết của nữ chính. Từ khi nghe câu nói '"bỏ cái thai" thoát ra từ miệng chàng trai, người này mãi mãi không có tư cách để được đứa bé gọi là cha nữa.
Theo cô, trên đời có ông bố nào lại muốn hại con của chính mình. Đàn ông hay biện minh bằng lời hứa. Mỗi cô gái khi yêu cần phải biết cách tự bảo vệ bản thân. Lấy đứa bé trong bụng để cầu xin tình yêu thì con gái đánh mất đi giá trị của họ.
Có cái nhìn gay gắt về việc sinh viên mang bầu ảnh hưởng tương lai của bản thân và con cái, Khánh Linh (21 tuổi, TP.HCM) nêu quan điểm có rất nhiều cách tránh thai sao không biết tìm hiểu để tránh làm khổ cho cả ba.
Cô thẳng thắn nhìn nhận ở trường hợp này người con trai đáng trách hơn cả. Tuy nhiên, bạn gái cũng có sự lựa chọn, đó là yêu sáng suốt và biết giữ mình.
Hãy yêu một cách thông minh
Từng mang thai và bị người yêu "bỏ chạy", P.H. (25 tuổi, Hà Nội) đồng cảm cho rằng với trường hợp của bạn gái trong bài viết thì "quyết định thế nào cũng là sai, hoặc quyết thế nào cũng có thể đúng".
P.H. cho hay cô mang bầu khi còn là sinh viên năm thứ hai của một trường đại học. Cô gái này tâm sự chuyện "vượt rào" trong sinh viên không phải ghê gớm, song mang bầu lại là một tai tiếng quá lớn và không phải ai cũng có thể vượt qua.
"Trước đây, mình thấy những người bỏ đi con của mình là độc ác, nhẫn tâm và mình cũng khâm phục những bạn sinh viên giữ lại con nếu lỡ mang thai. Nhưng quả thật, mình rơi vào tình huống này mới khó xử", nữ sinh kể.
Cô quyết định sinh con và tạm gác chuyện học. Bạn trai biết chuyện không đồng tình, không phản đối. H. sống trong sự dị nghị, bàn tán của bạn bè. Sinh bé trai được 2 tháng, cô và người yêu có nhiều bất đồng vì chưa làm lễ cưới nên anh chàng này rũ bỏ người phụ nữ sinh con cho mình và chối bỏ trách nhiệm chăm sóc đứa bé.
Hiện, H. là bà mẹ đơn thân, con trai cô đã vào lớp một. Cuộc sống hai mẹ con không quá khó khăn, song cô phải từ bỏ giảng đường vì mặc cảm không dám đi học và tất bật với cuộc sống cơm áo gạo tiền. Tuổi đời còn khá trẻ, bà mẹ một con luôn có mặc cảm về bản thân, mất niềm tin, sống khép kín và không muốn tìm cho mình bến đỗ mới.
Có phần may mắn hơn, Phương Anh - cũng mang bầu khi còn là sinh viên - được bạn trai cùng trường yêu thương và có trách nhiệm. Nhưng, cô gái vẫn chịu nhiều tổn thương vì gia đình người yêu chê trách chuyện "ăn cơm trước kẻng".
Nữ sinh nghẹn ngào tâm sự: "Giờ mình phải vác bụng bầu đi thi cuối kỳ ở cái tuổi 19 (sinh viên năm thứ hai) chỉ vì không kìm được cảm xúc".
Nói về vấn đề "bà mẹ sinh viên" tại trường đại học, cô Lê Nguyễn Phương Thảo - giảng viên Đại học Khoa học Huế - cho biết sinh viên trên 18 tuổi nên chẳng có luật nào cấm các bạn lấy chồng và sinh con. Việc đó không vi phạm quy chế rèn luyện của sinh viên trong các trường đại học. Tuy nhiên, trường hợp sinh viên kết hôn, mang bầu, sinh con sẽ ảnh hưởng chất lượng học tập.
Sinh viên mang thai không phải hiếm và đa số rơi vào trường hợp này ít người trẻ có được cách ứng xử toàn vẹn. Số đông sẽ chọn bỏ thai, hoặc bỏ học nuôi con tạm bợ. Một số ít may mắn được gia đình chấp nhận cho cưới xin, nuôi con hộ.
Nữ giảng viên đưa ra lời khuyên học đại học là quãng thời gian quan trọng để mỗi người chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống sau này. Vì vậy, kết hôn, sinh con khi đang ngồi trên ghế giảng đường là điều mỗi sinh viên phải suy nghĩ, nhìn nhận thấu đáo để có những quyết định sáng suốt cho tương lai của chính mình.
Làm mẹ đơn thân là lựa chọn khó khăn Cuộc sống của những bà mẹ đơn thân gặp nhiều khó khăn, kể cả về vật chất và dư luận xã hội.
Chối trách nhiệm khi làm người yêu có thai bị xử lý thế nào? Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp - Công ty Luật TNHH Hoàng Sa (Đoàn luật sư Hà Nội) - nếu người yêu làm bạn gái có thai khi ở độ tuổi thành niên, việc chối bỏ trách nhiệm chỉ vi phạm phạm trù đạo đức. Pháp luật hiện hành không điều chỉnh, không can thiệp sâu vào chuyện tình cảm của con người. Người yêu chối bỏ trách nhiệm không vi phạm pháp luật hình sự, không vi phạm pháp luật khác nên bạn gái không thể khởi kiện hay tố cáo tới các cơ quan chức năng được. Có chăng, hướng xử lý tốt nhất cho cả hai bên là trao đổi, tìm được tiếng nói chung để cùng nhau có trách nhiệm nuôi dưỡng con. |
Tác giả bài viết: Kiều Trang - Clip:VTV
Nguồn tin: